Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023 | 15:5

Khi ứng dụng công nghệ cao “phủ sóng” cùng thương mại điện tử

Ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản ngày càng tạo giá trị hàng hóa chất lượng cao. Nhờ TMĐT nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng được nâng tầm.

Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Nguyễn Quang

Hà Nội: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản, tạo giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đặc biệt, rất cần cơ chế thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này...

Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt giá trị kinh tế khá, phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, công ty hiện có 3.000m2 đất trồng nấm sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi ngày, công ty sản xuất được 3 tấn nấm các loại, cung cấp cho siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn cả nước, thu hàng tỷ đồng/năm.

Mô hình trồng dưa vàng kim vương 5 sao trong nhà màng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của nông trại Phúc Bách (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông trại ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR và có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Theo ông Nguyễn Phúc Bách, chủ nông trại Phúc Bách, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vốn nhiều nhưng bù lại trong quá trình sản xuất không gặp nhiều rủi ro từ thời tiết, sản phẩm bảo đảm an toàn, giá trị kinh tế cao.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, hiện toàn thành phố Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả rất lớn, song quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn. Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Hoài Đức) Bùi Hương Bích cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần kinh phí rất lớn để xây dựng hạ tầng, sản xuất, đào tạo nhân lực... nhưng do việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, hợp tác xã chỉ ứng dụng công nghệ cao tại một số công đoạn nên chuỗi sản xuất chưa đồng bộ.

Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Văn Thuần chia sẻ: Hiện nay, tại một số hợp tác xã, doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở vài khâu như: Tưới tiết kiệm theo công nghệ nhỏ giọt, phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Các khâu khác như thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn thủ công hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố, trong đó các nhóm ngành trồng trọt chiếm 45%, chăn nuôi 80%, nuôi trồng thủy sản 60%; 50% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong ứng dụng công nghệ cao. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu thành phố tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khép kín; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; xây dựng website quảng bá sản phẩm...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh trong nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Thành phố đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể là hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 3 năm theo hợp đồng vay vốn… Đây là cơ hội cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận chính sách khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng những mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp có vai trò "đầu tàu". Trên nền tảng thành công sẽ nhân rộng tới các địa phương nhằm tăng giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế cho nông dân, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp...

Bắc Ninh: Thương mại điện tử tạo cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo

Thương mại điện tử (TMĐT) hiện được xem là mũi nhọn của nền kinh tế số, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Theo một khảo sát gần đây, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên TMĐT, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT, 50% các đơn hàng trên TMĐT ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. Đây chính là cơ hội lớn cho những người khởi nghiệp trong quá trình tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu.

Một buổi livestream bán hàng sản phẩm tỏi An Thịnh bà Lý.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Bắc Ninh tận dụng cơ hội này để tạo đà phát triển. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có chỉ số TMĐT đứng thứ 8 cả nước. Ngay tại gian hàng giới thiệu sản phẩm trong Hội nghị TMĐT kết nối cung cầu Bắc Ninh vừa qua, các nhân viên của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, du lịch và giáo dục Gia An (Lương Tài) tất bật bày biện sản phẩm, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng cho buổi livestream hiệu quả. Bà Hán Thị Lý, giám đốc Công ty chia sẻ: “Sau 3 năm thành lập, thương hiệu tỏi An Thịnh đến gần với khách hàng hơn nhờ những buổi livestream như thế này, chúng tôi có thể tương tác trực tiếp với khách hàng để nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, tiêu thụ được khá nhiều sản phẩm. Không chỉ giới thiệu trên Facebook, chúng tôi hình thành kênh mua sắm tại Shoppee, Lazada, Tiktok…

Nhờ phát triển bán hàng trực tuyến, chúng tôi không phải lo lắng nhiều về việc mở các đại lý hay xây dựng điểm bán, phù hợp với những doanh nghiệp mới thành lập”. Trong khi đó, khởi nghiệp với một cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh), chị Nguyễn Loan chia sẻ: “Để bán được hàng, chúng tôi không chỉ chụp ảnh sản phẩm rồi đăng lên Facebook đơn thuần mà còn phải làm các video ngắn, chèn nhạc và hình họa hấp dẫn, từ đó thu hút nhiều lượt xem, tiếp cận khách hàng từ góc độ giải trí dẫn đến hành vi mua sắm. Tất cả những điều này chúng tôi đều phải học ở các lớp marketing online và tích lũy kinh nghiệm chứ ban đầu không hề đơn giản”.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhận định, TMĐT ngày càng thông minh và đem đến nhiều tiện ích vượt trội. Cụ thể, công cụ này cho phép các cá nhân tiếp cận khách hàng với quy mô xuyên biên giới. Khách hàng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào và ở đâu. Ngày càng có nhiều cá nhân quen với việc mua sắm trên thiết bị di động của họ. Ngoài ra, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT đều có cách theo dõi lưu lượng truy cập và toàn bộ hành trình người dùng để có được thông tin chi tiết từ khóa, thông điệp tiếp thị, trải nghiệm, chiến lược giá cả. Người khởi nghiệp cũng không phải băn khoăn quá nhiều về vốn đầu tư ban đầu cho mặt bằng, nhân sự, thậm chí các phương thức biển quảng cáo truyền thống. Mặt khác, thị trường TMĐT của Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới nên còn nhiều dư địa cho người khởi nghiệp.

