Ba mươi năm qua (1993 - 2023), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp – PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thăm mô hình nuôi cá lăng chấm trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Người dân ăn ngon, mặc đẹp
Từ khi thành lập tới nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho 46.096 lượt cán bộ khuyến nông; tổ chức 121.062 lớp tập huấn sản xuất vụ mùa tại các thôn, bản cho hơn 5,2 triệu lượt nông dân tham gia.
Để thúc đẩy hoạt động thông tin khuyến nông, Trung tâm đã phát hành 3.802.500 tờ gấp hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; 14.800 cuốn sách khoa học kỹ thuật; 6.826 đĩa kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; 315 bộ Poster, 750 cuốn cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân viên nén NK dúi sâu... cho nông dân.
Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương, các công ty, doanh nghiệp..., hệ thống khuyến nông đã triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản với 1.923 mô hình áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trung tâm chủ động mời gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ đầu tư mô hình trình diễn, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, bước đầu tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát huy thế mạnh của từng địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân.
Người dân tham gia liên kết cung ứng vật tư, sản xuất, tiêu thụ dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, từ hệ thống khuyến nông sơ khai, đến nay đã truyền tải đầy đủ kiến thức đến nông dân, làm thay đổi tập quán canh tác, từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa mà thị trường cần.
Bắt đầu từ con trâu đi trước, cái cày theo sau, đến nay bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm chủ khoa học kỹ thuật, biết hoạch toán kinh doanh. Từ khát khao của người nông dân những tháng giáp hạt được ăn no, mặc ấm, giờ đây người dân đã ăn ngon, mặc đẹp, kết quả này có phần đóng góp của khuyến nông. Giờ đây, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập tiền tỷ, không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu.
“Đặc biệt, nhiều mô hình trình diễn sơ khai ban đầu, quy mô nhỏ, thực hiện trong gia đình, đến nay đã hình thành chuỗi bao tiêu sản phẩm, người dân sản xuất theo đơn đặt hàng, theo hợp đồng, có tính lan tỏa, không còn tình trạng được mùa, mất giá. Giờ đây, các sản phẩm có tem nhãn mác, theo tiêu chuẩn, nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đóng góp vào các tiêu chí NTM”, bà Kim cho biết thêm.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Đánh giá về công tác khuyến nông, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình (Yên Sơn), cho biết, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã hỗ trợ xã xây dựng, cải tạo vườn nhãn, phát triển đàn ong, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, giá trị mang lại cao hơn.
Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành, công tác khuyến nông có vai trò vô cùng quan trọng, hướng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nắm bắt kiến thức, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị, làm sao hướng dẫn, tập huấn, định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả.
“Khuyến nông giúp thúc đẩy chương trình liên kết trong chuỗi giá trị, đặc biệt với HTX, đáp ứng được yêu cầu của HTX. Doanh nghiệp bao tiêu đặt ra các tiêu chuẩn, thì gần như khuyến nông đã cầm tay chỉ việc giúp các hộ nông dân, tổ hợp tác thực hiện đúng cam kết về chất lượng sản phẩm”, ông Oanh nhận xét.
Ông Đỗ Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết, những năm qua, công tác khuyến nông tập trung vào tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân, trong đó có sản xuất cam sành, sản phẩm vịt bầu Minh Hương, 21 sản phẩm OCOP,... Nhờ được tập huấn kỹ thuật, người dân đã áp dụng vào sản xuất như: thực hiện quy trình nông nghiệp tốt (GAP), VietGAP, kéo theo đó năng suất được nâng lên, giá trị thu về cũng cao hơn.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương), năm 2019, HTX liên kết cung ứng vật tư, sản xuất, tiêu thụ dưa chuột trên địa bàn tỉnh với diện tích 3,5ha; năm 2020 tăng lên 37ha; năm 2021 đạt 180ha; năm 2022 đạt trên 350 ha; năm 2023, dự kiến diện tích trên 400ha. Sau 1 năm trồng, HTX đã ký bản ghi nhớ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp trồng tại các vùng dưa trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã phối hợp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dưa cho bà con, từ đó năng suất và chất lượng dưa được nâng lên, giá trị cũng cao hơn, nhiều hộ có thu nhập khá cao.
“Qua thực hiện thấy công tác khuyến nông ở huyện Yên Sơn nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung, tôi thấy rất sát thực tế, khuyến nông đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người dân, đúng tinh thần sát với dân, cầm tay chỉ việc, cùng dân đồng hành trong sản xuất để mang lại giá trị cao hơn. Tôi mong các chương trình khuyến nông tiếp tục được nhân rộng tại Yên Sơn nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung”, ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn tâm sự và đề xuất.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thăm mô hình sản xuất bưởi ở huyện Yên Sơn
Cán bộ khuyến nông giỏi một việc nhưng biết nhiều việc
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim cho biết, công tác khuyến nông hiện gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ thay đổi, đặc biệt là hệ thống khuyến nông thôn bản không còn; cán bộ khuyến nông xã kiêm nhiệm nên công tác truyền tải thông tin từ dưới lên trên và từ trên xuống đôi khi không kịp thời.
Giá cả thị trường biến động, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên người dân không đầu tư nhiều cho sản xuất nông nghiệp. Những doanh nghiệp, HTX đầu tư cho liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp vốn lớn nhưng lợi nhuận lại bấp bênh, không ổn định, rủi ro cao nên ít doanh nghiệp tham gia. Nguồn vốn dành cho hoạt động khuyến nông, đặc biệt nguồn vốn dành cho xây dựng mô hình và tuyên truyền cho mô hình còn hạn chế.
Bà Kim kiến nghị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số cây trồng, vật nuôi đặc sản mang tính đặc thù của địa phương, để người dân có cơ sở xây dựng đề án, dự án. Quan tâm làm sao có kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thay đổi nhận thức, cách thức hoạt động, đặc biệt là thay đổi về tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; xây dựng các mô hình trình diễn, đặc biệt là ứng dụng các mô hình công nghệ cao, công nghệ 4.0, tạo đột phá cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tiếp tục tìm kiếm và mời gọi doanh nghiệp có uy tín đầu tư vào liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con. Ngoài ra, chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến nông, làm sao cán bộ khuyến nông giỏi một việc nhưng biết nhiều việc.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.