Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 3 năm 2023 | 14:2

Hoàn thiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao trình Chính phủ vào tháng 4

Hiện, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được lấy ý kiến chuyên gia, địa phương vùng ĐBSCL. Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trình Chính phủ thông qua vào tháng 4/2023 và được triển khai từ năm 2024.

Rà soát kỹ

Thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, đến nay đã có 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) đăng ký tham gia với diện tích đến năm 2025 là 719.000 héc ta và đạt 1,015 triệu héc ta vào năm 2030. Trong đó, riêng năm 2024 dự kiến sẽ có trên 200.000 héc ta tham gia đề án.

Tại hội thảo đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL diễn ra mới đây, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương đã có văn bản đăng ký thực hiện đề án với diện tích đến năm 2025 là 100.000 héc ta và đến năm 2030 là 200.000 héc ta.

Thu nhập của nông dân từ trồng lúa không đảm bảo nên diện tích loại cây trồng này ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho cây ăn trái, (Ảnh: Trung Chánh).

Riêng năm 2024, địa phương đăng ký thực hiện với diện tích là 60.000 héc ta. Cơ sở để chúng tôi đưa ra con số này vì vụ đông xuân vừa qua (vụ đông xuân 2022-2023), Kiên Giang có 82.585 héc ta được liên kết tiêu thụ. Trong đó, chúng tôi đã ký kết đầu ra, đầu vào cùng các doanh nghiệp với diện tích 62.900 và đã thu mua xong trong vụ đông xuân, ông Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, chia sẻ, địa phương đăng ký thực hiện đề án 60.000 héc ta vào năm 2025 và định hướng đạt 120.000 héc ta vào năm 2030. Tuy nhiên, tại hội nghị nêu trên, cơ quan này vẫn chưa xác định được chỉ tiêu cụ thể sẽ tham gia vào đề án trong năm đầu tiên. Trong vụ đông xuân 2022-2023 này, Long An có 17 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa cho bà con nông dân với diện tích khoảng 15.000 héc ta.

Hiện, TP. Cần Thơ đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 50.000ha và duy trì ổn định con số này đến năm 2030. Tỉnh An Giang đăng ký đạt 150.000ha vào năm 2025 và đạt 200.000ha vào năm 2030. Đồng Tháp là 70.000ha, sau đó tăng lên 163.000ha, Long An là 60.000ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 120.000ha...

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, việc triển khai đề án trong năm 2024 có điều kiện thuận lợi, đó là chuyển diện tích của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (vnSAT) sang với diện tích khoảng 184.000 héc ta (dự án này được triển khai tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang-PV). Có 184.000 héc ta này, thì năm 2024 tối thiếu chúng ta phải làm 184.000 héc ta.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến sẽ được đơn vị này trình Chính phủ  thông qua vào đầu tháng 4-2023 và thực hiện từ năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được ông đề nghị các địa phương, đó là phải rà soát xem hợp tác xã có còn đáp ứng đầy đủ năng lực hay không khi chuyển từ vnSAT sang. Lúc triển khai vnSAT còn hợp tác xã, nhưng hiện nay chưa chắc hợp tác xã còn tồn tại.

Sản xuất lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ (Ảnh: báo Cần Thơ).

Ngoài ra, để triển khai được trên 200.000 héc ta vào năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương rà soát kỹ về cơ sở hạ tầng của vùng được chọn triển khai đã đáp ứng hay cần phải gia cố lại. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp liên kết thu mua hay không, cần phải kiểm tra thật kỹ để Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể đưa ra phương án kêu gọi doanh nghiệp cùng thực hiện hoặc chuyển sang địa phương khác.

Giải quyết vấn đề thu nhập

Liên quan tới mục tiêu của đề án là thúc đẩy các biện pháp canh tác bền vững để sản xuất lúa chất lượng cao và giảm thải carbon ngày càng lớn trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, cần phải phân tích nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế; sản xuất được hài hòa với nhu cầu thị trường, nông dân có thể tăng doanh số, nâng cao năng lực cạnh tranh và cuối cùng là lợi nhuận; nghiên cứu chuỗi giá trị và chiến lược xây dựng thương hiệu.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Animesh, Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại trụ sở Mỹ cho rằng, bên cạnh thách thức về biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao như đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang đối mặt với hai thách thức lớn khác, bao gồm phải giải quyết bài toán thu nhập của người nông dân và phát triển thị trường.

Theo ông Animesh, đối với thách thức về thu nhập, lúa là loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng đáng tiếc việc sản xuất lúa chưa giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Chúng ta sẽ không đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, nếu chúng ta không thay đổi được điều đó. Thay đổi này là rất quan trọng.

Thực tế, khu vực ĐBSCL đang đối mặt với “làn sóng” người nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng, mít Thái và nuôi tôm nước lợ ngay vùng nước ngọt ở khu vực Đồng Tháp Mười của ĐBSCL. Bởi, thu nhập từ những đối tượng mới cao hơn hàng chục lần so với việc gắn bó với cây lúa.

Khi đề cập tới vấn đề thị trường, ông Animesh gợi ý, Việt Nam cần đầu tư cho việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, “tức các bạn phải nghiên cứu ngay từ bây giờ thị trường trong tương lai có nhu cầu về giống lúa gì, họ muốn hạt gạo có hương vị thế nào?

Năm 2024 dự kiến sẽ có trên 200.000 héc ta tham gia đề án 1 triệu triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.

Theo ông, việc Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng quảng bá ngành lúa gạo Việt Nam qua bộ phim về con đường lúa gạo cũng là cách tốt để định vị cho ngành lúa gạo Việt Nam trước đối thủ cạnh tranh. Điểm mạnh của Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, cho nên, ngay bây giờ các bạn có tầm nhìn, chiến lược để xây dựng, định vị trên thị trường là đã đi trước các đối thủ cạnh tranh rồi.

Ông Li Guo, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam cho biết, giải pháp để “cải thiện” thu nhập cho nông dân trồng lúa là giảm chi phí đầu vào nhằm tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Ví dụ, thông qua dự án vnSAT, đã giúp năng suất lúa tăng 5,2-7,9%; lợi nhuận tăng 29-67%; khí thải nhà kính giảm 26,6% trong vụ đông xuân và 29,9% trong vụ hè thu. Đây là lợi ích đạt được nhờ giảm chi phí đầu vào, bao gồm giảm 29-50% lượng giống sử dụng; 22-50% lượng phân bón vô cơ và 30-50% lượng nước…

Còn đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao đề ra mục tiêu đến năm 2025 lợi nhuận của nông dân trồng lúa đạt 35%, đến năm 2030 là 40%. Tuy nhiên, khi đem so sánh giữa cây lúa với các loại đối tượng khác như cây ăn trái hay con tôm như đã nêu ở trên, thì lợi nhuận từ cây lúa vẫn chưa hấp dẫn.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái. Diện tích đất sản xuất lúa ở ĐBSCL đang ngày càng sụt giảm, trong khi người nông dân cũng đang trong tâm thế sản xuất cầm chừng.

Nếu làm được đề án này, thì niềm tin của người nông dân sẽ tăng lên, nông dân yêu cây lúa và quyết tâm phát triển thì mới giữ được cây lúa, chứ nếu không sẽ ngày càng mất đi. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top