Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Khoa học công nghệ được coi là xương sống giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần mở ra cơ hội cho xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam; đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp.
KHCN đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Nông nghiệp tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào KHCN
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội thảo phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay 20/5, tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, các nghiên cứu, kết quả tính toán theo cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho ngành Nông nghiệp rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%).
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi giai đoạn 10 năm qua. Cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi).
Công tác chọn tạo, sản xuất giống có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp những năm qua. Ví dụ: Các giống lúa Việt Nam chọn tạo được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu héc ta, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm trên 80% diện tích cả vùng.
Với cà phê, năng suất hiện đạt 27 tạ/ha, tăng 4,2 tạ/ha (tương đương 18,6%), cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia và Indonesia. Sản lượng cà phê nhân niên vụ 2023/2024 đạt 1,68 triệu tấn, tăng 357 nghìn tấn so với năm 2013; xuất khẩu cà phê đạt 2,74 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Cây ăn quả hiện đạt bình quân hơn 10 tấn/ha, tổng sản lượng trái cây đạt khoảng 12,8 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn so với năm 2013 (6,8 triệu tấn).
Trong chăn nuôi, năng suất của một số vật nuôi chính cải thiện đáng kể; dòng lợn nái có số con cai sữa đạt 28 con/nái/năm. Đối với gà, tỷ lệ nuôi sống trước đây chỉ đạt 50-60% nay nâng lên được 90-95%. Sản lượng trứng tăng cao. Các giống vịt cao sản chuyên thịt được chọn tạo, cung cấp tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 65% thị phần.
Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực khoa học, công nghệ còn một số hạn chế: Việc thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình khoa học, công nghệ còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu có hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao; thiếu đội ngũ khoa học đầu ngành, nhân lực nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi chưa hiệu quả...
Đổi mới chương trình đào tạo
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện quản lý 11 cơ sở đào tạo tiến sỹ, trong đó có 8 viện nghiên cứu và 3 trường đại học, với 38 chuyên ngành. Với trình độ thạc sỹ, ngành nông nghiệp có 4 cơ sở đào tạo và 39 chuyên ngành.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, ngành nông nghiệp có thêm khoảng 500 tiến sỹ và hơn 10.000 thạc sỹ. Đồng thời, tuyển sinh đại học có xu hướng tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao còn ít, số lượng tuyển sinh đại học tăng nhưng các ngành nông nghiệp giảm.
Riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có 46 nhóm nghiên cứu, 1 trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối hơn 200 doanh nghiệp, 200 tổ chức quốc tế, triển khai hơn 1.100 đề tài, dự án… thế nhưng các sản phẩm khoa học công nghệ lại chưa có tính ứng dụng cao, chưa gắn kết với đào tạo.
Tại Hội thảo Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Phạm Văn Cường đề xuất 3 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên.
Thứ nhất, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường. Trong đó, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo sau đại học theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Nghiên cứu và phân tích nhu cầu thị trường lao động mà họ đào tạo; Hợp tác với doanh nghiệp để nhận phản hồi thường xuyên từ thị trường lao động, doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển chương trình đào tạo.
Thứ hai, đầu tư vào đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Theo ông Cường, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo ra các nhóm nghiên cứu chất lượng cao trong và giữa các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, tăng cường công tác thỉnh giảng nhằm mời các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín từ bên ngoài tham gia nghiên cứu khoa học; Tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Cùng với đó, huy động nguồn vốn từ nhà nước và xã hội hóa.
Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Chẳng hạn, đặt hàng trực tiếp đối với cơ sở đào tạo, chia sẻ kinh phí đào tạo với người học, hỗ trợ thông qua hình thành quỹ học bổng đào tạo kỹ sư tiềm năng, học bổng khuyến khích học tập, các giải thưởng cho sinh viên xuất sắc, đồng hành cùng cơ sở đào tạo trong việc tổ chức thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
GS.TS Phạm Văn Cường cho rằng cần đổi mới phương pháp đào tạo để thu hút học sinh, sinh viên theo học nhiều hơn với ngành nông nghiệp. Một trong số đó là áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại và linh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp, đẩy mạnh sử dụng E-learning.
“Các viện, trường cần tự xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo đa chiều và liên tục, ở đó sử dụng các phương pháp đánh giá đa dạng như kiểm tra kiến thức, bài tập thực hành, dự án, phỏng vấn, đánh giá đồng nghiệp và phản hồi từ người học.”, GS.TS Phạm Văn Cường đề nghị.
Nhiều doanh nghiệp "bắt tay"
KHCN đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KHCN rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm)...
Nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Hương Giang)
Bên cạnh kết quả đã đạt được, lĩnh vực KHCN cũng còn có những hạn chế, bất cập: Việc thương mại hóa - chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình KHCN vẫn còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao, vẫn còn thiếu đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...
Chia sẻ từ vận hành Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo rau, hoa, quả, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, câu lạc bộ đã giúp hỗ trợ, kết nối người sản xuất và người tiêu thụ, giữa nhà khoa học và nông dân; hỗ trợ các đơn vị kết nối sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, thương mại hóa các công nghệ về nhân giống và chế biến sản phẩm.
Điển hình như thương mại hóa công nghệ giống và sản phẩm sen tại Đồng Tháp; công nghệ làm mát coolbot cho rau củ quả, công nghệ sơ chế rau củ; mô hình sản xuất VietGAP và công nghệ blockchain.
Nghiên cứu chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị gắn liền với hoạt động đổi mới sáng tạo cho ngành trồng trọt, ông Đào Thế Anh cho rằng cần gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật với vùng sản xuất, đối tượng nông dân cụ thể của đơn vị. Hình thành, duy trì mạng lưới các khách hàng, nông dân, doanh nghiệp đối tác, các nhà khoa học của đơn vị và duy trì tương tác.
Bên cạnh việc phân bổ nguồn lực và tìm kiếm phương án tài chính phù hợp, đặc biệt cần đề xuất thí điểm xây dựng mô hình mẫu tại các đơn vị có chức năng chuyển giao, hoạt động dịch vụ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.