Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 3 năm 2023 | 10:9

Lai Châu ưu tiên phát triển sâm bền vững

Cùng với đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích dược liệu nhằm khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, Lai Châu đang đặc biệt ưu tiên phát triển bền vững sâm trong thời gian tới

Tuy nhiên, chính sách phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Phát triển sâm ở Tam Đường

Nhận thấy các loại dược liệu quý, trong đó có cây sâm Lai Châu đang dần cạn kiệt tại những cánh rừng của xã, mong muốn bảo tồn và phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này, năm 2017, anh Phàn A Sơn (dân tộc Dao, bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường) quyết định liên kết với 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Hà Nội đầu tư mô hình ươm và trồng cây giống sâm Lai Châu.

Anh Phàn A Sơn - bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường kiểm tra vườn ươm cây giống sâm Lai Châu.

Khởi điểm diện tích của anh Sơn chỉ khoảng 2.000m2, trong quá trình thực hiện, anh và các hộ dân đã đi học tập kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu lâm sinh. Theo đó, lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới để chăm sóc, bảo quản hạt giống, ươm cây đúng kỹ thuật. Với việc thu mua 500 cây sâm Lai Châu từ 5 – 10 năm tuổi, hàng năm sau khi thu hoạch hạt giống, anh còn bán thân, lá. Cùng với bán cây giống, riêng năm 2022, anh Sơn và các hộ liên kết thu trên 400 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho từ 15 – 20 lao động địa phương.

Theo dự tính của anh Sơn, trong năm 2023, mô hình sẽ cung ứng ra thị trường từ 5 – 7 vạn cây giống. Đồng thời, anh còn trồng thí điểm các loại cây: vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang. Anh cũng mong muốn tỉnh, huyện quan tâm, có nhiều cơ chế thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia liên kết với người dân sở tại trồng sâm, từ đó tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Cũng từ niềm đam mê với cây sâm Lai Châu, năm 2021, anh Nguyễn Hồng Giang – Tổng Giám đốc Công ty phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh (trụ sở tại Hà Nội) quyết định thuê đất, liên kết với bà con bản Xin Chải, xã Giang Ma đầu tư vùng ươm giống và trồng loại cây này. Hiện nay, công ty có tổng diện tích khoảng 5ha dưới tán rừng, trong đó 3ha ươm giống và trồng cây sâm Lai Châu, 2ha còn lại trồng cây sâm bố mẹ lấy hạt giống.

Anh Giang cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên cũng như thổ nhưỡng phù hợp, toàn bộ diện tích cây giống của công ty đều phát triển tốt. Đây đang là đầu vào quan trọng để cuối năm 2023, công ty đưa sang vùng trồng (rộng khoảng 220ha) tại xã Khun Há (người dân góp đất, tham gia trồng, chăm sóc; công ty bỏ giống, chi phí đầu tư, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm). Hiện, đơn vị đang tiến hành khảo sát, thi công đường giao thông đến vùng trồng.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác thăm vùng trồng sâm Lai Châu của Công ty Phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh.

Giang Ma đang là một trong 3 xã (Khun Há, Hồ Thầu) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây sâm Lai Châu và thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tiến hành trồng thử nghiệm, nhân rộng diện tích. Theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có trên 1,2ha sâm Lai Châu do các hộ dân tự trồng hoặc liên kết nhóm hộ trồng cùng 1 công ty trồng theo quy mô lớn, tập trung tại bản Tả Cu Tỷ và Xin Chải. Xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng để không chỉ tăng số tiền hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng mà còn làm giàu từ trồng sâm nói riêng, các loại cây dược liệu nói chung.

Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho các loại dược liệu phát triển. Tuy nhiên, người dân vẫn khai thác với số lượng lớn bán ra thị trường nhưng chưa có giải pháp bảo tồn, duy trì và phát triển. Riêng cây sâm Lai Châu còn rất ít giống tự nhiên. Thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thu gom hạt giống, cây giống về trồng thành từng điểm, từng vùng tập trung.

Thông qua một số chương trình, dự án, đề tài về khoa học công nghệ cũng đã hỗ trợ, thúc đẩy dần hình thành các vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn, trước mắt là 2 giống cây dược liệu chính là sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa.

Đến thời điểm này, toàn huyện Tam Đường có khoảng 5ha đất trồng cây sâm Lai Châu (chưa kể ươm giống). Trong đó, trồng có mái che 1,5ha, trồng dưới tán rừng 3,5ha.

Mặc dù giá trị kinh tế rất cao và là cây đặc hữu của tỉnh nhưng đòi hỏi đầu tư lớn. Do đó, thay vì trồng tự phát, rất cần sự định hướng, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tạo điều kiện tốt nhất thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo phát triển vùng trồng sâm tập trung và hiệu quả kinh tế bền vững.

Nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển

Tại "Diễn đàn mùa xuân về phát triển sâm Lai Châu" do tỉnh Lai Châu tổ chức hồi cuối tháng 2, đã có nhiều đại biểu đại diện các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, hộ trồng sâm, cơ quan quản lý Nhà nước và nhà khoa học tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và định hướng phát triển bền vững, hiệu quả vùng trồng sâm trên địa bàn tỉnh. 

