Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An hình thành một số vùng cây ăn quả mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung.
Vì vậy, Đề án (ĐA) thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là ĐA) được xem là nhu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Còn nhiều khó khăn
Vùng Đồng Tháp Mười của Long An là vùng đất ngập nước trải dài trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ; thị xã Kiến Tường; 7 xã phía Bắc của 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức với tổng diện tích tự nhiên gần 300.000ha, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 248.000ha, chiếm 78% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Rinh (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) mong được chính quyền hỗ trợ để được gia cố đê bao, bảo vệ vườn sầu riêng.
Những năm gần đây, tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, một số vùng trồng cây ăn quả mới hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Loại cây ăn quả chuyển đổi chủ yếu là mít, sầu riêng, xoài, bưởi, chanh,... với diện tích gần 4.100ha; trong đó, diện tích trồng mít, sầu riêng, xoài là trên 2.300ha, định hướng phát triển đến năm 2025 là trên 3.900ha.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An - Nguyễn Văn Cường, vùng Đồng Tháp Mười hiện vẫn là vùng chuyên canh lúa, trong khi tiềm năng về cây ăn quả rất lớn. Hầu hết diện tích cây ăn quả tại vùng đều được trồng với quy mô nhỏ, lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau.
Bên cạnh đó, các địa phương chưa thành lập được nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) cây ăn quả và chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua nên hầu hết việc mua, bán thông qua thương lái. Công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng chưa thật sự được quan tâm nên tổn thất sau thu hoạch khá lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá bán sản phẩm.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, số lượng HTX tại vùng Đồng Tháp Mười là 73 HTX nhưng chỉ có 4 HTX trồng và thu mua cây ăn quả. Các HTX, THT quy mô còn nhỏ, thị trường thường không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc bị khống chế về giá. Toàn tỉnh hiện có 134 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây nhưng hầu hết tập trung tại các huyện phía Nam.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - ông Phan Văn Nỉ cho biết: “Theo ĐA, Tân Hưng được giao chỉ tiêu xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 2.945ha vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện chỉ có trên 223ha. Dẫu vậy, ngành Nông nghiệp huyện vẫn khuyến cáo nông dân chỉ ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả hoặc khó khăn về nguồn nước, đất bị bạc màu,... Bởi, huyện vẫn là vùng chuyên canh lúa công nghệ cao của tỉnh, không thể chuyển đổi ồ ạt, quy mô lớn làm giảm sản lượng lúa toàn tỉnh, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của khu vực và cả nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Rinh (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), ông hiện có 6ha sầu riêng Musang King trên 2 năm tuổi. Vườn sầu riêng của gia đình không nằm trong khu vực đê bao khép kín, mùa lũ năm trước bị thiệt hại hoàn toàn trên 1,7ha do ngập lũ. Hiện hệ thống bờ bao xung quanh vườn rất yếu và cần được gia cố gấp, tuy nhiên, việc vận chuyển đất gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường dẫn vào vườn sầu riêng không cho phép xe chở đất lưu thông.
“Tôi mong chính quyền địa phương cho phép vận chuyển đất hoặc hút bùn từ kênh T35 để gia cố đê bao, hạn chế nguy cơ thiệt hại cho vườn sầu riêng trong mùa lũ năm 2023”, ông Rinh kiến nghị.
Tại huyện Vĩnh Hưng, những năm gần đây, người dân cũng bắt đầu chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như mít, sầu riêng, bưởi, dừa,... Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - ông Lê Quốc Bổn thông tin: “Toàn huyện có trên 450ha cây ăn quả nhưng hầu hết đều thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị,...”.
Cần thiết và phù hợp
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - ông Lê Hữu Tàu cho biết: “Huyện có trên 1.500ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là chanh, mít. Gần đây, sầu riêng cũng được nhiều nông dân lựa chọn để trồng thay cho cây mít, tuy nhiên, do hầu hết diện tích đều chưa cho thu hoạch nên không thể đánh giá về hiệu quả. Nhìn chung, các diện tích sầu riêng đều đang phát triển tốt và một số vườn bắt đầu cho quả vụ đầu tiên”.
Ông Nguyễn Văn Mật (ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Gia đình trồng 5,5ha mít và 2ha chanh không hạt. Trước đây, gia đình trồng lúa nhưng lợi nhuận không cao, do đó, tôi quyết định chuyển sang trồng mít và chanh. Những loại cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước tại địa phương vì cây phát triển tốt, cho quả to và nhiều”.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Qua khảo sát và đánh giá, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành ĐA và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan, cơ sở trực thuộc và địa phương. ĐA rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay vì góp phần giải “bài toán” sản xuất nhỏ, lẻ, không theo định hướng; đồng thời, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cây ăn quả quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ĐA cũng góp phần phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ.
“Mục tiêu cụ thể của ĐA là đến năm 2025 hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả trong vùng ĐA trên 10.500ha; trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mít trên 3.500ha, xoài trên 700ha, sầu riêng 340ha, còn lại trên 6.000ha trồng các loại cây ăn quả khác (bưởi, chuối, mãng cầu,...); hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu; giảm chi phí đầu vào từ 5-10% cho các thành viên HTX và nông dân (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, chi phí, thời gian vận chuyển,...); giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5-10% số nguyên liệu và tăng giá từ 10-20%. Qua đó, tăng thu nhập từ 5-10% cho thành viên HTX và nông dân”, ông Truyền thông tin thêm.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thực hiện phong trào thi đua 75 ngày đêm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3, thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa ra quân xây mới, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 470 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn.