Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 11 năm 2023 | 10:46

Hội quán đặt nền móng đưa Nghị quyết tam nông phát triển bền vững

Sau gần 7 năm hoạt động, mô hình Hội quán đất Sen hồng đã thể hiện rõ vai trò đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Tháp. Giờ đây, bước đầu Hội quán giúp giải bài toán liên kết, hợp tác giữa nông dân với nhau, là mắt xích quan trọng để thực hiện việc mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí.

Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, xuất phát từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp về phát huy vai trò của người dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và từ những trăn trở của mong muốn xây dựng các mô hình phát huy tinh thần tự chủ, tự quản của người dân, thay đổi nhận thức trong sản xuất, liên kết, hợp tác, tự bàn bạc giải quyết công việc của chính địa phương mình, khắc phục tình trạng trông chờ vào Nhà nước, ông Lê Minh Hoan, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng và thành lập mô hình Hội quán đầu tiên vào năm 2016. Vừa triển khai thực tiễn - vừa bảo đảm củng cố lý luận, Đồng Tháp từng bước theo dõi, nghiên cứu hoàn thiện mô hình Hội quán.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 6 từ trái qua) và lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình Hội quán Cùng nhau làm du lịch.

Sau hơn 7 năm, đã phát triển được 145 Hội quán với gần 8.000 thành viên, có mặt hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột... và thành lập mới 35 Hợp tác xã từ Hội quán. Với tinh thần “Chăm chỉ - tự lực - hợp tác”, mô hình Hội quán Đồng Tháp hoạt động với phương châm nhất quán: 3 Không - 3 Tự - 3 Cùng (3 Không: không tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất do Nhà nước trang bị; 3 Tự: tự nguyện, tự quản, tự quyết định; 3 Cùng: cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Qua các buổi sinh hoạt, thành viên của Hội quán cũng tiếp cận được xu hướng sản xuất xanh, sạch và an toàn, thúc đẩy hợp tác, liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần giảm bớt đi câu chuyện trúng mùa, rớt giá. Các hội quán Hội quán sản xuất xoài và lúa đều tham gia ký kết đầu tư của doanh nghiệp, ngoài ra, hội còn là nơi phát triển tích hợp đa giá trị du lịch nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và hướng đến hội quán xây dựng mô hình "làng thông minh", "làng hạnh phúc"…

Đặc biệt, thành viên của Hội quán tham gia tích cực vào việc tự nguyện hiến đất làm đường, vật kiến trúc, trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, giữ gìn an ninh trật tự… Nổi bật có Hội quán Cùng nhau làm du lịch, (khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc), từ khi thành lập đến nay, hàng năm đều đạt “Hội quán Tiêu biểu” và nhiều năm liền được cấp tỉnh, thành phố tuyên dương.

Hội quán Minh Tâm (xã Mỹ Xương, Cao Lãnh ) đã biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm Facefarm, qua ứng dụng mã QR này người mua “Cây xoài nhà tôi” sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dõi được quy trình chăm sóc cây xoài.

Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch cho biết thêm, Hội quán thành lập ngày 5/3/2019, với ngành dịch vụ du lịch gắn với sản xuất - kinh doanh hoa kiểng, điểm tham quan du lịch và trò chơi miệt vườn, trải nghiệm, homestay, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ xe điện... Mô hình Hội quán nông dân là một tổ chức xã hội dân lập phù hợp với người dân có tâm huyết, muốn phát triển làng nghề theo hướng bền vững, hoạt động theo tiêu chí 3 cùng “Cùng nhau xây dựng, Cùng nhau quản trị, Cùng nhau thụ hưởng”. Cổ vũ động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp, phát triển du lịch homestay. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với yêu cầu, thực tế tại địa phương; tạo mọi điều kiện cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Nhân chuyến thăm hai Hội quán của xã Tân Thuận Tây (TP. Cao Lãnh) vào ngày 13/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp, mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”.

Đặt nền móng bền vững cho tam nông

Là người khởi sướng, sáng tạo mô hình hội quán tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, Hội quán là một thiết chế cộng đồng, từ chính sự hài hòa, gần gũi nhau, chia sẻ với nhau, hiểu được giá trị cộng đồng, tư duy cộng đồng, sức mạnh giúp nhà nông tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định, từ khi ra đời đến nay, Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với những lợi ích đó, Hội quán đã không ngừng lan tỏa sâu rộng và có mặt hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. với lợi thế của thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn, Hội quán mang lại nhiều đóng góp tích cực. Đặc biệt là đóng góp thúc đẩy lộ trình thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Sản phẩm trái cây của Hội quán huyện Cao Lãnh, (Ảnh: Lục Tùng).

Cụ thể, thông qua hợp tác, chia sẻ trong các sinh hoạt Hội quán, đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể. Đây là nền tảng giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, là mắc xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy lấy chất lượng làm tiên phong.

Đặc biệt, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay, làm thay. Qua đó chủ động tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy tích cực chương trình OCOP. Ví dụ, với Hội quán trồng cây ăn trái, đã xây dựng được mã vùng trồng, nhãn hiệu riêng cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua đó có 14 Hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích 603,41 ha, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Nga, Nhật Bản và EU.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình Hội quán đã khẳng định được vai trò quan trọng trong tham gia thiết lập cộng đồng dân cư theo xu hướng tự lực, bền vững, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc lấy người dân làm gốc, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân tham gia quản trị địa phương, tự bàn bạc, giải quyết câu chuyện của chính mình, của xóm làng thay vì thụ động trông chờ vào chính sách và sự can thiệp quản lý của Nhà nước.

Các Hội quán ở Đồng Tháp đã tham gia chuyển đổi nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững tạo bứt phá kinh tế của địa phương. Các thành viên tích cực tham gia mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Tạo hình từ các sản vật, cây trái của Đồng Tháp.

Ước đến cuối năm 2023, Đồng tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn, về đích sớm hơn 2 năm so kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao… Thành tựu này có sự đóng góp rất quan trọng của Hội quán, ông Nghĩa khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, bởi từ thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Điển hình như yếu tố về giá trị cộng đồng trong Hội quán vẫn còn một vài điểm hạn chế cần nhìn nhận, đánh giá như: Sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên Hội quán đôi lúc chưa theo kịp; tính chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm; tính liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực còn chưa bền vững; công tác tham gia bảo vệ môi trường chưa bền vững ở nông thôn; nhiều mô hình ở Hội quán được phát triển nhưng lại chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch…

Trong khi đó, sự biến động của thị trường thời hội nhập toàn cầu đang ngày càng khắc nghiệt nên rất mong các đại biểu, các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế tham gia đóng góp, đề xuất ý kiến giải pháp để cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Tháp có thêm nhiều giải pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của Hội quán trong tương lai.

Đại diện các Hội quán mong muốn được các ban, ngành địa phương, trung ương quan tâm hỗ trợ cả về nội dung, phương thức hoạt động để Hội quán thật sự là trung tâm kết nối cộng đồng, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo nền tảng bền vững cho tam nông.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top