Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 5 năm 2023 | 10:56

Lai Châu: Nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Sơn Bình phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương như: diện tích đất nông nghiệp rộng, nhiều bãi chăn thả… xã Sơn Bình (Tam Đường) tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn.

Để chăn nuôi đại gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, xã Sơn Bình tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang bán chăn thả, chăn nuôi tập trung với quy mô hộ gia đình, gia trại. Song song với đó, xã chỉ đạo các đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để phát triển chăn nuôi.

Nhờ chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá, người dân xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) có nguồn thu nhập tương đối cao.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trung bình mỗi năm từ 5 - 6%, hiện nay xã có 1.170 con gia súc, trong đó đàn trâu 255 con, bò 37 con, lợn 795 con, dê 83 con; xây dựng được một số mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn từ 20 - 40 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho Nhân dân.

Nhằm giúp người dân từng bước vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, trang bị đầy đủ kiến thức để người dân áp dụng vào việc chăn nuôi tại gia đình.

Đồng thời, để chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, xã khuyến khích người dân trồng cỏ voi, hướng dẫn bà con tận dụng phế phẩm nông nghiệp (thân cây ngô, rơm rạ) để làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, xã chỉ đạo các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống đói, rét trong mùa đông; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây chuồng trại kiên cố, nuôi gia súc xa nhà ở, triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc, kinh tế của các hộ gia đình trên địa bàn xã ngày một ấm no, nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương Sơn Bình ngày một phát triển.

Những năm trước đây, cuộc sống gia đình chị Phàn Thị Mẩy ở bản Tân Hợp (xã Sơn Bình) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2016, thông qua hội phụ nữ, chị được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Đường để đầu tư nuôi trâu thương phẩm. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, đàn trâu của gia đình chị lớn nhanh, mạnh khoẻ. Đến cuối năm 2021, gia đình chị được hỗ trợ kinh phí xây chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt tập trung, đến nay đã phát triển đàn được hơn 10 con. Từ chăn nuôi trâu, gia đình chị có cuộc sống khấm khá hơn, có điều kiện để lo cho các con ăn, học.

Đại gia súc là tài sản lớn, chính vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu, bò, lợn, dê được các hộ chăn nuôi hết sức chú trọng. Theo kinh nghiệm của người dân trên địa bàn, hàng ngày cho vật nuôi ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; tiêm vắc-xin định kỳ 6 tháng 1 lần để phòng, tránh dịch bệnh. Khi vật nuôi có biểu hiện bất thường thì tách ra khỏi đàn và kịp thời báo với cấp uỷ, chính quyền địa phương để có phương pháp điều trị kịp thời.

So với chăn nuôi thả rông như trước đây, thì việc nuôi nhốt và bán chăn thả giúp trâu, bò lớn nhanh, béo tốt hơn. Nhờ chủ động về nguồn thức ăn, chú trọng phòng, chống dịch bệnh nên đàn gia súc của xã sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ tăng đàn ổn định, đem lại nguồn thu nhập tương đối cao cho người dân địa phương.

Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã Sơn Bình ngày một phát triển.

Lùng Thàng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Xã Lùng Thàng (Sìn Hồ) là một trong những địa phương có nhiều thay đổi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi của xã đạt kết quả đáng khích lệ. Để có được thành quả như vậy, Đảng bộ, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể, người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đàn vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Xã Lùng Thàng có diện tích 8.107,3ha, 750 hộ với trên 3.797 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc, trong đó chủ yếu là: Thái, Lự, Mông, Dao... cùng sinh sống. Ông Phàn A Ly - Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: Năm 2022, người dân trong xã gieo trồng gần 500ha cây lương thực; chăn nuôi được 15.000 con gia súc, gia cầm; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 35 tấn. Xã tập trung khuyến khích các mô hình chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý chăn nuôi như: kiểm tra thức ăn, giám sát sức khỏe và quản lý chất thải. Nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất chăn nuôi để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đoàn viên, thanh niên bản Nậm Bó, xã Lùng Thàng chăm sóc đàn gia súc.

Mặt khác, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng hoạt động chăn nuôi, mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,93%, hộ cận nghèo còn 11,46%.

Trong bối cảnh nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Sìn Hồ đang phải đối diện với tình trạng khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm ổn định tại quê nhà, Đoàn Thanh niên xã Lùng Thàng nhanh chóng triển khai mô hình thanh niên khởi nghiệp từ chăn nuôi, qua đó định hướng nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã khởi nghiệp tại lĩnh vực này.

