Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), chiều 4/6, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường và xanh hóa các ngành kinh tế” tại thành phố Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Rác thải nhựa làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.
Rác thải nhựa tấp vào bờ, gây ô nhiễm môi trường biển bãi trước thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi (chụp ngày 21/5/2023). Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm 8 - 12% từ chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm giảm rác thải nhựa. Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng chia sẻ: Để giảm rác thải nhựa, Việt Nam cần quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói...
Bàn về kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, về cơ bản, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp đóng vai trò chính. Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Do vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật, Australia… chính là đạt các tiêu chí môi trường và nhiều tiêu chí khác trong quá trình sản xuất.
Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền) cho hay, Công ty luôn xác định xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Đơn vị đã có nhiều giải pháp để chuyển từ khu công nghiệp tổng hợp ban đầu thành khu công nghiệp sinh thái; hoàn thiện cơ sở vật chất; xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ở đây cũng đã áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện", nhờ đó, nguồn nước được khép kín tuần hoàn và giảm tác động gây ô nhiễm tài nguyên nước.
Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp nêu rõ: Chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp mà còn cho cả đối tác và cộng đồng.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất, về ngắn hạn, Việt Nam cần đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên.
Về dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công :xanh"; pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường...
Đặc biệt, hệ thống pháp luật cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn vào quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, quản lý chất thải để tạo vòng lặp tuần hoàn...
Diệu Thúy (TTXVN)-https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-tuan-hoan-huong-toi-phat-trien-ben-vung-20230604160630979.htm
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.