Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và nhiều đại biểu tham dự đã chia sẻ, nhiều câu chuyện về tinh thần vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt đến thành công.
Đó là tinh thần trách nhiệm, cống hiến, vì sự phát triển chung của cộng đồng. Tương tự như vậy, khởi nghiệp cũng là hành trình đầy khó khăn.
Tuy nhiên, phải xác định mục tiêu khởi nghiệp là gì, khởi nghiệp vì ai, vì sự giàu có hay vì sự thành công hay còn cao cả hơn là vì “mình là một phần của quê hương, đất nước”?
Từ bài toán đi tới hành động
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp cấp vùng - Mekong Startup lần I năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, Diễn đàn sẽ là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực cùng giải quyết bài toán chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hành động cụ thể, đồng thời kết nối, hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng đất Chín Rồng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Ông nghĩa cho biết, từ năm 2016, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để hiện thực hoá mục tiêu trở thành địa phương khởi nghiệp.
Thứ nhất là tập trung cho công tác giáo dục, đào tạo nghề, để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động địa phương.
Thứ hai là tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với nhiều nội dung thiết thực nhằm tiếp tục hỗ trợ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, lao động nông thôn.
Thứ ba là tổ chức các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các cấp, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 2.600 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 12.840 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động 4.200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 40.000 tỷ đồng. Hằng năm, tỉnh có hơn 400 doanh nghiệp thành lập mới và có hơn 100 dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.
Giai đoạn 2021 – 2025, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp được xác định là 01 trong 05 đột phá chiến lược phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường phù hợp với địa phương; chú trọng phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; hướng doanh nghiệp tiếp cận chương trình chuyển đổi số, đổi mới, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.
Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, sau diễn biến đại dịch Covid-19 đã gây ra và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.
Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu và các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế vùng.
Trong bối cảnh đó, Đồng Tháp cũng đứng trước những cơ hội lẫn thách thức từ sự thay đổi trong mối quan hệ liên kết vùng, các chuyển đổi về sản xuất, xã hội, môi trường.
Nhận thấy “liên kết” là một trong những chìa khoá quan trọng để đi đến thành công và là một xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, trong thời gian qua, Đồng Tháp và các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như: Diễn đàn Mekong Connect, Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và sắp tới đây là Diễn đàn Mekong Startup.
Nội dung trọng tâm của Diễn đàn Mekong Startup là tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đây không phải là bài toán có thể giải quyết trong ngắn hạn, cũng không phải của chỉ riêng một địa phương, hay một tổ chức, cá nhân nào mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay, đồng lòng của cả khu vực, các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân.
Do vậy, Diễn đàn được tỉnh Đồng Tháp tổ chức ở quy mô cấp vùng, với việc tham gia chủ trì của cấp Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; sự đồng hành của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế; các doanh nghiệp dẫn đầu và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ ứng dụng.
Có thể nói đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp tổ chức một diễn đàn khởi nghiệp ở quy mô cấp vùng, với chủ đề hướng đến còn rất mới mẻ. Điều này thật sự không dễ dàng, nhưng với tinh thần của khởi nghiệp, chúng tôi không ngại khó để tìm ra giải pháp. Cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp đồng hành, chúng tôi sẽ nỗ lực để phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm mang lại những giá trị thiết thực, trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cần có trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ tiếp cận kiến thức
Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, với các mô hình tuần hoàn, giảm phát thải mới, cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để các đối tác có thể tiếp cận kiến thức, nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Tùy mô hình, ngành hàng sẽ có các trung tâm riêng lẻ hoặc tổng hợp đáp ứng.
Song song đó, ông Thắng kiến nghị tăng cường đào tạo và hợp tác quốc tế xây dựng các dự án, đồng hành cùng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Những dự án đổi mới của cộng đồng startup trong nước có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức quốc tế thông qua các tiêu chuẩn mới.
"Các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng đội ngũ chuyên viên để có các chứng nhận về giảm phát thải được công nhận trên toàn thế giới trong tương lai", ông nói thêm.
Tìm cơ hội trong thách thức
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành của Mật hoa dừa Sokfarm nêu lên những trăn trở về vấn đề của cây dừa Trà Vinh, từ đó nhân rộng mô hình chuỗi trái cây toàn vùng ĐBSCL.
Theo ông, dừa là một loại cây công nghiệp ở Việt Nam mình, 80% sản lượng dừa của Việt Nam nằm ở miền tây và Trà Vinh là tỉnh lớn thứ hai của Việt Nam có sản lượng dừa lớn lên đến 25.000 hecta. Khi ngập mặn xâm nhập vào đất liền, thì người nông dân sẽ chọn cây dừa là cây chuyển đổi canh tác và vùng trồng dừa của Trà Vinh đang tăng trưởng mỗi năm.
