Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 10 năm 2023 | 10:13

Kinh tế tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững

Sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay.

Giải quyết thách thức bằng chăn nuôi tuần hoàn

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa đang tạo ra áp lực gia tăng chất thải. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giai đoạn 2018-2022, mỗi năm có trung bình 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu mét khối nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nói riêng và trong nông nghiệp nói chung đang là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là chất thải rắn. Phần lớn chất thải ở Việt Nam hiện nay được xử lý theo hình thức chôn lấp và chưa được phân loại tại nguồn, trong đó, thành phần chất thải lại rất đa dạng, có những loại có thể tái chế.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp  là giải pháp hợp lý nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Để giải quyết vấn đền này, KTTH đang là cách tiếp cận thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính được Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức thế giới đánh giá là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Mô hình kinh tế này dựa trên nguyên lý cơ bản: “mọi thứ đều là đầu vào với các thứ khác”. Theo đó, chủ thể sản xuất sẽ tái chế các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường.

Hay nói cách khác, KTTH được triển khai áp dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí tài nguyên, giảm việc phát thải khí nhà kính vào môi trường thông qua việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín.

Đơn cử trong chăn nuôi, khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi một cách hiệu quả không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng chất thải, phế phụ phẩm chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác: thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng.

Đánh giá về lợi ích của mô hình KTTH, PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, những năm qua, ngành Nông nghiệp phát triển ngoạn mục, có chiều sâu, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp  vẫn  ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế, phụ phẩm trong nông nghiệp  chưa phát triển... Do đó, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang KTTH để phát triển bền vững.

Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển kinh tế VAC

Nước ta hiện có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp như: tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; nông-lâm kết hợp; mô hình vườn-rừng; lấy phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác…

Điển hình như mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và chuyển đổi số trong mô hình chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ tại hộ gia đình ông Hoàng Đình Quê ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang). 

Nhằm giúp phân giải các chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, an toàn với môi trường, từ năm 2018, gia đình ông Quê đã tìm hiểu và tiến hành nuôi giun (trùn) quế. Qua đó, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Giun to, dùng làm thức ăn cho cá, vịt, gà, baba..., giúp giảm chi phí thức ăn đầu vào; giun nhỏ bán giống cho các hộ có nhu cầu ở trong và ngoài tỉnh, trung bình mỗi năm gia đình ông cung cấp hơn 01 tấn giống ra thị trường; phân giun đóng bao bán cho người làm vườn, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, với giá 3.000 - 3.500 đồng/kg.

Ngoài ra, ông Quê đầu tư hệ thống máy móc ép phân giun quế thành dạng viên, đóng thành túi để bán cho người trồng cây cảnh với giá 50.000- 60.000 đồng/kg, mỗi năm thu lợi 450- 500 triệu đồng từ giun quế và chất thải chăn nuôi.

Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông Quê xuất chuồng 490-500 con lợn thịt, tương đương 585-600 tấn, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Hay mô hình sản xuất tại các trang trại của GC Food Group Ninh Thuận mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.  Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, nho, táo và đồng cỏ để nuôi bò, cừu.

Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Lâm Đồng) cũng đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) với quy mô hơn 200ha nhà kính. Công nghệ tích hợp sử dụng máy cơ giới hóa cắt phụ phẩm, đảo trộn, phun chế phẩm giúp đơn vị này tái chế khoảng 35.000- 36.000m3 phụ phẩm hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động và chi phí phân bón, hiện đại hóa sản xuất, thân thiện môi trường.

Trang trại của ông Hoàng Ngọc Năm ở xã Hoá Quỳ (Như Xuân-Thanh Hóa) có quy mô 3 ha, trong đó, khoảng 2ha trồng cây ăn quả, 0,6 ha làm chuồng nuôi gà, lợn.

Gia đình ông Năm đầu tư Cơ sở giết mổ sơ chế gà thịt, sản phẩm gà thịt, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao mang thương hiệu “Gà sạch Năm Dung”. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi 100 con lợn/lứa. Doanh thu của trang trại đạt trên 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm.

