Tại vùng sản xuất càphê ứng dụng công nghệ cao Đinh Lạc, người dân có thể ứng dụng hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet để truy cập dữ liệu phục vụ cho sản xuất, canh tác càphê.
Ngày 1/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có quyết định công nhận vùng sản xuất càphê ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 371,61ha bao gồm vùng trồng tại các thôn Tân Lạc 1, Tân Lạc 3, Đồng Lạc 4 của xã Đinh Lạc (huyện Di Linh).
Thu hoạch cà phê. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
Vùng sản xuất càphê ứng dụng công nghệ cao Đinh Lạc có số tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê gồm 325 hộ nông dân, 4 hợp tác xã, 6 cơ sở sản xuất, chế biến càphê.
Tại vùng sản xuất này, người dân có thể ứng dụng hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet để truy cập dữ liệu phục vụ cho sản xuất, canh tác càphê.
Thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh, nông dân chủ động theo dõi tình hình thời tiết, nhiệt độ để tưới đúng chu kì phát triển của cây, điều tiết công hái càphê, chủ động hơn trong việc phơi, hái càphê.
Đặc biệt, thông qua các cảm biến, thiết bị, hệ thống sẽ thu thập các chỉ số môi trường và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để dự báo, khuyến cáo cho nông dân trong vùng trong việc chăm sóc, canh tác cây càphê, qua đó góp phần thay đổi tập quán canh tác trong nông dân phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.
Được biết, từ năm 2020, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã đầu tư, xây dựng mô hình Hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu (Giải pháp IoT quan trắc và cảnh báo sớm thời tiết và giám sát độ ẩm đất cho vùng sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả công nghệ cao) với tổng kinh phí trên 230 triệu đồng, được vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tại địa bàn xã Đinh Lạc.
Hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu bao gồm 1 trạm quan trắc thời tiết độc lập kết nối 3G; 3 thiết bị thu sóng trung tâm; 20 thiết bị cảm biến độ ẩm đất không dây phát sóng tầm xa.
Những thiết bị này sẽ theo dõi trực tiếp tình hình khí hậu, báo lên trạm tổng để người cần thông tin sử dụng thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh và website.
Mô hình lắp đặt và vận hành thiết bị kiểm soát qua internet, lắp đặt pin mặt trời, giám sát thời tiết tự động qua internet, các thiết bị đo độ ẩm và trạm thời tiết độc lập, rất tiện dụng trong việc điều hành.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.