Tại Hội nghị “Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng, sự hợp tác, liên kết giữa TP. HCM và ĐBSCL sẽ phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không còn mạnh ai nấy làm
Vùng ĐBSCL với dân dân số 17 triệu dân, tiệm cận với TP. HCM dân số hơn 10 triệu người thế nhưng sự chênh lệch lại quá lớn, dù điều kiện tự nhiên khá thuận lợi. Đã qua thời các địa phương phát triển kinh tế - xã hội theo cùng mô hình. Tỉnh này xây khu công nghiệp thì tỉnh kia cũng rầm rộ quy hoạch khu công nghiệp; địa phương này mở rộng mô hình cây công nghiệp thì tỉnh khác cũng ồ ạt tuyên truyền đến người dân…
Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp được các tỉnh thành vùng ĐBSCL chú trọng hợp tác đầu tư với TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Tuấn).
Hậu quả của nó là vô cùng lớn, không chỉ kìm hãm sự phát triển của các địa phương mà còn gạt bỏ luôn lợi thế của từng vùng. Nhiều nơi hoang hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ điều kiện tự nhiên trù phú… nên phải mất nhiều năm để khôi phục. Vấn đề này đã được Trung ương nhìn nhận và những năm gần đây ĐBSCL đã được chú trọng đầu tư phát triển cả về văn hóa, giáo dục, kinh tế.
Trong bức tranh chung này, TP. HCM phải đóng vai trò "anh cả" để vực dậy ĐBSCL và từ đây các tỉnh này thúc đẩy ngược lại TP. HCM sang bước phát triển mới. Các chương trình liên kết trong những năm qua đã mang lại giá trị lớn như: liên kết du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã nhanh chóng phục hồi ngành này sau dịch Covid-19; liên kết tiêu thụ nông sản đã giúp nhiều vùng mở rộng sản xuất; liên kết các doanh nghiệp đã cải thiện bức tranh xuất khẩu toàn vùng…
Xây dựng mô hình liên kết bền vững, vực dậy sự lớn mạnh của cả vùng. ĐBSCL là vùng sản xuất nông, thủy sản trọng điểm phía Nam. Đổi lại TP. HCM vượt trội về công nghệ, y tế, giáo dục, hệ thống cảng xuất khẩu… Đây là điều kiện rất thuận lợi cả hai cùng phát triển.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...
Bước đầu, 13 tỉnh ĐBSCL đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.
Liên kết du lịch TP. HCM và ĐBSCL là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế vùng, (Ảnh: Hồng Thắm).
Nổi bật là các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của Thành phố có được đảm bào nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Những kết quả thiết thực
Phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” diễn ra mới đây, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, những năm qua, TP. HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển KT-XH. Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...
Cũng theo ông Tam, hội nghị này cũng là điều kiện, cơ hội để liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước.
Ông Tam dẫn chứng về việc nhiều hoạt động hợp tác giữa tỉnh Bến Tre và TP. HCM mang lại kết quả thiết thực. Điển hình như: các chương trình hỗ trợ kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa tỉnh Bến Tre đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của TP. HCM được phối hợp thực hiện tốt... Qua đó, các DN của tỉnh đã tìm được 10 đại lý phân phối tại TP. HCM, ký được 122 hợp đồng/biên bản ghi nhớ hợp tác với DN, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ... tại TP HCM.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá, từ năm 2014 đến 2020, TP Cần Thơ và TP HCM đã liên kết trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đáng kể nhất là ngành y tế 2 địa phương đã thực hiện Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh tại 4 đơn vị tuyến thành phố gồm: bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - Chợ Rẫy, Ung bướu Cần Thơ - Ung bướu TP. HCM, Tim mạch - Chợ Rẫy và Huyết học và Truyền máu Cần Thơ - Chợ Rẫy. Hiện 4 bệnh viện ở Cần Thơ đã được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ các bệnh viện hạt nhân tại TP. HCM, đồng thời tiếp nhận nhiều trang thiết bị được đầu tư trọng điểm từ đề án và đang triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngành hàng nuôi trồng thủy sản được các tỉnh khu vực ĐBSCL chú trọng đầu tư phát triển, (Ảnh: Hữu Tuấn)
Về kết quả đạt được, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong thời gian qua, Bạc Liêu phối hợp rất tốt với TP. HCM triển khai các chương trình hợp tác. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2016-2020 đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư từ TP. HCM đến Bạc Liêu tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư. Trong đó, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 898.920 tỷ đồng. Hằng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn công tác xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ TP. HCM về đầu tư tại Bạc Liêu.
Khẳng định vai trò của các địa phương trong việc hợp tác với TP. HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh, sự phát triển của TP. HCM có sự đóng góp rất lớn của vùng ĐBSCL. Thành phố không thể phát triển nhanh và bền vững nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ của các địa phương trong vùng. "Có 3 vấn đề nổi lên là kết nối giao thông TP. HCM - ĐBSCL cần tập trung hơn, nhanh hơn; kết nối cung cầu, đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực và y tế; cách thức triển khai làm sao có hiệu quả đó là vấn đề quan trọng.
Nâng tầm hợp tác
Kết quả của việc hợp tác là vậy, nhưng hiện nay còn tồn tại một số mặt hạn chế, trong đó có việc hợp tác còn quá dàn trải, không xác định lĩnh vực trọng tâm, đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên, chưa chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện chương trình hợp tác; chưa thường xuyên theo dõi, sắp xếp thời gian giải quyết và tháo gỡ các vấn đề phát sinh; dẫn đến việc liên kết trên một số lĩnh vực đều có những khó khăn, vướng mắc trong quá trinh thực hiện nhưng chậm được tháo. Các hoạt động, chương trình chưa có chiều sâu, chương trình hợp tác chưa đi vào trọng tâm.
Thời gian tới, với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau,” TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xác định hợp tác có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.
Cụ thể, các địa phương tiếp tục hợp tác đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng giai đoạn 2022-2025. Các địa phương còn phối hợp trên các lĩnh vực du lịch; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; an sinh xã hội…
Ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị, mỗi địa phương phân công 1 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp phụ trách, chủ động rà soát nhiệm vụ, giải pháp… trong thực hiện chương trình liên kết. TP. HCM sẽ phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của chương trình hợp tác với ĐBSCL và các sở chuyên ngành của TP. HCM chủ trì cùng với các sở của 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện triển khai các nội dung hợp tác chung của vùng và riêng cho từng địa phương.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bến Tre tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp, (Ảnh: Công Trí)
Ngoài ra, TP. HCM sẽ xây dựng cơ chế thông tin cập nhật tiến độ, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật công việc chung và công việc riêng với từng địa phương hằng tháng. Thành phần quyết định thành công của sự hợp tác này là các hiệp hội và doanh nghiệp, những nhà đầu tư thực sự. Rất mong doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu quy hoạch vùng, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương để có quyết định đầu tư. TP. HCM cam kết với các doanh nghiệp của thành phố là tạo kiện và nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có đầu tư ở ĐBSCL. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để phát huy sức mạnh mối liên kết giữa TP HCM và vùng ĐBSCL, Đồng Tháp đề xuất các địa phương trong vùng cùng kiến nghị Chính phủ cho cơ chế riêng để TP. HCM và các tỉnh, thành phố tự vay vốn làm dự án hạ tầng giao thông trên tinh thần đối ứng nhanh, hiệu quả, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng. Bên cạnh đó, là quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối tạo điều kiện, khuyến khích DN phát triển đóng góp không chỉ cho địa phương mà cho cả vùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất, phải thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, Long An đề xuất thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.