Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững”.
Thay đổi để phát triển bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ: Những năm qua, ngành Nông nghiệp phát triển ngoạn mục, có chiều sâu, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đảm bảo anh ninh lương thực quốc gia, qua đó đã tạ cơ hội và động lực to lớn để các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội cả về số lượng và chất lượng.
Ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người, động và thực vật luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, diễn biến dịch bệnh cùng với những diễn biến phức tạp của mâu thuẫn, xung đột địa chính trị trên thế giới... đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sức khoẻ và đời sống người dân và an ninh kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới. Do đó, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Theo ông Doanh, để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã xác định, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp sẽ tập trung vào 3 nội dung quan trọng như: Ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hũu cơ; Phát triển mô hình nông nghiệp đa mục tiêu (đa giá trị); Phát triển liên kêt chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nghiêm Xuân Hưởng phát biểu tại diễn đàn
Bày tỏ sự vui mừng khi Bắc Giang được chọn làm nơi tổ chức diễn đàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng cho biết, Bắc Giang là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi đề phát triển nhanh, toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp, có xu hướng trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp và là cực tăng trưởng của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt 12,04% (dự báo cả năm tăng trưởng đạt khoảng trên 13%); trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%; chiều hướng tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước.
Để đạt được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua, ông Hưởng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam, sự giúp đỡ kịp thời của các tỉnh, thành bạn trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
“Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp Hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT, để ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Bắc Giang phát triển”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Lợi ích từ mô hình kinh tế tuần hoàn
Giải thích sơ bộ về khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay: Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Toàn cảnh hội nghị
Đưa ra ví dụ cụ thể cho các đại biểu dễ hình dung, ông Thông cho biết, ở Việt Nam, phương thức sản xuất tuần hoàn đã được nông dân thực hiện khá sớm cả trong nền nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp hiện nay. Nhiều mô hình sản xuất tuần hoàn đơn giản đã được ứng dụng trong nông nghiệp.
Đơn cử, mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong trang trại bò sữa. Trong các trang trại bò sữa, Vinamilk thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín: từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo “vòng tuần hoàn xanh”. Nhờ công nghệ biogas, chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất và một phần khác được biến đổi thành khí metan dùng để đun nước dùng cho hoạt động của trang trại. Việc tái tạo và tái sử dụng năng lượng vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ về kinh tế tuần hoàn tại diễn đàn.
Phân tích rõ hơn lợi ích trong chăn nuôi, trồng trọt áp dụng kinh tế tuần hoàn, bà Tạ Thu Trang, Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn chia sẻ, mô hình kinh tế này dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào với các thứ khác”. Từ đó, giảm chi phí nguyên liệu và năng lượng. Tài nguyên đem lại giá trị kinh tế cao. Giảm thiểu việc sử dụng các nguyên liệu tài nguyên khan hiếm. Giảm chi phí phát sinh từ pháp luật môi trường, thuế và bảo hiểm. Giảm chi phí quản lý chất thải. Giảm chi phí kiểm soát khí thải. Giảm chi phí từ những quy định về môi trường, thuế, bảo hiểm. Xuất hiện các thị trường mới cho các tài nguyên có giá trị. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hấp dẫn và thu hút đầu tư hơn.
Về xã hội, mô hình này tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên thông qua kinh tế chia sẻ. Các cộng đồng cùng chia sẻ chức năng và dịch vụ của một sản phẩm thay vì sở hữu cá nhân.
Còn đối với ngành chăn nuôi, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, cần xác định chất thải chăn nuôi là tài nguyên.
“Việc khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng chất thải, phế phụ phẩm chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác: thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng…”, vị đại diện này nói.
Cần chính sách hỗ trợ để phát triển mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, cần có chính sách để phát triển mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, trồng trọt.
Ông Nguyễn Văn Song, hội viên Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang cho biết, kinh tế tuần hoàn nông nghiệp tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và nhiều việc làm hơn. Thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các doanh nghiệp có cơ hội sản xuất với chi phí thấp bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có nhiều chức năng sử dụng.
“Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, cần nhiều giải pháp để thành công. Đặc biệt, vấn đề vốn. Vậy, Nhà nước hiện nay đã có chính sách tín dụng hỗ trợ các trang trại muốn áp dụng mô hình này chưa?”, ông Song đặt câu hỏi.
Một số đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn
Ông Song cũng mong muốn thời gian tới, Nhà nước có chính sách về tín dụng để hỗ trợ người nông dân để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Trả lời vấn đề này, ban cố vấn của diễn đàn cho biết, hiện nay, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương triển khai các hoạt động về quản lý phụ phẩm trồng trọt theo quy định của pháp luật. Về vấn đề kinh tế, hiện nay, Chính phủ đã áp dụng một số biện pháp vay vốn ưu đãi đối với người nông dân để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại diễn đàn có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, những định hướng hoạt động KHCN cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
“Từ các kết quả đạt được, Trung tâm xin tiếp thu và tổng hợp các ý kiến từ diễn đàn để báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi trong sản xuất phù hợp, hiệu quả đối với từng vùng, địa phương trong thời gian tới”, ông Thanh khẳng định.
Ông Thanh cũng đề nghị, Hội Làm vườn các tỉnh, HTX, người sản xuất căn cứ vào thông tin, kết quả tại diễn đàn để tổ chức sản xuất một cách có hiệu quả. Đồng thời, đề ra phương án, giải pháp triển khai cụ thể nhằm phát huy đối ta nguồn lực sẵn có trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi tại mỗi địa phương.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.