Trước yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô lớn và ổn định lâu dài tại nhiều địa phương đang là bài toán cần sớm có lời giải. Xin giới thiệu cách làm ở tỉnh Kon Tum.
Giá cà phê tăng, nhưng nông dân không được hưởng lợi
Niên vụ 2022, tỉnh Kon Tum có trên 24.000ha cà phê cho thu hoạch, với tổng sản lượng thu được gần 62.500 tấn. Khi niên vụ kết thúc, đa số bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hái, phơi và bán cho các thương lái, đại lý.
Anh Trần Văn Thức (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) cho biết, niên vụ 2022, gia đình anh có khoảng 6 sào cà phê (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2). Sau khi thu hoạch, anh được hơn 10 tấn cà phê tươi, tương đương gần 2,5 tấn cà phê nhân. Với mức giá thời điểm thu hoạch là 34.000 đồng/kg cà phê nhân, gia đình anh thu về được hơn 80 triệu đồng.
Quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ảnh: T.H
“Đa số các hộ dân đều đã bán vào thời điểm đó, không ai giữ lại làm gì, vì làm sao biết được giá cà phê lại tăng cao như thế này đâu. Nếu bây giờ nhà tôi mới bán thì cũng được lời hơn nhiều rồi”, anh Thức chia sẻ.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, nhận định, trên địa bàn tỉnh đã qua mùa thu hoạch, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, từ đợt tăng giá đột biến này, chỉ có một bộ phận nhỏ người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ.
HTX Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đắk Hà) là một trong những đơn vị sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê lớn của tỉnh. Niên vụ 2022, HTX thu về khoảng 1.200 tấn cà phê tươi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX, để đảm bảo cân đối được nguồn thu - chi, cũng như chi trả các chi phí nhân công, nguyên vật liệu, đa số xã viên đã bán cà phê sau thời điểm thu hái. Ngoài ra, một lượng lớn cà phê của HTX cũng được trả đơn hàng đặt trước khi giá tăng, nên lợi nhuận thu về cũng không thay đổi so với thời điểm giá thấp. Đến nay, HTX chỉ còn lại trong kho khoảng 20% sản lượng cà phê, phục vụ cho việc chế biến sâu của đơn vị.
Nhiều hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các vùng nguyên liệu ở Kon Tum vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn phổ biến; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, giữa các HTX, tổ hợp tác và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; số nhà máy chế biến nông sản còn ít.
Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng; chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Dù năng suất cao, song người dân không được hưởng lợi nhờ giá cà phê tăng. Ảnh: D.T
Việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Tất cả những hạn chế trên cũng là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao.
Lợi nhuận của các nông hộ nhỏ còn thấp, sự kết hợp chưa chắc chắn giữa chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; tỷ lệ sản phẩm tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn, trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Nếu sử dụng flycam bay trên khu vực xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), sẽ thấy một khu vực trồng cây ăn quả rộng lớn. Đó là “cánh đồng lớn” mới được hình thành với diện tích 210,3ha. Đó chỉ là một trong số các “cánh đồng lớn” ở thành phố Kon Tum - mô hình sản xuất đang được đẩy mạnh, ứng dụng cho một số loại cây trồng chủ lực như: rau màu, lúa, mì (sắn) cao sản, cao su, mía, cà phê, cây ăn quả ở địa phương.
Không chỉ thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, gắn với tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân, các mô hình này còn là tiền đề để phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Và không riêng thành phố Kon Tum, hầu hết các huyện còn lại ở tỉnh Kon Tum đều đã và đang nỗ lực trong việc hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Sa Thầy hiện có hơn 300ha sầu riêng. Ảnh: P.N
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có bước đầu chuyển đổi tích cực, theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi.
Trong đó, mở rộng diện tích các loại cây trồng, sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt 16.878,7ha. Hình thành 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp (ngô) sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.
Duy trì 34 chuỗi liên kết trong hoạt động chăn nuôi và các chuỗi liên kết nông - thủy sản, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn các huyện; duy trì 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín.
Đã có 25 tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến với tổng diện tích gần 608,5ha. Trong đó, diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn Global GAP đạt 150ha; hữu cơ 54,7ha; VietGAP 235,8ha; Fairtrade Certificate (Chứng nhận thương mại công bằng) 168ha.
Có thể khẳng định, việc xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, thương mại trong các vùng nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian; giảm chi phí.
Đồng thời, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ; tăng cường giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp còn giúp cho Nhà nước dễ dàng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xúc tiến thương mại, qua đó giúp cộng đồng nông dân, tổ hợp tác, HTX phát triển bền vững.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.