Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 5 năm 2024 | 12:52

Lợi ích kép từ sản xuất lúa hữu cơ

Trong vụ Xuân 2024, các địa phương ở Hà Tĩnh tiếp tục chú trọng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Vụ lúa Xuân năm 2024 là vụ thứ tư, gia đình bà Trần Thị Khánh ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 7 sào. Năm nay, gia đình bà tập trung sản xuất giống ST25, năng suất đạt 3,3 tạ lúa tươi/sào. Trừ chi phí, lợi nhuận mỗi sào đạt hơn 1 triệu đồng, cao hơn sản xuất truyền thống 400.000 đồng.

Năm 2024, huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 95ha ở 7 xã: Cẩm Bình, Yên Hòa, Cẩm Quang, Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Vịnh, thị trấn Cẩm Xuyên. Hiện các vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ đều được doanh nghiệp bao tiêu và thu mua ngay tại chân ruộng.

Lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được mùa, được giá khiến bà con nông dân rất phấn khởi.

Thời gian qua, huyện Cẩm Xuyên đã thực hiện hiệu quả việc tập trung ruộng đất, phá bờ vùng ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Đến nay, đã có gần 1.000ha được chuyển đổi. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu, hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng đề án và có các chính sách hỗ trợ để giúp người dân triển khai các mô hình. Kết quả bước đầu của các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho thấy hiệu quả kinh đã tăng từ 20 - 30% so với canh tác truyền thống. Đồng thời, môi trường đất, nước, không khí được cải thiện rõ nét.

Thời gian tới, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình; từng bước xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải tạo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân; trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Cẩm Xuyên chất lượng cao, tạo ra sản phẩm gạo sạch - an toàn cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.

So với phương pháp sản xuất thông thường, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất khá, giá bán cao

Cùng với Cẩm Xuyên nhiều địa phương trong tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích trên 500 ha.

Trong đó, hơn 100 ha sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy, sử dụng giống lúa chất lượng cao DT39, tập trung tại các huyện: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thạch Hà.

Qua đánh giá năng suất bình quân đạt từ 60 đến 62 tạ/ha, được thu mua với mức giá cao hơn giá lúa thông thường từ 10 đến 15%, tăng lợi nhuận từ 10 đến 12 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa truyền thống.

Với kết quả này, vụ hè thu 2024, các địa phương tiếp tục quan tâm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhân rông quy trình sản xuất dùng mạ khay, máy cấy và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học trước khi gieo cấy.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top