Theo kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút trên 55% dân số trong tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT; doanh số TMĐT chiếm từ 10 - 12% so tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; phấn đấu tỉnh Bắc Ninh trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số TMĐT hàng năm. Để đạt mục tiêu trên, theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị này sẽ tích cực tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới TMĐT, tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT; đề xuất phát triển hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử, chú trọng tiện ích thông minh trên các nền tảng di động; hoàn thiện và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dịch vụ logistic, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát và lưu thông hàng hóa trên các nền tảng TMĐT; tổ chức các hoạt động TMĐT mang tính chất kích cầu cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường TMĐT xuyên biên giới.

Bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của phía cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cá nhân khởi nghiệp cần không ngừng học hỏi, nắm bắt xu hướng biến đổi công nghệ, trau dồi các kỹ năng bán hàng trên không gian mạng, từ đó thích ứng và khai thác tốt loại hình kinh doanh mới mẻ này.

Thanh Hóa: Nâng giá trị lâm sản bằng đầu tư chế biến sâu

Có nhà máy tại xã Xuân Khang (Như Thanh) - một vùng nguyên liệu tiềm năng gỗ rừng trồng, Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát đã không ngừng đầu tư, cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ nguyên liệu thô. Cùng với nguồn vốn của doanh nghiệp, mới đây nhà máy được hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư máy móc từ “Mô hình trình diễn kỹ thuật gỗ ván ép phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu” của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023. Từ sự đầu tư này, công ty đã phát triển thêm được những đơn hàng mới trong bối cảnh rất khó khăn của thị trường gỗ hiện nay.

Thiết bị máy móc được hỗ trợ trong “Mô hình trình diễn kỹ thuật gỗ ván ép phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu” của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023.

Theo đại diện Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát, nhà máy chế biến gỗ được đầu tư xây dựng năm 2021. Nếu sản xuất dăm gỗ, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ sản phẩm không cao. Với định hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy có vốn gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất gỗ ván ép. Công suất thành phẩm của nhà máy theo thiết kế đạt là 11.760m3/năm. Ông Vũ Đăng Bắc, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Nhà máy được đầu tư với hệ thống máy móc khoảng hơn 13,8 tỷ đồng, bao gồm nhiều thiết bị hiện đại như thiết bị nâng hạ, máy hút bụi mùn cưa công nghiệp, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động... Trong đó, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động là những thiết bị được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Khuyến công địa phương.

Với hệ thống máy móc này, sản phẩm của nhà máy được trải qua nhiều công đoạn xử lý bảo đảm kỹ thuật. Sau khi bóc, phơi khô, sản phẩm được đưa vào sấy, chỉ giữ độ ẩm 10 - 15% và phân loại, lọc các sản phẩm đủ tiêu chuẩn mang đi ép nguội, cắt cạnh, ép nóng và chà ván trước khi chuyển qua khâu hoàn thiện. Đặc biệt, công đoạn ép nóng sẽ làm các tấm ván đạt độ liên kết bằng keo được phủ sẵn khi xếp lên chuyền ở nhiệt độ cao, bảo đảm sự liên kết của sản phẩm. “Sau khi đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, nhà máy đã sản xuất đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như ván ép nội thất, ván ép phủ phim đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU...

Đặc biệt, sản phẩm ván ép phủ phim là sản phẩm lần đầu sản xuất thành công tại Thanh Hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng hiện nay tại một số nước Châu Á”- Ông Vũ Đăng Bắc cho biết thêm.

Hiện nay, do ảnh hưởng của việc kiểm soát xuất xứ nguồn nguyên liệu gỗ tại Hoa Kỳ, các sản phẩm gỗ ván ép nội thất gặp khó trong tiêu thụ. Với sản phẩm ván ép phủ phim, nhà máy đã tiếp cận thêm được thị trường nội địa như Nghệ An, các tỉnh phía Nam với số lượng lớn và một số đơn hàng đi Ấn Độ trong những ngày tới. Doanh thu năm 2023 của nhà máy ước đạt khoảng hơn 83 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 70 lao động.

Ông Lê Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Đây là dự án mới, công nghệ và máy móc được đầu tư đồng bộ. Tại địa bàn huyện Như Thanh và tỉnh Thanh Hóa, đây là hệ thống máy móc lần đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp. Nhà máy đáp ứng được đầu tư đồng bộ, tự động hóa cao tới 90%, tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị cũng như ô nhiễm môi trường. Mô hình đã tạo được những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế cao thay thế gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm trên thị trường và cần thiết được nhân rộng trong thời gian tới”./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top