Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 9 năm 2024 | 11:14

Lai Châu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu áp dụng nhằm tận dụng thế mạnh để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Triển vọng sản xuất nông nghiệp trong nhà màng

Nhằm giảm thiểu sâu bệnh cho cây trồng và cho ra thị trường các sản phẩm sạch, chất lượng, đầu năm 2024 xã Bình Lư (huyện Tam Đường) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà màng. Sau một thời gian triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra triển vọng sản xuất nông nghiệp cao.

Mô hình sản xuất rau trong nhà màng của gia đình anh Trần Đình Vượng (bản Tân Bình, xã Bình Lư).

Gia đình anh Trần Đình Vượng, ở bản Tân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao. Với diện tích hơn 200m2, đầu năm 2024 gia đình anh đã đầu tư gần 200 triệu đồng làm nhà màng để trồng các loại rau cải, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước. Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này đã giúp gia đình anh hạn chế lượng nước mưa trong thời điểm những tháng mùa mưa, cây rau không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, toàn bộ diện tích rau trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, từ 35-40 ngày cho thu hoạch một lứa rau, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/luống.

Cũng giống như anh Trần Đình Vượng, anh Nguyễn Duy Đức ở bản Tân Bình cũng mạnh dạn đầu tư làm nhà màng công nghệ cao và lựa chọn trồng cà chua, bắp cải, một số loại rau cải để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, vào mùa mưa lượng mưa lớn nên việc gieo giống rất khó khăn, khi gieo ngoài trời hạt không nảy mầm vì độ ẩm quá lớn dẫn tới việc bị úng, từ khi gieo trồng trong nhà màng đã giúp hạn chế lượng nước mưa nên việc tỉ lệ nảy mầm đạt cao.

Bình Lư là địa phương phát triển nông nghiệp mạnh của huyện Tam Đường, đa dạng về chủng loại cây trồng, người dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà màng, đến nay trên địa bàn xã Bình Lư đã có 6 hộ gia đình chuyển sang áp dụng mô hình này và thành lập Tổ hợp tác “Sản xuất rau VietGAP Tân Bình”, với diện tích gần 7.000m2 nhà màng.

Ưu điểm của nhà màng là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường. Đồng thời, người sản xuất dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học. Đến nay, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bình Lư đều mang lại hiệu quả cao hơn so với loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, được khách hàng ưa chuộng.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Bình Lư lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng là hướng đi mới, mở ra triển vọng cho phát triển nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững. Đây là tiền đề để xã Bình Lư, cũng như nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường mạnh dạn đầu tư nhà màng để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương

Gần 3 năm qua, nhân dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) tích cực chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng; đưa giống nho có giá trị kinh tế vào gieo trồng. Kết quả, không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng mà còn tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng của xã Hua Nà màu xanh tươi của các loại cây trồng hòa quyện, tạo nên bức tranh làng quê trù phú và yên bình. Ghé thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng ở bản Phường, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động tất bật của nông dân đang làm cỏ, tỉa lá, buộc cành nho.

Anh Lò Văn Ninh ở bản Phường phấn khởi nói: Khu nhà màng này có diện tích hơn 7.800m2, do gia đình tôi và 2 hộ dân khác góp vốn thuê đất của bà con trong bản làm chung. Chúng tôi triển khai xây dựng nhà màng từ giữa năm 2023; xuống giống nho vào tháng 9, chủ yếu là nho hạ đen và nho mẫu đơn. Sau 6 tháng trồng, chăm sóc, đến nay 2 loại nho này đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chi phí đầu tư, gồm: giống, phân bón, tiền thuê đất, nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt… trên 1,5 tỷ đồng.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mô hình trồng nho của 3 hộ gia đình bắt nguồn từ cách làm của người dân bản Đán Đăm thực hiện cách đây 3 năm đã cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, 1.000m2 đất trồng nho mang lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với cấy lúa. Nho trồng từ 8 tháng đến 1 năm là thu hoạch; mỗi năm có thể cho thu 2 lần. Thời gian cây cho quả kéo dài 15 năm.