Ban đầu, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã chỉ có kiến thức cơ bản về chăn nuôi tích lũy được trong quá trình gia đình làm nông nghiệp. Tuy nhiên, họ tự học hỏi, nghiên cứu, đồng thời thông qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt đã giúp bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích cho thanh niên tham gia khởi nghiệp.

Theo anh Lý A Giang - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lùng Thàng: "Chính quyền và các hội đoàn thể xã rất quan tâm đến việc phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả để giúp đoàn viên nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho đoàn viên để áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến và hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, thu nhập từ chăn nuôi. 

Khởi nghiệp từ chăn nuôi còn giúp thanh niên trên địa bàn xã Lùng Thàng có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức kinh doanh, được trang bị kỹ năng quản lý và thực hành nghề nghiệp. Đồng thời, việc thành lập các hợp tác xã chăn nuôi hiện nay góp một phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con, đặc biệt mở rộng được quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung hiện đại, có chiến lược dài hạn. Hiện, trên địa bàn xã xuất hiện các mô hình kinh tế, gương thanh niên làm kinh tế tiêu biểu, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đoàn viên Khoàng Văn Cường, xã Lùng Thàng chia sẻ: Nhờ được tham gia đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; từ năm 2018, tôi bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi trâu với quy mô ban đầu là 5 con trâu. Đến nay, trang trại của tôi phát triển lên đến 30 con trâu và là nguồn cung cấp con giống, thịt cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Anh Cường cho biết: "Mô hình chăn nuôi trâu mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi. Mỗi năm, trừ chi phí thu về 80 triệu đồng từ bán thịt và con giống".

Thời gian tới, xã Lùng Thàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, phát huy tinh thần sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, qua đó định hướng, giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác giữa chính quyền và người dân, góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Bum Nưa nâng cao thu nhập cho người cho người dân

Xã Bum Nưa (Mường Tè) có đất đai rộng, nhiều khu vực chăn thả tập trung, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi. Khai thác tiềm năng, lợi thế trên, xã khuyến khích người dân hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển từ chăn thả sang nuôi trâu, bò nhốt chuồng; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi, nhất là thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh.

Người dân xã Bum Nưa (Mường Tè) có thu nhập cao nhờ chăn nuôi lợn đen.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi cho người dân; hướng dẫn bà con lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu của người dân địa phương.  

Cùng với sự hỗ trợ về mọi mặt, từ con giống, thức ăn đến kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thuốc, tiêm phòng vắc-xin thông qua các chương trình, dự án, xã Bum Nưa chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể - chính trị như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế, trong đó có chăn nuôi. Đến nay, tổng dư nợ của xã đạt hơn 38 tỷ đồng.

Được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật bà con có điều kiện, vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương, nhiều hộ có thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi, tiêu biểu có hộ các ông, bà: Lý Văn Tập (bản Bum), Đao Văn Tân (bản Nà Hè), Mào Thị Tươi, Lò Thị Phương (bản Nà Lang)...

Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lò Thị Phương ở bản Nà Lang khi bà đang chăm sóc đàn lợn, nghỉ tay tiếp chuyện với chúng tôi, bà Phương cho biết: “Trước đây, cuộc sống gia đình rất bấp bênh nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào trồng trọt; việc chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả về kinh tế nên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lợn, gia cầm các loại với số lượng ngày càng lớn.

Để có kiến thức chăn nuôi, tôi tìm hiểu cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế mang lại hiệu quả ở nhiều nơi từ đó về áp dụng vào chăn nuôi của mình. Đến nay, gia đình tôi duy trì nuôi 6 con lợn nái và gần 150 con gia cầm phục vụ cho người dân địa phương. Trừ chi phí mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn so với trước rất nhiều”.

Bà Vàng Thị Thánh - Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: “Cùng với phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại - dịch vụ, người dân trong xã còn chú trọng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ địa chính nông nghiệp trực tiếp xuống các bản vận động, hướng dẫn người dân thực hiện gia cố chuồng trại bảo đảm ấm áp vào mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Tuyên truyền các hộ chăn nuôi tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, tích cực trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông giá rét, mùa mưa kéo dài. Thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ để phòng chống các loại dịch bệnh, tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò, dịch tả lợn Châu Phi; phun khử trùng tiêu độc cho đàn vật nuôi... Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, toàn xã có hơn 4.000 con gia súc và 20.245 con gia cầm các loại”.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay lên 34 triệu đồng/năm. Để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thời gian tới xã Bum Nưa cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nhốt chuồng.

