Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 4 năm 2023 | 10:41

Lai Châu chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá

Những năm gần đây, người dân Lai Châu đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nhằm nỗ lực giảm nghèo, làm giàu.

Xã nghèo vượt khó

Tính đến hết năm 2022, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ đạt thu nhập bình quân 17,2 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống còn 361 hộ (giảm 15 hộ nghèo so với đầu năm 2022). Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị của xã trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế cho người dân. Đồng thời, bà con trên địa bàn quyết tâm cao, thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá thị trường.

Mô hình cây lê trên địa bàn xã Mù Sang phát triển tốt.

Xã Mù Sang có 10 bản, 590 hộ dân sinh sống ở 10 bản, chủ yếu là người dân tộc Mông và Dao. Nơi đây là một trong 12 xã vùng cao biên giới của huyện còn nhiều khó khăn về đường giao thông, nguồn nước sinh hoạt, trình độ dân trí thấp, thiên nhiên khắc nghiệt thường xảy ra mưa đá, lũ quét… Tuy vậy, dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, xã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng tích cực, lấy những khó khăn làm động lực vươn lên.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trên địa bàn về chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương theo từng năm, xã phân công cán bộ, công chức phụ trách các bản định hướng cách làm cho các hộ dân. Tận dụng nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho Nhân dân làm nhà ở, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.

Điển hình như năm 2022, xã triển khai thực hiện chính sách Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh hỗ trợ 4 hộ làm chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn; 3 hộ gia đình với 70 thùng ong. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp phát trên 6.700 cây xoài, lê, gần 6 tấn phân bón lót cho các hộ dân tham gia mô hình cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, xã phối hợp với các đơn vị triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 25 hộ gia đình theo Đề án 645 của UBND tỉnh; hoàn thiện hồ sơ đăng ký hỗ trợ vay vốn ưu đãi làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho 17 hộ nghèo…

Từ các chính sách được triển khai đồng bộ đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có nguồn lực để vượt khó thoát nghèo, tập trung vào phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong. Như gia đình anh Hảng A Lồng ở bản Khoa San, với sự hỗ trợ của Nhà nước mấy chục thùng ong, vợ chồng anh tập trung nhân đàn, mở rộng mô hình. Vận dụng các kiến thức được tập huấn áp dụng vào nuôi ong. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh ngày càng khá hơn.

Không những vậy, Nhân dân xã Mù Sang còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào gieo trồng. Trong đó, mở rộng diện tích cấy lúa 2 vụ; chuyển đổi diện tích đất trồng chuối bị sâu bệnh, thoái hoá đất, trồng lạc đậu tương do năng suất kém hiệu quả sang trồng cây xoài, lê, sắn, ngô; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Ngoài ra, các hộ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao để tập trung chăm sóc các loại cây trồng sao đạt hiệu quả.

Hiện nay, bà con đang chăm sóc 1,6ha lúa đông xuân, 110 cây ăn quả (trong đó hơn 60ha cây lê); làm đất gieo trồng được 252ha cây ngô; trồng mới 60ha sắn. Phát triển đàn gia súc gần 2.400 con, đàn gia cầm hơn 4.300 con, hơn 100 thùng ong. Cùng với việc hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng; xã chỉ đạo công chức chuyên môn tăng cường giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là các bệnh: viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm không để dịch bệnh xảy ra. Qua đó, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân xã Mù Sang, mục tiêu đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,5% vào cuối năm 2023 sẽ không khó. Từ đó, đưa xã vùng cao biên giới ngày càng phát triển và tiến gần hơn với mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Nuôi trâu thương phẩm - Hướng phát triển kinh tế bền vững

Nhằm giúp Nhân dân trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất; tích cực xây dựng các mô hình mới, cách làm hay. Một trong những mô hình thành công là nuôi trâu thương phẩm, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân nơi đây.

Người dân bản Bãi Trâu (xã Bản Hon) chăm sóc đàn trâu.

Những ngày trung tuần tháng 4, có dịp trở lại xã Bản Hon, dọc hai bên đường rất nhiều bà con đang thoăn thoắt cắt cỏ voi để làm thức ăn cho trâu. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi trâu thương phẩm trên địa bàn xã, đồng chí Lò Văn Giọt - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp rộng, Bản Hon có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Mô hình nuôi trâu thương phẩm được xã triển khai, thực hiện những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được sự quan tâm của Nhà nước, theo Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022 có 3 bản: Bản Thẳm, Bãi Trâu, Đông Pao 2 với 74 hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ trâu (1 con/hộ), tạo điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế.

Hiện nay, xã có 471 con trâu, tập trung ở các bản như: Bãi Trâu, Bản Thẳm, Đông Pao 2, Chăn Nuôi… Để trâu sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng kiên cố, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Qua đó, đàn trâu của xã phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con”.

Trâu là loài động vật dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết của địa phương, thích hợp với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, trang trại. Từ lâu, con trâu đã gắn bó với người nông dân, là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Những năm trở lại đây, trâu không chỉ phục vụ cho việc cày, bừa đất đai canh tác mà từ khi nhu cầu tiêu thụ thịt trâu tăng lên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã bắt đầu nhân rộng đàn trâu của gia đình để phát triển kinh tế.

