Năng suất lúa hè thu 2022 ở nhiều địa phương của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tụt giảm so với cùng vụ sản xuất năm ngoái do thời tiết diễn biến bất thường và các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên diện rộng.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho hay, hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện gieo sạ gần 3.500ha lúa, phần lớn diện tích cơ cấu những loại giống trung - ngắn ngày chủ lực như HT1, PC6, BC15, TBR225, ĐT100, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Thiên ưu 8.
Theo ông Tường, ngoài việc một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn... gây hại, khi nhiều diện tích lúa của huyện đang trong thời kỳ trổ bông - ngậm sữa thì xuất hiện đợt mưa bất thường kéo dài từ ngày 7 - 9/8 khiến hàng loạt ruộng lúa bị lem lép, thối hạt, dẫn đến năng suất tụt giảm.
“Qua khảo sát và thống kê tại nhiều vùng, vụ này năng suất lúa bình quân của Duy Xuyên chỉ đạt 54 tạ/ha, giảm 3 tạ/ha so với hè thu 2021” - ông Tường chia sẻ.
Tại xã Duy Thành, vùng thâm canh lúa có quy mô lớn và hiệu quả nhất ở Duy Xuyên, năng suất lúa cũng tụt giảm mạnh. Ông Lê Trung Thưởng - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Thành nói: “Vụ này, nông dân trên địa bàn canh tác 325ha lúa. Năng suất bình quân chỉ đạt 53 tạ/ha, giảm 5 tạ/ha so với hè thu năm ngoái”.
Còn tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Ông Hồ Công Ninh ở thôn Trà Châu cho biết, vụ hè thu năm nay gia đình ông canh tác 5 sào lúa trên xứ đồng Cả. Ông sử dụng các loại giống lúa trung - ngắn ngày có chất lượng tốt, áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh tiên tiến nhưng vào giai đoạn ruộng lúa làm đòng - trổ bông rộ thì gặp thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm rõ rệt.
“Vụ này năng suất lúa bình quân chỉ đạt 280kg khô/sào, giảm 50kg/sào so với hè thu năm trước. Nhiều hộ dân khác ở đây vụ lúa này cũng chỉ đạt 270 - 280kg/ sào, thậm chí nhiều diện tích đạt dưới 250kg/sào, thấp hơn hè thu 2021 khoảng 40 - 60kg/ sào.
Điều đáng nói, thời gian qua giá các loại vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp đều tăng mạnh, trong khi đó giá lúa thương phẩm vẫn giữ nguyên ở mức thấp, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn” - ông Ninh nói.
Anh Vũ
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.