Nhân dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) phát triển mô hình trồng nho trong nhà màng.

Xuôi theo cung đường, chúng tôi đến thăm khu trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn trong nhà màng của gia đình chị Lò Thị Òn ở bản Đán Đăm. 1 trong 3 hộ tiên phong của bản chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chị Òn chia sẻ: Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng vì đây là giống mới, lần đầu tiên trồng tại địa phương. Mặt khác, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, được lãnh đạo xã quan tâm, động viên, 3 gia đình liên kết, quyết tâm vừa làm vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Sau khoảng 1 năm chăm sóc, đã có vụ nho đầu tiên sai trĩu, quả đẹp, độ ngọt đảm bảo. Nho được khách hàng trong và ngoài huyện tin dùng, giá bán từ 150.000 đồng/kg trở lên. Các vụ tiếp theo, kỹ thuật chăm sóc, tay nghề của chúng tôi nâng cao nên sản lượng tăng đều.

Được biết, trên diện tích 2.000m2 đất trồng nho của gia đình chị Òn và 2 hộ dân khác sau 3 năm đã cho sản lượng tăng từ 1,5-2 tấn quả/vụ. Cuối năm 2023, sản phẩm nho hạ đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Chính vì lợi nhuận cao, sản phẩm nho có thương hiệu tại địa phương, các hộ tiếp tục nhân rộng mô hình lên 5.000m2. Hiện tại, các loại giống nho đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài tháng tới.

Theo các hộ dân trồng nho tại xã chia sẻ, để mô hình mang lại hiệu quả, cho năng suất, sản lượng cao cần chú trọng khâu kỹ thuật từ chọn giống, làm cỏ, cày bừa kỹ đất trước khi trồng, sau đó khâu làm luống và đào hố, tuân thủ khoảng cách trồng cây cách cây 1m và hàng cách hàng 3m. Sử dụng phân lân NPK, phân chuồng hoai mục và phân vi sinh bón lót, tạo đất tơi xốp. Trong quá trình chăm sóc, bón phân theo định kỳ và làm ẩm đất qua hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, ưu điểm trồng trong nhà màng sẽ hạn chế tối đa sâu, bệnh hại từ ngoài môi trường đối với cây trồng; chất lượng quả đẹp; độ bền nhà màng cao nên sử dụng được lâu dài.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đăng Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết: Đối với xã Hua Nà, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực. Vì vậy, thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, khi các hộ dân bản Đán Đăm trồng thử nghiệm 2 giống nho trong nhà màng, chúng tôi rất phấn khởi bởi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con thay đổi. Trong quá trình thực hiện mô hình, xã luôn tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn cho các hộ dân. Đến nay có thể khẳng định, cây nho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn xã có hơn 1,3ha diện tích nhà màng trồng nho, với 6 hộ dân tham gia; tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương.

Hua Nà là xã đầu tiên của huyện Than Uyên ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng. Theo thời gian, mô hình càng được bà con quan tâm, đầu tư nhân rộng. Tin rằng thời gian tới, những vườn nho sẽ tiếp tục cho những mùa vụ bội thu; tạo điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm cho nhân dân và du khách.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tân Uyên