Theo tiến sỹ Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu lâm sinh: Bảo tồn nguồn gen trong tự nhiên, trước hết phải xây dựng vườn giống. Xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn nguồn gen có cây sâm phân bổ trong tự nhiên; xây dựng đề án lưu giữ nguồn gen sâm Lai Châu. Cùng với đó, định hướng phát triển vườn cây giống cụ thể như: xây dựng mỗi huyện tối thiểu 1 trung tâm phát triển vườn giống chất lượng cao được chọn lọc, đủ điều kiện sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm, đáp ứng công suất trồng 10ha/năm (100.000 cây/ha; xây dựng đề án phát triển nguồn giống tại chỗ trong dân. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống (từ hạt), tiêu chuẩn cây giống chất lượng cao. Xây dựng trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Chính sách phát triển dược liệu hiện nay Nhà nước đều có hướng dẫn chung, tuy nhiên HĐND, UBND tỉnh, các ngành liên quan trên cơ sở hướng dẫn của trung ương nên có chính sách đặc thù, riêng biệt. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, hiệp hội, đoàn thể nhằm tạo ra sự lan tỏa để chính sách đi vào lòng dân, vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, mở rộng sản xuất.

Ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sâm Lai Châu cho rằng: Hiện nay, sâm Lai Châu chỉ chế biến một số sản phẩm đơn giản chưa có sản phẩm chế biến sâu. Hiện, một công ty thành viên của Hiệp hội Sâm Lai Châu đã tự bỏ kinh phí ra ký hợp đồng với cơ quan có chức năng nghiên cứu và một nhóm các nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu tính chất, công dụng, thành phần, liều lượng sử dụng của sâm Lai Châu. Thời gian dự kiến hoàn thành đề tài sớm nhất khoảng cuối năm 2023. Sau khi hoàn thành nghiên cứu này mới có cơ sở nghiên cứu tiếp ra các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Lai Châu. Các sản phẩm sau khi được Cục Quản lý dược Bộ Y tế kiểm định phê duyệt sẽ được sản xuất tại các nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP thì mới được phân phối ra thị trường.

Thường trực Hiệp hội cũng đang tích cực đồng hành phối hợp với doanh nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu để sớm có kết quả, ứng dụng vào chế biến sâu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu Nguyễn Trọng Lịch cho biết: Sở đã và đang chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng hệ thống văn bản quy định về cơ chế, chính sách đảm bảo tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển sâm Lai Châu. Trước mắt, tập trung việc nghiên cứu, vận dụng các quy định, cơ chế, chính sách, khung pháp lý phù hợp để thu hút các nguồn lực phát triển sâm Lai Châu; kịp thời tiếp nhận các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân phát triển sâm để nghiên cứu giải đáp, tham mưu tháo gỡ theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ giao rừng và phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững cho các ban quản lý rừng phòng hộ. Hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao để trồng sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho các tổ chức thuê đất thực hiện dự án; khuyến khích người dân cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất hoặc liên kết để thực hiện các dự án trồng sâm ứng dụng công nghệ cao…

Thuận lợi và khó khăn khi triển khai các mô hình trồng sâm

Ông Dương Thanh Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh: Công ty đang triển khai trồng dược liệu, trong đó có sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Tại vùng trồng áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: trồng sâm công nghệ cao trong nhà màng hiện đại, nhà màng lưới đen đơn giản và bán tự nhiên dưới tán rừng. Dựa vào quá trình triển khai thực tế trong thời gian qua, cộng với kinh nghiệm hơn 10 năm nghiên cứu các phương pháp trồng trọt và tham khảo thực tế tại các vườn sâm ở Quảng Nam - Kon Tum, chúng tôi có những phân tích sơ bộ về thuận lợi và khó khăn của từng mô hình.

Đối với mô hình nhà màng hiện đại có ưu điển là cây trồng chuyên canh với mật độ cao, đảm bảo tính đồng nhất; dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch; dễ dàng kiểm soát từ xa bằng công nghệ. Có thể điều tiết các yếu tố môi trường phù hợp nhất với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây... Tuy nhiên, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao; cần mặt bằng có diện tích lớn và bằng phẳng ở độ cao trên 1.600m là rất khó. Yêu cầu kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống và khó áp dụng cho nông hộ sản xuất.

Mô hình bán tự nhiên dưới tán rừng: diện tích rừng tự nhiên lớn, điều kiện tự nhiên phù hợp với cây sâm; chi phí đầu tư thấp, do sử dụng vật liệu tự nhiên; dễ trồng, phù hợp với những nông hộ có sẵn diện tích. Nhược điểm là công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn; cây sâm trồng mật độ không cao, phân tán nhỏ lẻ, do địa hình phức tạp. Dễ bị thiệt hại dẫn đến hao hụt do các yếu tố bất lợi của môi trường.

V.N (t/h) - nguồn: baolaichau.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top