Trang trại tổng hợp của ông Năm là sự kết giữa hợp chăn nuôi với trồng trọt được sản xuất theo hướng  nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín. Với cách thức chăn nuôi gà, lợn trên nền đệm lót sinh học,  chất thải chăn nuôi sẽ là nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả, góp phần vào bảo vệ môi trường ...

Còn nhiều rào cản

Trên thực tế, việc chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình KTTH tại nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ.

Nguyên nhân là do các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, phát triển mô hình KTTH chưa được hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển KTTH  còn hạn chế. Đặc biệt,nước ta chưa phát huy hiệu quả tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế, phụ phẩm trong ngành nông nghiệp.

Bà Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu, tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp còn quá thấp. Theo thống kê, hàng năm, ngành Nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám. 

“30 tỷ USD mỗi năm từ phụ phẩm nông nghiệp có thể bị lãng phí nếu chúng ta không biết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này”, bà Vượng chia sẻ.

Mặt khác, theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhận thức về KTTH của người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn coi đây là mô hình gây tốn kém chi phí, mất thời gian, công sức, chưa nhận thức được lợi ích mang lại.

Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp, HTX, người nông dân còn e ngại, sợ rủi ro. Để áp dụng, thay đổi, cần nguồn tài chính lớn mà hiệu quả thu được thì khá chậm. Đôi khi để áp dụng, doanh nghiệp phải nhập công nghệ nước ngoài mới đáp ứng được nên cần tài chính rất lớn.

Thứ hai, luật pháp, khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cuối cùng là thiếu sự liên kết  trong việc đầu tư công nghệ, phát triển chuỗi tuần hoàn trong chăn nuôi, tạo sản phẩm thương mại hóa, còn hạn chế về nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn xanh..

Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Văn Song, hội viên Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang, cho rằng, nếu áp dụng mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, cần sự chung tay của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề vốn. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ nông dân, HTX về chính sách tín dụng.

Cần động bộ các giải pháp

KTTH trong nông nghiệp đã,  đang và sẽ là xu thế chính trên thế giới nói chung, tuy nhiên, việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan, trong đó Nhà nước và doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Doanh nghiệp và  trang trại, HTX đã dần hình thành các mạng lưới kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp với sự kết nối và hỗ trợ kỹ thuật đến từ các khối viện, trường, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Do vậy, để phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh hóa, Nhà nước cần có cách tiếp cận, toàn diện, bao gồm hỗ trợ chính sách (vốn, mặt bằng), đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực.

Để thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới, cần xem phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển KTTH gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn. Lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển và quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. 

Hỗ trợ (mặt bằng, vốn, công nghệ) các chủ thể sản xuất nông nghiệp để họ chú trọng thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế. Khuyến khích các địa phương trên cả nước dựa vào các mô hình đã có và điều kiện cụ thể của mình phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp cho phù hợp.

Để làm được điều này, các cơ quan,  ban ngành phải tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi; khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ phẩm nông nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn lực…

Hỗ trợ mở rộng các mô hình KTTH trong sản xuất mang lại  lợi nhuận cao, các nhóm khuyến nông cộng đồng đã được xây dựng và phát triển tại các địa phương, tư vấn cho bà con nông dân những mô hình kinh doanh mới phù hợp. Đặc biệt, những nhóm này cũng sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp tại địa phương.

Để thực hiện hiệu quả chăn nuôi tuần hoàn, PGS.TS Sử Thanh Long (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, phải có chính sách phù hợp với thực tiễn.

Các nhà làm chính sách đóng  vai trò chính yếu trong việc tạo ra môi trường thích ứng với chăn nuôi tuần hoàn. Các ưu đãi, quy định và cơ chế hỗ trợ có thể khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn và đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, PGS.TS Sử Thanh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà chăn nuôi và nhà làm chính sách để thúc đẩy sự hình thành của các giải pháp đặc thù cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các cơ quan báo, đài cần tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng mô hình hay, hiệu quả về KTTH trong nông nghiệp. Từ đó, nhân rộng, lan tỏa, tạo cơ hội phát triển các mô hình mới trong phát triển KTTH nông nghiệp.

Đối với các mô hình nhỏ lẻ, cần bảo đảm tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh. Qua đó, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; xây dựng và nhân rộng mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top