Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 3 năm 2023 | 16:52

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế: Quảng bá tiềm năng cà phê Việt

Sáng 11/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023.

Hội nghị có sự tham dự của 450 đại biểu của 170 đơn vị, gồm đại diện lãnh đạo các nhà nhập khẩu; nhà phân phối; sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê trong và ngoài nước, các tổ chức kinh tế.

Đẩy mạnh kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất cà phê

Hội nghị đã thu hút được rất nhiều đại biểu, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hội nghị thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn về ngành hàng cà phê như: Neumann Kaffee Gruppe (Đức); Louis Dreyfus Commodities (Hà Lan) và Ecom Agroindustrial Corporation Ltd (Thụy Sĩ). Đây là những tập đoàn thu mua cà phê của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân ở Việt Nam, có nhiều công ty lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk… tham gia. Đến với Hội nghị còn có 2 đoàn doanh nghiệp đến từ các địa phương của Trung Quốc với mong muốn kết nối giao thương và đưa sản phầm cà phê của Đắk Lắk vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê khác ở trong và ngoài tỉnh đã tham dự Hội nghị.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác

Trong dịp này, Tập đoàn Vườn Thời Đại đã trình bày định hướng hình thành Sở giao dịch cà phê và nông sản tại Đắk Lắk. Sở giao dịch sẽ là nơi tập trung các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, các công ty môi giới và các nhà đầu tư trên cơ sở liên thông với các sở giao dịch quốc tế, đồng thời đảm bảo việc giao dịch diễn ra công bằng, minh bạch và nhanh chóng. Sở giao dịch sẽ đưa ra các thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, tình hình sản xuất, tiêu thụ và các yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường cà phê và nông sản. Những thông tin này sẽ giúp cho khách hàng có thể đưa ra các quyết định giao dịch phù hợp. Thông qua Sở giao dịch cà phê và nông sản, các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk như cà phê, tiêu, ca cao, macca... và các nông sản khác như gạo, ngô, đậu tương, đường sẽ được đưa lên sàn giao dịch.

Đây là dịp để các doanh nghiệp giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cà phê

Đây là dịp để các doanh nghiệp giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cà phê

Tại Hội nghị kết nối giao thương, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ về phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam, xu thế phát triển sản phẩm cà phê thế giới; nhu cầu thị trường cà phê của thế giới. Đồng thời các nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước đã được gặp mặt, trao đổi về cơ hội hợp tác.

Bên lề Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh và những địa phương khác…

Phóng viên Kinh tế nông thôn (áo đen, bên trái) tham gia tác nghiệp tại hội nghị

Phóng viên Kinh tế nông thôn (áo đen, bên trái) tham gia tác nghiệp tại Hội nghị

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, hiện nay ngành cà phê chỉ mới dừng lại ở khẳng định về chất lượng, việc nâng tầm giá trị cho ngành cà phê Việt Nam từ 4 tỷ USD lên trên 10 tỷ USD thì còn rất nhiều trăn trở. Vì vậy Hội nghị sẽ mở ra cơ hội giao thương giữa các đối tác cung ứng cà phê, hồ tiêu chuyên nghiệp với các nhà rang xay, công ty gia vị trong và ngoài nước và các đối tác địa phương cùng hợp tác chế biến sâu cà phê, gia vị, trái cây. Ngoài những ký kết hợp tác tại hội nghị, Simexco Daklak còn gặp gỡ và trao đổi tìm hiểu cơ hội hợp tác giao thương và xúc tiến đầu tư với nhiều đối tác trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm cà phê đã được giới thiệu tại hội nghị

Nhiều sản phẩm cà phê đã được giới thiệu tại hội nghị

Ông Guofeng Yang Xi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Báo quan Quốc Phong Hà Khẩu (Trung Quốc) chia sẻ, công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa chủ yếu qua kênh thương mại điện tử đối với tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hiện, hệ thống phân phối của đơn vị trải khắp thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Đến với sự kiện lần này, công ty hy vọng có thể đạt được sự hợp tác với các công ty nông sản và sản phẩm phụ của Đắk Lắk. Đồng thời, kết hợp lợi thế của hai bên để cùng nhau thúc đẩy phát triển thương mại song phương một cách bền vững.

Tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu cà phê

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích cà phê đứng đầu cả nước (213.336 ha). Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tuy nhiên, hiện đa phần các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chế biến thô với trang thiết bị máy móc đơn giản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và an ninh thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn cầu hoá hiện nay, thì hoạt động kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng cà phê không chỉ là câu chuyện buôn bán thông thường, mà còn thể hiện giá trị cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang vươn xa, tiếp cận được đến những miền đất mới.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị

Chính vì vậy, Hội nghị kỳ vọng sẽ là cầu nối thiết thực cho các DN kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu, từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần hiện thực hoá đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát biểu tại hội nghị

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho rằng, tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn, các ngành chức năng và DN địa phương cần phải đưa ra những giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.

 

Thanh Hòa - Xuân Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Top