Sáng 1/12, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đồng chủ trì họp báo giới thiệu Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Festival được tổ chức từ ngày 11 đến 14/12 tại Hậu Giang
Theo thông tin từ ban tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 14/12 tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Sự kiện mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Đáng chú ý là triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” từ 11/12/2023 - 3/1/2024 tại Bờ kè kênh xáng Xà No, với những mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0. Qua đó thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam với điểm nổi bật là bản đồ lúa gạo được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với kích thước chiều ngang 3m, cao 9m, cùng với các khu triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo, khu triển lãm của các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo.
Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại buổi họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hoàng Trung chia sẻ: “Festival quốc tế đầu tiên của ngành hàng lúa gạo Việt Nam là một sự kiện ý nghĩa, quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực quốc tế. Sự kiện được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và người trồng lúa, cơ quan chỉ đạo trong việc sản xuất ngành hàng lúa gạo quốc gia.
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 chính thức được tổ chức tại Hậu Giang vào ngày 11-14/12 với hàng loạt các hoạt động, sự kiện trình diễn, hội thảo quốc tế, gian hàng triển lãm và các hoạt động bên lề khác.
“Đây là hoạt động thiết thực, và cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đạt được và được thế giới công nhận, góp phần vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Với vai trò là chủ nhà Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh bày tỏ sự vui mừng, tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ chọn làm địa phương tổ chức sự kiện này.
Ông Đồng Văn Thanh (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang mong muốn sự kiện lần này là cơ hội xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Hậu Giang ra thế giới.
Theo ông Thanh, Hậu Giang mặc dù là tỉnh nhỏ, nhưng cũng là trung tâm vùng ĐBSCL, đa dạng sinh thái, diện tích trồng lúa chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên, hộ nông nghiệp chiếm hơn 70%... Đặc biệt, Hậu Giang có kênh xáng Xà No.
“Vừa qua, tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN-PTNT để làm tốt các khâu chuẩn bị và đến thời điểm hiện nay tất cả các khâu chuẩn bị đều đảm bảo kế hoạch đề ra. Buổi họp báo hôm nay cũng là một trong những hoạt động quan trọng của Festival, đặc biệt khi nhận được sự tham gia đầy đủ của các anh chị nhà báo, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan báo chí đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như đối với người nông dân”, ông Thanh nói và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp tại tất cả các sự kiện xung quanh Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Xuất khẩu gạo đạt 4,4 tỷ USD trong 11 tháng 2023
Phát biểu tại họp báo, ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ NN&PTNT cho biết, những năm gần đây, Việt Nam vươn mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 6 triệu tấn. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay, vị thế và vai trò ngành càng trở nên quan trọng và ý nghĩa với an ninh lương thực toàn cầu.
Trong 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục với giá trị 4,4 tỷ USD; về lượng đạt 7,75 triệu tấn. Đây là thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023” nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý của Trung ương và địa phương, từ đó, truyền thông về những cam kết của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới: “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia Hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Thông qua đó, vận động sự ủng hộ để Việt Nam trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm” của khu vực. Ngoài ra, Festival được tổ chức nhân sự kiện tái lập tỉnh Hậu Giang, giới thiệu thành tựu 20 năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng thời đưa ra một tầm nhìn về liên kết giữa tỉnh Hậu Giang trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng sự chuyển đổi từ tư duy “sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo".
Phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là đề án).
Đây là một sự kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành lúa gạo, nông dân trồng lúa cả nước nói chung, sản xuất lúa gạo, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL nói riêng.
Đề án này là một thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ giúp nâng tầm cây lúa, cải thiện đời sống của bà con nông dân
Với sự thống nhất về nhận thức, hành động và chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đặc biệt là sự lao động của hàng triệu người nông dân, Đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.
Cũng theo ông Cường, chưa có dự án, đề án nào có được sự huy động từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới như vậy.
“Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cam kết và tới đây sẽ ký cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam cơ sở hạ tầng, thị trường tín chỉ carbon… để thực hiện Đề án. Tôi tin tưởng rằng, với sự nhận thức đúng đắn, đồng lòng của người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp cũng như sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các nhà báo, thì tới đây sẽ thực hiện được thành công Đề án 1 triệu hecta lúa”, lãnh đạo Cục Trồng trọt tự tin cho biết.
Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mong rằng, sau cuộc họp báo, toàn bộ phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí cùng chung tay đồng hành với Bộ NN-PTNT cũng như UBND tỉnh Hậu Giang để tiếp tục truyền thông đầy đủ các cái hoạt động, các sự kiện của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Trong đó, bên cạnh các hoạt động diễn ra tại sự kiện, các cơ quan thông tấn báo chí tập trung tuyên truyền hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được chính phủ quan tâm, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Việt Nam với quốc tế.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí nắm bắt được toàn bộ tổng thể các thông tin của sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế này, để góp phần tổ chức thành công Festival quốc tế lần đầu tiên đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.