Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 1 năm 2024 | 9:53

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Giải pháp hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững

Sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay.

Dân bức xúc trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm

Trang trại chăn nuôi lợn thịt Phúc Huy Gia Lai của Công ty TNHH Phúc Huy Gia Lai nằm tại thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang có quy mô 13,6ha được UBND tỉnh Phú Yên cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 1408 ngày 17/8/2020. Từ ngày 16/5/2023, trang trại đi vào hoạt động, đã khiến người dân trên bàn vô cùng bức xúc vì gây ô nhiễm mỗi trường.

Ông Ma Thanh, ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang cho biết, con suối Tre từng phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi của người dân mỗi khi đi làm nương, rẫy. Thế nhưng khi trang trại chăn nuôi lợn thịt Phúc Huy Gia Lai đi vào hoạt động, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cá ở dưới nước cũng bị chết, còn đàn bò ngửi mùi rồi bỏ đi chứ không uống nước. Đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì trang trại bốc ra mùi hôi thối.

Người dân xã Ea Chà Rang bức xúc vì nước ở suối Tre bị ô nhiễm vì nguồn nước chảy ra từ trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: XY.

Theo ông Ma Thanh, qua nhiều lần đối thoại với nhân dân, đại diện trang trại chăn nuôi lợn thịt Phúc Huy Gia Lai cam kết sẽ xử lý dứt điểm song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra.

Để thấy được nước thải từ trang trại chăn nuôi chảy ra môi trường, ông Nguyễn Huỳnh Sang, Phó trưởng thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang dẫn chúng tôi băng qua các rẫy mía, men theo suối Tre để ghi nhận hiện trường.

Tại đây, chúng tôi quan sát khu vực trang trại được bao quanh một lớp tường rào và phủ kín bạt. Dòng nước từ một đường ống chảy trực tiếp ra suối có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, khó chịu.

Tiếp tục lập tổ kiểm tra đột xuất

Trước đó, ngày 14/11/2023, qua phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã kiểm tra đột xuất trang trại chăn nuôi lợn thịt Phúc Huy Gia Lai. Thời điểm đó, Công ty Phúc Huy Gia Lai đã nuôi và xuất chuồng 3 lứa và đang nuôi lứa thứ 4 với 16.000 con lợn thịt và 7.000 lợn cai sữa.

Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện trang trại chăn nuôi này có nhiều vi phạm. Cụ thể, 1 bể biogas bị thủng, khí bị xì ra ngoài, thời gian bị thủng từ đầu tháng 10/2023. Mặt khác, khí biogas chưa được thu gom và đốt bỏ mà để xì ra môi trường.

Bên cạnh đó, khu vực chứa phân chưa được phun chế phẩm giảm thiểu mùi; cũng như chưa trồng đầy đủ vành đai cây xanh xung quanh dự án để giảm thiểu phát tán mùi hôi.

Trước vi phạm trên, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH Phúc Huy Gia Lai.

Khắc phục vi phạm, trang trại chăn nuôi Phúc Huy Gia Lai cam kết lắp lưới lan chắn mùi và lắp hệ thống phun sương chế phẩm sinh học và hàn bể biogas không cho khí thoát ra ngoài.

Thế nhưng, người dân địa phương vẫn bức xúc bởi trang trại chăn nuôi còn gây mùi hôi thối và nước từ trang trại chăn nuôi vẫn chảy ra ngoài, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Ngày 29/12 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đã ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MTV Phúc Huy Gia Lai.

Được biết, tại huyện Sơn Hòa có 10 dự án chăn nuôi lợn và bò, trong đó 2 dự án chưa xây dựng. Dù chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường song tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra. UBND huyện Sơn Hòa khẳng định sẽ phối hợp các cơ quan chức năng cương quyết yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, việc ô nhiễm môi trường phát sinh từ các trang trại chăn nuôi đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. UBND huyện đã yêu cầu phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với UBND các xã nơi có trang trại chăn nuôi tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp sai phạm. Mặt khác, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa đã thống nhất kết luận không chấp thuận các chủ trương đầu tư các trang trại chăn nuôi mới trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển kinh tế VAC

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng tương tự như trang trại chăn nuôi lợn thịt Phúc Huy Gia Lai. Từ đó có thể nói rằng, Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp

Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Thực tế tại nước ta, hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đó là các mô hình: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình vườn – rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình lúa – tôm, lúa – cá. Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò – trùn quế – cỏ, ngô – gia súc, gia cầm – cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…

Thực tế hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

Chia sẻ về mô hình liên kết gà - rau Thái Bình giúp tận dụng phế phẩm chăn nuôi cho trồng trọt, ThS Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để hướng tới chăn nuôi gà theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ áp dụng các giải pháp như công nghệ vi sinh EM được đưa ra phục vụ từ năm 2000 đến nay, bổ vi sinh theo trấu và công nghệ vi sinh xử lý hoai mục phân. Nông nghiệp tuần hoàn có phân chuồng, tàn dư đồng ruộng, phế phụ phẩm sản xuất, phân bón... dùng cho hoạt động trồng trọt của nông dân nói chung. Phân gà được xử lý bằng công nghệ vi sinh ngay tại trại, ủ hoai và đưa ra dùng tại ruộng rau.

Cách làm này được áp dụng tại trại gà đẻ của anh Hưng tại thôn Tam Bình, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình với quy mô 18.000 đến 50.000 con. Trung tâm đã thông qua đơn vị gần gũi với người nông dân như Hiệp hội trang trại Thái Bình để giới thiệu và ứng dụng các công nghệ vi sinh này trong xử lý chất thải chăn nuôi.

Dù mang lại những lợi ích không nhỏ, tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại nước ta vẫn đang còn ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển. Nguyên nhân do Luật pháp, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta còn chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT, cần xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn như: xây dựng các chính sách khuyến khích ưu đãi cho các mô hình kinh tế tuần hoàn tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp kinh tế tuần hoàn gắn với các Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thí điểm Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.  

Đặc biệt, một giải pháp không thể không quan tâm, đó là thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người sản xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ tuần hoàn, công nghệ trong xử lý phế phụ phẩm. Đi cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ và doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Lâm cho rằng, trong sản xuất kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, công tác truyền thông là công tác cực kỳ quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác này, bởi nếu không có truyền thông sẽ không ai hiểu được cách thức, đường đi…của kinh tế tuần hoàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao cho các cán bộ nghiên cứu, các đơn vị sản xuất kinh doanh về các mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Xây dựng giáo trình về kinh tế tuần hoàn trong vực nông nghiệp và đưa vào các chương trình học tập cho sinh viên.

Đặc biệt là thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn giúp theo dõi mức độ tuần hoàn của nền kinh tế. Theo dõi, cập nhật hệ thống các công nghệ mới trong nước và thế giới để kịp thời cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn,…

 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, dangcongsan, baotainguyenmoitruong...)
Ý kiến bạn đọc
Top