Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 13:35

Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên giúp hội viên làm giàu từ kinh tế VAC

Những năm qua, với sự nỗ lực vượt khó, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Phú Yên đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể, cùng cách tiếp cận phù hợp, đổi mới, sáng tạo, vừa từng bước xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, vừa giúp hội viên, nông dân làm giàu từ kinh tế VAC.

Chuyển biến tích cực

Chủ tịch HLV tỉnh Phú Yên Lê Luân cho biết, HLV tỉnh hiện có 9 Hội cấp huyện với 18.687 hội viên; trong đó có 3 hội viên là tổ chức kinh tế (HTX), 18.684 hội viên là nông dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Kiện toàn, củng cố tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động . Trong đó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HLV cấp huyện chuẩn bị nội dung và điều kiện để tổ chức đại hội theo điều lệ; trong đó gắn với nhiệm vụ kiện toàn, củng cố HLV cấp xã. Đến nay, đã kiện toàn 15 HLV cấp xã hoạt động gắn với Chi hội nghề nghiệp của nông dân.

Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn về trồng rừng gỗ lớn và một số loài cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh (bắp - ngô, cỏ, rơm…) và phối trộn thức ăn cho bò tại 3 địa phương (huyện Phú Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa) với trên 30 học viên tham gia.

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, HLV các cấp đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao như: trồng chanh, sầu riêng, mít (Sông Hinh); nuôi lươn, trồng khóm (dứa) ở Đồng Din (Phú Hòa), thu nhập 100 triệu đồng/ha;   trồng hoa cây cảnh ở phường 9, Hòa Kiến, Bình Ngọc (TP. Tuy Hòa), thu nhập trên 300 triệu đồng/hộ/năm;  trồng rừng ở 2 huyện Đồng Xuân, Tây Hòa và TX Sông Cầu, thu lãi 50-70 triệu đồng/hộ...

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tư vấn, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hội viên các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và lao động nhàn rỗi ở các địa phương.

Vườn cây ăn trái của ông Ngô Quốc Dũng ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) là mô hình đạt hiệu quả cao.

Điển hình như gia đình ông Ngô Quốc Dũng ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa). Ông Dũng chia sẻ: Cách đây vài năm, gia đình mua 6ha đất để trồng trọt và chăn nuôi. Lúc đầu chưa nắm vững quy trình lựa chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nên sản xuất không hiệu quả. Sau đó, được hướng dẫn chuyên môn, sự động viên khích lệ của cán bộ HLV huyện Phú Hòa, gia đình đầu tư san ủi mặt bằng, đào ao nuôi cá, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động theo mô hình của Israel. Gia đình còn vào các tỉnh phía Nam lựa chọn mua giống mãng cầu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Phú Yên. Đến nay, gia đình có hơn 5.000 cây mãng cầu, hàng trăm cây dừa xiêm, cam, bưởi, chuối cau… Tổng thu nhập hằng năm từ vườn cây, ao cá đạt hàng trăm triệu đồng.

Đồng thời, HLV Phú Yên còn quan tâm hướng về cơ sở, xây dựng một số mô hình sản xuất tại huyện Sông Hinh, qua đó khảo sát, đánh giá tư vấn sản xuất cây chanh, sầu riêng, mít, góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thường trực HLV Phú Yên tham quan mô hình cây ăn quả ở huyện Sông Hinh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, kinh tế VAC

Được sự lãnh đạo của HLV Việt Nam, sự ủng hộ của UBND tỉnh Phú Yên cùng các sở, ngành liên quan, HLV tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể, cùng cách tiếp cận phù hợp, đổi mới, sáng tạo, từng bước xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, hội viên đã phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế VAC, kinh tế vườn, qua đó, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, tiêu biểu tại một số địa bàn như: Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh); An Thọ, An Xuân (huyện Tuy An)…

Tuy nhiên, trong hoạt động, Hội vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức HLV cấp huyện, xã chưa đồng bộ, thậm chí có nơi còn hình thức. Có thời điểm, hội cấp tỉnh, cấp huyện ngưng một hoạt động, ít quan tâm đến hội viên…

Theo Chủ tịch HLV tỉnh Phú Yên Lê Luân, căn cứ chức năng nhiệm vụ và Điều lệ Hội, HLV tỉnh đã xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024: Phối hợp với UBND các địa phương hướng dẫn HLV cấp huyện tổ chức Đại hội nhiệm kỳ theo Điều lệ Hội.

Thực hiện tốt công tác vận động phát triển hội viên, quan tâm hội viên là tổ chức kinh tế như: hợp tác xã, tổ hợp tác; từng bước kiện toàn, củng cố HLV cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC tại khu dân cư ở nông thôn.

Xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và HLV tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 về phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế vườn theo Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV ngày 9/10/2023 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và HLV Việt Nam.

Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC năm 2024 theo chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và HLV tỉnh.

Xây dựng mô hình kinh tế VAC hiệu quả, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và HLV các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền hỗ trợ xây dựng từ 5-10 mô hình VAC hoạt động hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, vận động hội viên tích cực nâng cao kiến thức, năng lực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi trong quá trình tổ chức sản xuất.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top