Nuôi thủy sản là nghề truyền thống đem lại giá trị cao từ xưa (Thứ nhất nuôi cá hay Thứ nhất cành trì...). Nhưng trước đây bà con nuôi quy mô nhỏ ở ao ven nhà, với các giống cá truyền thống.
Bắt đầu từ phong trào Ao cá Bác Hồ năm 1979 với sự trợ giúp của ngành thủy sản, Hội Làm vườn và sau này là sự trợ giúp của công tác khuyến ngư, nghề nuôi thủy sản Việt Nam đã có sự phát triển rất mạnh mẽ về cả diện tích, vùng nuôi, đối tượng nuôi và giá trị thu về.
Xuyên suốt từ những năm 1960 đến khoảng năm 2000, phong trào nuôi cá nước ngọt tập trung vào các giống cá truyền thống: mè, trôi, trắm, chép..., chủ yếu nhằm bảo đảm thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và làm nông thôn sạch, đẹp, văn minh.
Bước đột phá
Thành công nhất trong hoạt động khuyến ngư là diện tích nuôi trồng thủy sản mở rộng nhanh chóng từ nửa cuối năm 2000, nhất là trong năm 2001, cùng với đó là sản lượng và giá trị trung bình của mỗi đơn vị diện tích nuôi có sự tăng đột biến, được duy trì trong nhiều năm. Định hướng nuôi hàng hóa các đối tượng phục vụ xuất khẩu được thực hiện mang lại ý nghĩa thực tế rõ rệt: Giống mới và cách làm giống mới nở rộ, vừa sử dụng hiệu quả diện tích nuôi, vừa nâng cao năng lực làm kinh tế, phục vụ dân sinh và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc và lãnh đạo Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia thăm mô hình nuôi thuỷ sản lòng hồ Thác Bà, năm 2002.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ khuyến ngư đã sát cánh cùng nông dân hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo ao nuôi cá, nuôi tôm, đẩy mạnh thâm canh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nơi nào bà con cũng có thể biến mặt nước thành cỗ máy “nhả vàng”.
Nhờ phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn mà nước ta không những đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản liên tục tăng: năm 1990 đạt 205 triệu USD, năm 2000 đạt 1,4 tỷ USD, năm 2010 đạt 5,03 tỷ USD, năm 2022 đạt trên 11 tỷ USD. Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, đem lại việc làm ổn định và thu nhập cho người dân, trong đó có những dấu ấn không thể thiếu của lực lượng khuyến ngư.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định vai trò quan trọng của công tác khuyến ngư trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình điển hình trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường gắn với tổ chức sản xuất, liên kết đầu vào - đầu ra…
“Đánh thức” tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt
Từ nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp tự túc, thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư mà nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành sản xuất hàng hoá tập trung với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt. Đặc biệt, công tác khuyến ngư của các địa phương đang ngày càng gắn với yêu cầu của thị trường, nhờ đó đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả.
Từ năm 1993- 2010, lực lượng khuyến ngư cả nước đã xây dựng được hàng chục nghìn mô hình trình diễn; nhập và chuyển giao hàng trăm công nghệ trong nuôi trồng. Tổ chức đào tạo tập huấn cho hàng triệu lượt người tham gia… Từ chỗ người nuôi chủ yếu áp dụng phương thức nuôi truyền thống với thức ăn tự nhiên, được sự hỗ trợ của các dự án khuyến ngư, bà con đã mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất; áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh, phòng trừ dịch bệnh tốt nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng nhanh.
Năng suất nuôi bình quân hiện đạt 10 - 15 tấn/ha (gấp 2 - 3 lần so với nuôi quảng canh, truyền thống). Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ đạt năng suất nuôi cá tra, cá ba sa 300-500 tấn/ha/năm. Có thể điểm qua một số chương trình/dự án khuyến ngư nổi bật giai đoạn này như nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao thâm canh, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá tra, cá basa, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh tham quan mô hình nuôi cua gạch tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: nhandan.vn
Công nghệ hiện đại, phát triển nuôi biển bền vững
Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo,… thời gian qua, chương trình khuyến ngư phát triển nuôi biển tập trung vào các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá song, cá giò, cá chim, nhuyễn thể, rong biển, tảo biển), hướng tới mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập, chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân ven biển, giảm khai thác biển.
Khuyến ngư các địa phương đã đầu tư kinh phí thực hiện các mô hình điểm như nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, nuôi nhuyễn thể, cá biển, hay nuôi xen ghép tôm sú với cá + cua, ốc hương, rong biển… Để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh, khuyến ngư đã xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm sú - lúa, tôm sú - cua biển - rừng ngập mặn, giúp tăng hiệu quả gấp 2-3 lần so với ruộng chỉ trồng lúa trước đây.
Đáng chú ý, với kỹ thuật nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, công tác khuyến ngư đã góp phần giúp bà con rút ngắn thời gian nuôi tôm, tăng năng suất, đạt trên 30 tấn/ha/năm. Nhờ đó, tăng giá trị xuất khẩu tôm năm 2022 lên 4,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới.
Công tác đào tạo, tập huấn khuyến ngư theo đó cũng bám sát yêu cầu mới của ngành Nông nghiệp và thị trường theo hướng giúp bà con thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh/kháng sinh cho các đối tượng nuôi thủy sản; hướng dẫn bà con nuôi trồng theo đúng quy hoạch nhằm tổ chức lại sản xuất, cơ cấu vùng nuôi, cấp mã số vùng nuôi… Phương pháp, hình thức đào tạo cũng đổi mới hơn, ưu tiên tập huấn tại hiện trường, sử dụng video, các nền tảng số…
Cùng với các mô hình nuôi thủy sản ven bờ, thời gian qua, khuyến ngư các địa phương cũng tích cực triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè trên biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển của Việt Nam, bám sát Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến thân thiện với môi trường, ứng dụng cơ giới hoá, sử dụng lồng chất liệu HDPE tăng khả năng chống chịu gió bão, hiệu quả gấp 2-3 lần, giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm từ nuôi biển đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD với sản lượng 850.000 tấn.
Song song với xây dựng mô hình, hoạt động đào tạo, huấn luyện và thông tin tuyên truyền đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn và diễn đàn, toạ đàm cho nông dân ở các vùng miền. Giai đoạn trước, đào tạo tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong ao đất, với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Giai đoạn gần đây, tập trung hướng dẫn nuôi tôm ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, với hình thức nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Đã có hàng nghìn ngư dân được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, liên kết sản xuất hiệu quả. Hiệu quả nhất là làm thay đổi thói quen của người nuôi tôm từ quan niệm nuôi tôm phải dùng kháng sinh sang nuôi tôm chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh. Cùng đồng hành là hệ thống truyền thông lan toả các mô hình thành công, những chia sẻ từ diễn đàn với hàng nghìn tin, bài, phóng sự, góp phần làm thay đổi nhận thức của toàn hệ thống khuyến nông cũng như của người dân, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.