Tại phiên chất vấn sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ cố gắng hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index trong thời gian sớm nhất.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho biết, ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99 để ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong đó giao cho Bộ Công thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo, giám sát việc thực hiện FTA của các địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào hoàn thành Bộ tiêu chí này để đưa vào thực hiện?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công Thương đang xây dựng Bộ chỉ số FTA Index, dự kiến cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay sẽ được ban hành. Hiện, đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và các bộ ngành, cơ quan liên quan. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ chỉ số này không giống với bộ chỉ số của VCCI ban hành vì trùng thì sẽ không làm. Bộ Công Thương mong muốn các đại biểu quan tâm và góp ý về Bộ chỉ số này. Bộ sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến và cố gắng hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index trong thời gian sớm nhất.
Còn đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) lại băn khoăn, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, tuy nhiên, việc thực thi các chính sách để tối đa hóa lợi ích, mở rộng các thị trường mới vẫn đang còn bộc lộ nhiều bất cập. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có những chính sách cụ thể nào để tận dụng FTA với các đối tác ở những thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu?
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội gì từ các thị trường quốc tế, trong khi các quốc gia này đều có những lợi thế so sánh tương đồng như Việt Nam?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, Việt Nam có 16 FTA đang thực thi, trong quá trình mở cửa hội nhập thị trường, chúng ta cần có thời gian để thực hiện. Một số thị trường như Ấn Độ, Bangladesh là những thị trường mà ngành công thương đang khuyến khích các doanh nghiệp khai thác. So với các nước này, chúng ta tương đồng về lao động, trình độ công nghệ, tuy các thị trường này chưa có tính bổ trợ cao cho nền kinh tế của Việt Nam như một số nước khác nhưng thị trường này có tiềm năng quy mô dân số rất lớn, đây là khách hàng tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng; đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhờ thực hiện chủ trương này, nước ta đã có tiềm lực và uy tín quốc tế lớn như ngày nay. Việc đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do, thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu là bước đi cần thiết. Trong thời gian tới, một mặt cần nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước, đồng thời cần tiếp tục mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư có chọn lọc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến khai thác hiệu quả FTA, Bộ trưởng cho rằng, để khai thác hiệu quả các FTA vấn đề quan trọng vẫn là con người. Bộ trưởng đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do. Các trường trong hệ thống quốc dân cần có kế hoạch mở mã ngành, có chương trình đào tạo có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các ngành, các địa phương tham gia hội nhập quốc tế.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.