Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến yêu cầu từ thị trường quốc tế. Những giải pháp cụ thể từ các cấp chính quyền sẽ là “chìa khóa” để giúp nông dân vươn lên mạnh mẽ, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nếu nông dân gặp khó, hãy nhắn tin hoặc gọi cho tôi.
“Lắng nghe nông dân nói” là chủ đề của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024 và là dịp để nông dân bày tỏ ý kiến, kiến nghị trực tiếp với các đơn vị ban ngành.
Lắng nghe những “tiếng lòng” của người nông dân
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Để có cuộc gặp mặt này chúng tôi cùng Hội Nông dân Việt Nam bàn mấy tháng nay. Trong phần tài liệu sáng nay tôi gửi cho các bác nông dân đã có cài theo danh thiếp, nếu phần trả lời chưa đầy đủ, hoặc gặp khó khăn thì xin bà con cứ nhắn tin gọi điện cho tôi để được giải đáp thêm và cũng mong bà con mạnh dạn, thường xuyên làm điều đó.
“Nhiều khi tin nhắn của bà con chúng tôi nhận được, đảm bảo 5 phút sau lãnh đạo tỉnh đã nhận được. Tôi sẽ chuyển ngay tin tức của bà con đến lãnh đạo địa phương. Những người nông dân là những người bạn, là người đồng hành cùng chúng tôi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mở đầu Diễn đàn Tư lệnh ngành Nông nghiệp đã chia sẻ: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn cho những nông dân đi đầu, bởi có những người đi đầu, dám vượt qua khó khăn, dám vượt lên nghịch cảnh thì mới có bức tranh nông nghiệp hôm nay…”
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: "Với chủ đề: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói, Diễn đàn là dịp, để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất, phát triển kinh tế xã hội".
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chương trình hành động, quyết định, kế hoạch thực hiện.
"Có thể nói, chưa có giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương dành nhiều chính sách, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như giai đoạn hiện nay"- Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nói.
Tuy nhiên, với đặc thù của ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế, cả về mặt khách quan và chủ quan như sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân đặt ra nhiều thách thức mới; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ổn định đời sống dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa... Những vấn đề đó, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách tháo gỡ cụ thể để hướng tới mục tiêu hình thành nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói lần này được tổ chức với mục đích, ý nghĩa rất thiết thực, làm cơ sở để hướng tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 sẽ diễn ra trong thời gian tới đây. Vì thế, cá nhân tôi và đồng chí Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất mong muốn được lắng nghe những lời chia sẻ chân tình, cởi mở và rất thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu có mặt tại đây với thông điệp "Cùng chia sẻ, cùng lắng nghe"- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Nông dân mong mỏi điều gì?
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh) cho biết, nhiều năm qua, đơn vị tổ chức các mô hình liên kết nuôi biển xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, đạt doanh thu từ 28 - 32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã khiến hợp tác xã thiệt hại nặng nề.
Nông dân Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), kiến nghị Trung ương Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT có tiếng nói giúp nông dân sớm được khoanh nợ, giãn nợ, giãn, hoãn trả lãi đối với các khoản vay đầu tư đã bị thiệt hại do bão số 3 và yên tâm đầu tư sản xuất bền vững.
Ông Bính kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung ương Hội Nông dân có tiếng nói giúp nông dân sớm được khoanh nợ, giãn nợ, giãn, hoãn trả lãi đối với các khoản vay đầu tư đã bị thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi nhất để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và bàn giao diện tích biển để người dân yên tâm đầu tư xây dựng bền vững.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ tại Diễn đàn, tôi có mong muốn mỗi Bộ ngành hợp tác với nhau có diễn đàn online hàng tháng để cho nhiều nông dân có thể gửi các thắc mắc, mong muốn của mình.
Điều mong muốn thứ hai, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ đó là cà phê chúng ta bán nhiều nhưng lại không có sản phẩm dẫn dắt thế giới. Cà phê đặc sản mới chỉ là chi hội (trực thuộc Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột) nếu thành hiệp hội cà phê đặc sản thì cơ hội đưa ngành cà phê của ta thoát các nhà rang xay lớn thế giới là có thể làm được. Cà phê đặc sản không thể làm quy mô lớn đó là thế mạnh của ta, chúng ta sẽ dần hình thành ngành cà phê đặc sản, làm chủ thế giới, tiến tới có sàn giao dịch cà phê đặc sản, tăng vị thế và giá trị cho ngành cà phê Việt Nam.
Thế mạnh nông nghiệp của ta với thị trường thế giới đó là mảng chế biến thực phẩm, hiện tôi đang tham gia tư vấn cho ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa. Công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng với quy mô nhỏ, giúp tránh lãng phí thực phẩm, là lợi thế của nông sản Việt Nam, đưa sản phẩm nông sản tới thị trường tươi ngon lâu hơn. Tôi thấy nông sản bà con làm ra nhanh hỏng, thối là điều rất lãng phí, tốn kém, nếu áp dụng được công nghệ này là điều vô cùng hữu ích.
Thông tin về vấn đề này, ông Lương Quốc Đoàn cũng cho rằng, bản thân thấy việc tổ chức thêm diễn đàn là điều rất tốt. Hội Nông dân đang nghiên cứu để có thể tổ chức thêm các diễn đàn thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nông dân.
Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể
Cùng với việc tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai do cơn bão số 3 (Yagi) và lũ lụt vừa qua, các vấn đề lớn khác cũng được nông dân tham dự Diễn đàn quan tâm. Điển hình như các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu Netzero, hay vấn đề về quy hoạch sản xuất, phát triển kinh tế tập thể.