Bãi Trâu là một trong những bản nuôi trâu với số lượng lớn trên địa bàn xã Bản Hon. Hiện tại bản có 43 con và 1,5ha đồng cỏ. Để chăn nuôi thành công, bản tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, đồng thời sau khi thu hoạch lúa, bà con dự trữ rơm, rạ, nhằm cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2022 gia đình chị Tao Thị Sọ ở bản Bãi Trâu được cấp 1 con trâu, chị thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trâu thành công, trên báo, đài để áp dụng trong quá trình nuôi tại gia đình. Chị Sọ chia sẻ: “Gia đình tôi mua 1 con trâu và được Nhà nước cấp 1 con nữa để phát triển kinh tế. Để trâu lớn nhanh, mạnh khoẻ, gia đình tôi chú trọng chế độ dinh dưỡng, hàng ngày tôi đi cắt cỏ voi, đồng thời bổ sung thêm khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trâu. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; thực hiện phòng, chống đói, rét và tích trữ thức ăn trong mùa đông, vào mùa hè thì giữ cho chuồng thoáng mát; tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn trâu của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt”.

Năm 2021, anh Tao Văn Kẻo ở bản Bãi Trâu mua 2 con trâu để khởi nghiệp. Anh Kẻo vui mừng nói: “Nhiều năm trước, gia đình tôi chỉ nuôi trâu để lấy sức kéo. Được cấp uỷ, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nuôi trâu thương phẩm, gia đình tôi tích cực trồng cỏ voi, tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu. Nhờ được vỗ béo, cuối năm 2022 gia đình tôi bán 2 con trâu, thu được hơn 70 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi tiếp tục mua 1 con nghé, ngoài ra, tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ thêm 1 con. Hiện nay, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho gia đình”.

Với hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi trâu thương phẩm mang lại, thời gian tới xã Bản Hon tiếp tục nhân rộng mô hình, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển.

Trồng Sâm, cơ hội thoát nghèo

Cùng với trồng thảo quả, thất diệp nhất chi hoa, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) còn mở rộng diện tích trồng cây sâm Lai Châu. Hiệu quả bước đầu do cây sâm mang lại đang tạo động lực khích lệ bà con vùng biên chăm chỉ lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Người dân xã Sì Lở Lầu trồng sâm theo luống để tiện chăm sóc và hạn chế bị ngập úng vào mùa mưa.

Nhắc đến Sì Lở Lầu chắc hẳn nhiều người sẽ hình dung đến một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, giao thông cách trở, còn rất nhiều những khó khăn trong đời sống, kinh tế chậm phát triển; tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện chục năm trở về trước. Sì Lở Lầu bây giờ đã khoác lên mình diện mạo mới với những tuyến đường bêtông nội bản sạch sẽ; hàng quán khu vực trung tâm xã phong phú.

Vào những ngày “con có sừng”, chợ phiên nơi 12 tầng dốc lại đông vui, tấp nập, người mua, người bán trao đổi hàng hóa. Không những vậy, khắp bản trên, bản dưới, người dân mua sắm được xe máy làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhiều hộ làm được nhà mới khang trang.

Có được kết quả đó bên cạnh sự vào cuộc của của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh, tăng vụ. Người dân trong xã còn tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, tán rừng nhiều để trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt nhất phải kể đến cây sâm Lai Châu.

Cũng theo chia sẻ của anh San và người dân, hiện cả xã đã có 8,4ha sâm tập trung ở các bản: Lản Nhì Thàng, Lao Chải, Gia Khâu, Thà Giàng, Phố Vây… Tùy theo độ tuổi, kích thước củ sâm mà có giá bán khác nhau. Có những củ sâm bán được giá lên đến cả trăm triệu đồng. Điều này góp phần nâng cao thu nhập, khích lệ các hộ trồng sâm quy mô lớn hơn và theo hướng đầu tư chiều sâu, trồng số lượng cây lớn, thuê người chăm sóc, làm tường bao, mua lưới che chắn cẩn thận, trang bị hệ thống camera giám sát đề phòng mất trộm. Các hộ trồng sâm nhiều có thể kể đến gia đình các anh: Tẩn Đức Toàn (bản Phố Vây), Tẩn Sài Sông (bản Lản Nhì Thàng), Phàn Phủ Tông (bản Gia Khâu), Tẩn Sài Nhuần (bản Sín Chải)…

Gia đình anh Nhuần bắt đầu trồng sâm từ năm 2019 với diện tích 400m2 sâm. Thấy sâm phù hợp với khí hậu địa phương, mỗi năm gia đình anh đều đầu tư kinh phí mua giống, vật liệu làm vườn, mở rộng diện tích sâm, hiện nay là 1ha. Trong đó, lượng cây sâm từ 1 năm tuổi trở lên là gần 2.000 cây, loại 5 năm tuổi có gần 800 cây. Dự kiến hết năm 2023 sẽ mở rộng diện tích lên 2ha.

Tương tự như gia đình anh Nhuần, gia đình anh Phàn Phủ Liêu ở bản Thà Giàng 6 năm nay cũng lựa chọn trồng sâm để bán ra thị trường. Theo chia sẻ của anh Liêu, gia đình đầu tư 800 triệu đồng xây tường rào, làm mái che chắn, lắp đặt camera bảo vệ, mua giống về trồng. Giờ đây gia đình anh đang có: 5.000 cây thất diệp nhất chi hoa, 2.000 cây tam thất, 1.000 cây sâm ngọc linh. Với cây sâm Lai Châu đã phát triển từ 4.000 cây lên 2 vạn cây. Bước đầu mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Sâm Lai Châu đang cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống.

Giờ đây, mức thu nhập bình quân đầu người của xã là 25 triệu đồng/năm. Cả xã còn 618 hộ nghèo (chiếm  50,06%). Tuy nhiên, cái khó của Nhân dân trong xã hiện nay là muốn mở rộng diện tích trồng sâm nhưng thiếu vốn. Do đó, bà con mong các cấp quan tâm hỗ trợ vốn và tổ chức các lớp tập huấn để người dân nâng cao kiến thức… phấn đấu đưa cây sâm trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của địa phương, chung tay bảo tồn nguồn dược liệu quý của Lai Châu.

V.N (Tổng hợp) - nguồn:baolaichau.vn

Ý kiến bạn đọc
Top