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Uyên xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội nhằm tận dụng thế mạnh để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Mục tiêu đến hết nhiệm kỳ, huyện có 7ha diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng trong nhà màng). Đến nay, các cơ quan chuyên môn đã và đang lồng ghép nhiều giải pháp để huyện đạt mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp khác, thời điểm hiện tại, huyện Tân Uyên đang tăng tốc thực hiện chỉ tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, trên địa bàn huyện mới có 1,9ha diện tích nhà màng hoạt động thường xuyên, đảm bảo đầu ra ổn định. Có nhiều dự định, kế hoạch đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó vấn đề liên kết bao tiêu sản phẩm được các chủ thể quan tâm hàng đầu.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đình Tuyên - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện vào thời điểm hầu hết cây trồng trong nhà màng kết thúc vụ, dọn vườn để vào vụ mới. Ngoài tham mưu trực tiếp cho cơ quan nơi anh công tác về nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới sản xuất các giống cây trồng trên diện tích 2.000m2, anh còn chủ động trồng thêm giống dưa mới như: dưa vàng, dưa sữa, dưa lê hàn với diện tích gần 1.800m2. Hiện tại, anh Tuyên đang cùng với cán bộ Trung tâm DVNN huyện đưa giống nho sữa vào trồng trên diện tích 2.000m2 trong nhà màng, sau hơn 1 tháng, cây đã chuẩn bị leo giàn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tuyên cho biết: Thời gian qua, tại một số địa phương của tỉnh đã đưa vào trồng đại trà giống nho hạ đen, bước đầu mang lại kết quả tốt. Trước khi đưa giống nho sữa vào trồng thử nghiệm tiến tới trồng đại trà, Trung tâm DVNN huyện cũng đã tìm hiểu và biết trên thị trường giá nho này hiện khoảng 230-270 đồng/kg và đầu ra không đáng lo ngại. Với quá trình sinh trưởng bước đầu cho thấy giống nho sữa hợp khí hậu, thổ nhưỡng, dù đây là giống cây trồng rất dễ nhiễm nấm, sâu bệnh nhưng được trồng trong nhà màng nên sẽ hạn chế đến mức tối đa sự ảnh hưởng.

Vườn dưa vàng của anh Nguyễn Đình Tuyên có nguồn tiêu thụ ổn định mỗi năm.

Được biết, ngoài 1,9ha nhà màng đang hoạt động thường xuyên, đầu ra ổn định cho các sản phẩm do các đơn vị doanh nghiệp lâu năm trên địa bàn huyện và Trung tâm DVNN huyện, cá nhân anh Tuyên thực hiện, thời gian này, các doanh nghiệp tiếp tục liên kết, tìm kiếm nguồn đất đai thuận lợi để thống nhất kỹ thuật, đầu tư trồng dưa vàng. Sở dĩ có sự liên kết này nhờ các chủ thể đã tìm được đầu ra thuận lợi, theo thỏa thuận, các đơn vị thu mua sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để cung cấp sản phẩm thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung ứng cho thị trường không bị ngắt quãng.

Do vậy, đây chính là điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Uyên. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao mà các đơn vị đang thực hiện trồng gồm các giống cà chua: nova vàng, socola, nho xanh và dưa leo baby, dưa lưới cho năng suất và giá bán ổn định. Các doanh nghiệp đang tiến hành san gạt mặt bằng, thiết kế triển khai xây dựng nhà màng với diện tích 3ha tại xã Pắc Ta, nâng tổng diện tích đến hết năm nay dự kiến khoảng 5ha.

Khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà các đơn vị đang gặp phải chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu cao; điều kiện giao thông xa trung tâm, quy tụ đất đai khó... Tuy nhiên, sự quan tâm của tỉnh bằng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng giúp các chủ thể phần nào giảm chi phí ban đầu. Canh tác trong nhà màng đã giảm tối đa các chi phí phát sinh về nhân công, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới… Cũng nhờ đó giảm tác hại ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ nguồn bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, giúp tối đa các chủ thể xây dựng và phát triển nhà màng.

Về giải pháp trong thời gian tiếp theo, đồng chí Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm DVNN huyện khẳng định: Ưu tiên đầu tiên thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà màng, huyện sẽ linh hoạt lồng ghép chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện để thực hiện. Chính quyền địa phương các xã, thị trấn tích cực vận động người dân góp đất giúp doanh nghiệp xây dựng nhà màng, tạo vùng nguyên liệu, tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm. Cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sâu sát, nắm bắt, tham mưu tháo gỡ vướng mắc cũng như nhiệt tình hỗ trợ các nhà đầu tư, cố gắng hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2024 xây dựng được 5ha nhà màng.

Đích đến còn dài, mong rằng trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tân Uyên tiếp tục linh hoạt trong lãnh, chỉ đạo, điều hành để đạt được mục tiêu đã xác định. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top