Như nông dân Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Bình Minh ở Bắc Giang cho biết, hiện HTX chuyên về chăn nuôi, chế biến thịt lợn. Chúng tôi cảm nhận thấy khi làm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, như vừa qua có thiên tai, dịch bệnh, bão giá...mà chúng ta bắt buộc phải vượt qua.
Chúng tôi tham gia chăn nuôi từ 2016-2017 gặp bão giá bị thua thiệt rất nặng nề. Năm 2019, đơn vị hồi phục và xây dựng thành chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến. Năm 2020, HTX lại gặp dịch bệnh Covid-19, làm ăn rất khó khăn.
Đến giai đoạn 2021-2022 mới hồi phục dần lại công việc, đến năm 2023 doanh thu của chúng tôi đã đạt 42 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thấy có nhiều vướng mắc. Trong sản xuất, để gia tăng giá trị cho sản xuất, sản phẩm chúng ta phải gia tăng chế biến. Chúng tôi đã chế biến sâu và đã thành công, năm nay doanh thu của đơn vị sẽ đạt 50-60 tỷ đồng. Hiện đất nuôi trồng đã có nhưng đất chế biến còn rất khó khăn. Cùng chung khó khăn với chúng tôi, có rất nhiều HTX tham gia làm sản phẩm chế biến cũng vướng mắc như HTX, trong đó, quy mô chỉ cần 500 đến 1.000m2 nhưng cũng không có để làm.
"Theo tôi, các tỉnh cần chú ý đến cụm công nghiệp dành cho chế biến giúp các nông dân, HTX, doanh nghiệp chế biến sản phẩm đạt hiệu quả hơn. Nếu như hiện nay, chúng ta cứ để HTX xây dựng khu chế biến trong khu đất thổ cư sẽ không thể vay vốn chăn nuôi và chế biến. Theo đó, việc quy hoạch cụm công nghiệp chế biến sẽ thành quần thể và giúp cho các đơn vị xúc tiến thương mại tốt hơn.
Thông qua diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ IX năm 2024, chúng tôi muốn hỏi trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam có giải pháp gì để tiếp tục vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đồng hành như thế nào để những hợp tác xã nông nghiệp như chúng tôi nhận được nhiều chính sách ưu đãi, cơ hội để phát triển", nông dân Nguyễn Ngọc Hải cho hay.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho hay, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Trả lời đại biểu về việc Hội nông dân hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như thế nào, đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cụ thể, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến... Nhiệm vụ đột phá này sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay.
Cũng theo đồng chí Lương Quốc Đoàn, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030").
Trong thời gian vừa qua và sắp tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
"Khi người nông dân thay đổi thì nền nông nghiệp sẽ thay đổi"
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã trực tiếp lắng nghe chia sẻ của các nông dân tham dự, trực tiếp trao đổi, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng của bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, những câu hỏi, đề xuất và ý kiến được nêu lên không chỉ là tiếng lòng của từng cá nhân, mà còn đại diện cho cả cộng đồng nông dân, những người đang cống hiến không ngừng cho nền nông nghiệp nước nhà.
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn, từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến yêu cầu từ thị trường quốc tế. Những giải pháp cụ thể từ các cấp chính quyền sẽ là “chìa khóa” để giúp nông dân vươn lên mạnh mẽ, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị nông sản.
“Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của người nông dân, Trung ương Hội sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT có báo cáo, tổng kết và đề xuất với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể để hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất…”, ông Lương Quốc Đoàn cho biết thêm.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thông qua những kiến nghị của bà con gửi đến, bản thân đã nhận thấy những trăn trở, tâm huyết của người nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ 3 thành tố là nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu trên là nâng cao năng lực cho nông dân để bà con đảm nhận được vị trí trung tâm, là chủ thể.
“Thông qua Diễn đàn, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chúng tôi cũng mong muốn bà con từng bước thay đổi phương thức sản xuất; bởi khi người nông dân thay đổi thì nền nông nghiệp sẽ thay đổi…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến thông tin, thành tựu của ngành Nông nghiệp thời gian qua rất nổi bật, đó là đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp phát triển kinh tế, xuất khẩu mạnh. Thu nhập đời sống của nông dân tăng lên, xóa đói giảm nghèo nhanh, xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững. Nông nghiệp cũng cung cấp tài nguyên cho công nghiệp hóa, bình ổn kinh tế xã hội; chưa kể trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nông nghiệp góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải. Cho đến nay, GDP nông nghiệp đã đạt tới 1.564 nghìn tỷ đồng (năm 2023), tăng 3,38% trong 6 tháng 2024. Việt Nam cũng nằm trong top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, cao su, chè, sắn, sản phẩm gỗ. Thu nhập nông thôn tăng và ngày càng đa dạng, giai đoạn 2008-2020, thu nhập của nông dân tăng 5,5 lần, nhanh hơn cả tốc độ tăng của người dân đô thị. Chương trình nông thôn mới đã đạt và vượt xa mục tiêu đề ra về cả hai phương diện tỷ lệ xã đạt chẩn và số tiêu chí bình quân trên xã. Hết năm 2023, có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 270 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 20 tỉnh và thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi trong phát triển môt nền nông nghiệp tri thức. Trong đó, xu hướng nông nghiệp mới phải là nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, cảnh quan. Trong bối cảnh mới đó, chúng tôi đề xuất cách thức tiếp cận nông dân, nông thôn cho giai đoạn tới, một là tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn tới. Hai là, cải thiện tình hình tài chính, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ba là , hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng ở nông thôn. Trong bối cảnh mới, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và tri thức hóa nông dân./. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.