Ngày 27-28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, sẽ đẩy nhanh người dân và doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Do vậy, ngay từ bây giờ, phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đối phó với kịch bản xấu nhất.
Giải pháp gỡ khó cho ngành thủy sản
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Phú Yên) cho biết, gỡ bỏ thẻ vàng Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam là một trong những vấn đề đối ngoại mà chúng ta cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả.
Thực trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp không được báo cáo và không được kiểm soát đã diễn ra nhiều năm. Tháng 5/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo và yêu cầu ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng này. Đến tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu đã chính thức áp dụng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam với lý do là những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả. Trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ.
Trước tình hình trên, đại biểu Lê Anh Tuấn đề xuất Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, ngư dân, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng các ranh giới biển. Đẩy mạnh việc đàm phán hoạch định vùng chồng lấn với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên, sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế biển cả.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), qua các giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế càng trân trọng hơn sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp. Hiện, chi phí đầu vào của ngành luôn biến động ở mức cao như phân bón, vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu về vật tư nông nghiệp ngày càng cao do phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do đó, hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí là lỗ nên đời sống của người dân gắn với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Ảnh nhỏ: Tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng Tam Quan (Bình Định). Ảnh: Tường Quân.
Ảnh lớn: Ngành Lâm nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 700ha, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 25%. Ảnh: Vũ Sinh.
Thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) thì trăn trở về thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022 ước tính hơn 6.600 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Thiên tai ngày nay đều gắn với nguyên nhân do biến đổi khí hậu.
Do đó, để góp phần thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động do thời tiết cực đoan, thiên tai, đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị, để rừng trở thành lá chắn biến đổi khí hậu, trước mắt cần thay đổi ngay các định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước.
Bên cạnh đó, cần tăng giá trị gỗ, cơ cấu lại tỷ lệ phân bổ ngân sách có tính đến yếu tố tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng để các địa phương không phải chịu áp lực phát triển kinh tế dẫn đến chuyển đổi rừng, khai thác rừng sớm, thúc đẩy việc thu hút các nguồn tài chính gia tăng sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tài chính công phải đóng vai trò là chất xuất phát và khu vực tư nhân là nòng cốt.
Nền kinh tế còn nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực này nên cần tiếp tục mở rộng hơn nữa. Đồng thời thị trường trao đổi các-bon cần được thúc đẩy, chính thức vận hành sớm hơn trước năm 2025 thay vì để đến năm 2028 hình thành. Hình thành Qũy biến đổi khí hậu để chủ động nguồn tài chính, cung cấp cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu như Thái Lan, Trung Quốc đã thực hiện.
Đẩy nhanh giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia
Đóng góp ý kiến, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nhấn mạnh: Cử tri và Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi rất vui mừng, rất kỳ vọng về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia được ban hành. Tuy nhiên, hiện nay, 3 Chương trình triển khai rất chậm. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển của 3 Chương trình đến hết tháng 9/2022 ở mức rất thấp, mới đạt 2,86 %. Đến nay, vẫn còn thiếu nhiều văn bản của Bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La), đề nghị Chính phủ đẩy nhanh giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho Chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trước thực tế trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ các văn bản phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 23, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và ba Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Cần có chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đóng góp ý kiến, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, thực tế người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần quen với việc tìm đến bác sĩ, đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị bệnh nhưng giờ thì cơ hội cho điều đó thật khó. Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có ghi số người tham gia bảo hiểm y tế tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế giảm.
Nguyên nhân là do Quyết định 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định 612 ngày 16/9/2021 Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có khoảng 2,1 triệu người là vùng là đồng bào vùng dân tộc thiểu số giảm, không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm y tế trước đây được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm do thoát khỏi huyện nghèo, người đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn khu vực 2, khu vực 3 giai đoạn 2021 - 2025.
Từ mong mỏi của cử tri, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị Chính phủ các giải pháp: Một là chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được người dân khu vực 3, khu vực 2 giờ là khu vực 1 có cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó chưa? Nhà nước không cần hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, người dân có thể tự đóng bảo hiểm y tế, tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho một lượt khám ngoại trú là 500.000 đồng; cho một lượt nội trú là 4 triệu đồng hay không?
Hai là, yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
Chủ động phương án hỗ trợ DN khi rơi vào khủng hoảng
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội. Đại biểu Cường cho rằng, đây cũng là bài học có giá trị quan trọng trong điều hành đất nước, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn, thách thức cần phải vượt qua”.
Nhận định năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ vòng xoáy lạm phát và suy thoái, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn do ảnh hưởng đồng thời từ chiến tranh và dịch bệnh, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Theo đại biểu Cường, để vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải.
Đồng tình với những mục tiêu và giải pháp Chính phủ đặt ra, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất Chính phủ cần quan tâm thêm một số giải pháp.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Vì vậy, đại biểu Cường đề nghị, ngay từ bây giờ cần phải tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước.
Thứ hai, sau hai năm đại dịch, tổng nợ của các doanh nghiệp đang ở mức thách thức rất lớn, rất may nợ công của Việt Nam đang duy trì ở mức thấp hơn 43% với trần nợ công là 60%. Sang năm 2023 thời hạn hỗ trợ chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện trách nhiệm tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ các khoản được giãn hoãn trong 2 năm qua, các khoản nợ đến hạn phải trả.
Thứ ba, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và trong bối cảnh khủng hoảng thì đầu tư thường rơi vào khu vực sản xuất cuối cùng.
“Do vậy, tôi đề nghị dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một ngành trụ cột công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, ông Cường nêu quan điểm và gợi ý 3 lĩnh vực cần đặt hàng là: Công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Công nghiệp đường sắt, Vận tải biển.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Tham luận tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những thắng cuối năm 2022 và năm 2023, đại biểu Ngân đề xuất 7 giải pháp: Thứ nhất, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước và đơn vị sự nghiệp chưa đạt yêu cầu. Thứ hai, đề nghị QH và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho DN. Thứ ba, cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm sản xuất từ dự án FDI. Thứ tư, tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội. Thứ năm, xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Thứ sáu, có giải pháp cấp bách, quyết liệt giải quyết nhanh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Thứ bảy, QH cần ủy quyền cho UBTVQH xem xét cắt giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu.
Tránh tình trạng lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng
Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ y tế nói riêng nghỉ việc trong thời gian gần đây chủ yếu do áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.
Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra. Nhìn chung, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thuốc men, SGK, viện phí… đều tăng giá, trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng yếu thế làm công ăn lương trong khu vực nhà nước, gây ra tâm lý lo âu, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc.
“Hiện, cử tri cả nước rất vui mừng trước đề xuất của Chính phủ về tăng lương cơ sở, song Chính phủ cũng nên nghiên cứu kỹ về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại biểu, đa số cán bộ, công chức, viên chức đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1/1/2023 thay vì theo phương án trình của Chính phủ tăng từ 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa 2 lần tăng lương thì đến thời điểm đó đã là 4 năm.
Bên cạnh việc tăng lương, cũng cần có những giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, hay khi lương tăng 1 đồng thì giá tăng 2 đồng. Nếu không kiềm chế được lạm phát, đời sống người dân nói chung và các đối tượng yếu thế nói riêng sẽ càng khó khăn hơn nữa”, đại biểu Thái Thu Xương đề xuất.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ và đưa vào các nội dung quan trọng về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước vào Nghị quyết của Quốc hội.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…