Hỗ trợ người dân về vốn thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, ngân hàng; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hướng dẫn Nhân dân thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, đảm bảo đàn gia súc, gia cầm của người dân tăng cả về số lượng và chất lượng...

Tả Lèng phát triển đàn gia súc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Tả Lèng (Tam Đường) phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa. Từ đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Giữa tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm các bản: Thèn Pả, Phìn Ngan Lao Chải, San Tra Mán và Pho Lao Chải (xã Tả Lèng) khi bà con nơi đây đang phát triển mạnh đàn gia súc thương phẩm theo hướng hàng hóa. Nhiều dãy chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh cạnh vườn cỏ voi non xanh, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhận thức của người dân về nuôi trâu, ngựa quy mô lớn. Người dân nơi đây đã thực hiện nuôi nhốt, vỗ béo trâu, ngựa thương phẩm. Nhiều hộ tận dụng đồi cỏ chăn thả, tối lùa về chuồng chăm sóc, góp phần tăng đàn gia súc nhanh và bền vững. Tư thương đến tận bản đặt mua gia súc với giá ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không ít hộ phát triển đàn gia súc từ 10 - 20 con.

Bà con còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh, giám sát tốt tình hình dịch bệnh. Định kỳ 6 tháng/lần, người dân chủ động phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc đầy đủ. Đến nay, toàn xã có trên 3.200 con gia súc, đạt 110% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6%/năm. Trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra, người dân phát triển đàn gia súc hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.

Nông dân xã Tả Lèng (Tam Đường) phát triển đàn ngựa thương phẩm.

Trước đây, gia đình anh Phàn Chin Phúc ở bản San Tra Mán thường thả rông gia súc, ít phòng, chống dịch bệnh nên vật nuôi tỷ lệ sống thấp, lợi nhuận không đáng là bao. Năm 2015, anh mạnh dạn đề xuất với Hội Nông dân xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi 5 con ngựa, bò sinh sản. Anh xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh môi trường, có bể chứa chất thải chăn nuôi và hệ thống nước rửa chuồng trại. Gia đình anh phân công nhân lực ban ngày chăn dắt gia súc trên đồi cỏ; tối lùa về chuồng bổ sung thêm thức ăn tinh bột, cỏ voi và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ. Năm qua, anh bán 9 con ngựa, 15 con bò, thu trên 200 triệu đồng. Nhờ phát triển mạnh đàn gia súc theo hướng hàng hóa, gia đình anh vươn lên làm giàu chính đáng.

Còn đối với chị Hảng Thị Chang ở bản Tả Lèng Lao Chải, 5 năm gần đây, gia đình chị nuôi nhốt lợn sinh sản, vỗ béo trâu thương phẩm theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng ngày, chị cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh, tinh bột và uống nước muối. Chị Chang tâm sự: “Qua quá trình nuôi, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, trong đó, phải chú trọng tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh (tụ huyết trùng, lở mồm long móng) và cho vật nuôi ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Tư thương đặt mua gia súc thương phẩm tại nhà với giá ổn định, dễ bán, tôi không lo đầu ra cho sản phẩm trâu, lợn thịt. Tôi thấy việc phát triển đàn gia súc thương phẩm tiết kiệm sức lao động, thu nhập khá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Giàng A Sình - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Xã tuyên truyền, vận động bà con tận dụng toàn bộ quỹ đất vườn cạnh nhà, bờ mương, khe suối trồng cỏ voi, chủ động thức ăn thô xanh cho gia súc. Cử cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn nông dân trồng ngô lai bổ sung thức ăn tinh bột cho lợn, trâu, ngựa; xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố, hợp vệ sinh. Nhờ sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức, bà con trong bản chăn nuôi gia súc thương phẩm hiệu quả”.

Từ phát triển chăn nuôi gia súc thương phẩm góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương bứt phá vươn lên khởi sắc.

V.N (tổng hợp)/baolaichau.vn

Ý kiến bạn đọc
Top