Ông Phạm Đình Ngãi – Giám đốc điều hành Mật hoa dừa Sokfarm. Ảnh: Thanh Tùng
Nhưng khi gặp biến đổi khí hậu, ngập mặn cao trên 15 phần nghìn thì lúc này trái dừa sẽ bị teo, giảm năng suất trái từ 30-70%, nông dân bị thiệt hại kinh tế rất nhiều. Doanh nghiệp của ông đã giải bài toán bằng cách chuyển sang hướng trồng dừa để thu hoa, mô hình này giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3-5 lần. Từ mật hoa dừa có thể phát triển được hơn 30 sản phẩm, nên hướng phát triển của ngành rất cao. Với cách làm này, mỗi hecta trồng dừa nông dân có thể có thu nhập từ 40-60 triệu một tháng, tuổi thọ trung bình của cây dừa tầm 30-50 năm. Ngoài việc tạo giá trị kinh tế, cây dừa còn giúp chắn sóng, chắn gió và chống xói mòn.
"Điều này cho thấy được là người khởi nghiệp cần tìm cơ hội trong thách thức", ông nhấn mạnh.
Về các khuyến nghị ông đưa ra hai luận điểm, thứ nhất, chung cho ngành trái cây, cần cải thiện nghiên cứu giống phù hợp xu hướng tiêu dùng, chịu được biến đổi khí hậu.Thứ hai ông đưa ra đề xuất thành lập hiệp hội về chuỗi trái cây dành cho người khởi nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh mô hình liên doanh.
Những giá trị cốt lõi, cần có khi startup kinh doanh, thu hút đầu tư
Tham gia Talkshow “Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, hiện Đồng Tháp vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng vai trò đầu tàu, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn Mekong Startup nói chung, talkshow này nói riêng và những diễn giả giàu kinh nghiệm, những vị khách mời, cùng cộng đồng doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi kỳ vọng được trao đổi, lắng nghe những mong muốn, những mối quan tâm của doanh nghiệp khi có ý định đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tại talkshow, trong đó có bàn cách để startup trở thành doanh nghiệp mà các nhà đầu tư khao khát có
Đồng thời, mong muốn các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm thu hút vốn và kinh doanh hiệu quả, cách tiếp cận với xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ nông nghiệp, cũng như những phương thức hợp tác hiệu quả trong phân phối, kết nối thị trường, tối ưu hóa các chuỗi phân phối để Đồng Tháp có thể chuẩn bị tốt nhất những điều kiện cần thiết, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đây cũng chính là những nội dung chính được các diễn giả chia sẻ. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ làm cho gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị, giảm giá thành và góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo các diễn giả, các doanh nghiệp khởi nghiệp tuy hạn chế về vốn, năng lực tài chính, tuy nhiên thế mạnh là sự nhanh nhạy. Đây cũng chính là điểm thu hút đối với doanh nghiệp lớn. Vì vậy, để tiếp cận các nhà đầu tư, startup phải xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình và tạo sự khác biệt với sản phẩm cùng loại. Trong điều kiện nguồn lực yếu, nếu phát triển quá nhiều sản phẩm thì sẽ rất khó khăn, nhất là không thực hiện được chiến lược xây dựng thương hiệu, do đó startup cần xác định sản phẩm chủ lực để tập trung hơn.
Một yếu tố quan trọng được các diễn giả đề nghị startup lưu ý đó là “phải bán cái thị trường cần”, sự chủ quan của cá nhân về sản phẩm tiềm năng sẽ dễ dẫn đến thất bại nếu không nắm rõ thị trường cần gì.
Với vai trò là nhà đầu tư, các diễn giả cũng chia sẻ về những tiêu chí đánh giá startup, mối quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay đối với startup, cách thức để startup tương tác và kết nối thị trường…
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ nhiều câu chuyện về tinh thần khởi nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chia sẻ nhiều câu chuyện về tinh thần vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt đến thành công. Đó là tinh thần trách nhiệm, cống hiến, vì sự phát triển chung của cộng đồng. Tương tự như vậy, khởi nghiệp cũng là hành trình đầy khó khăn. Tuy nhiên, phải xác định mục tiêu khởi nghiệp là gì, khởi nghiệp vì ai, vì sự giàu có hay vì sự thành công hay còn cao cả hơn là vì “mình là một phần của quê hương, đất nước”?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khởi nghiệp có thành công và cả thất bại. Vì vậy, startup phải chuẩn bị tinh thần khi thất bại để có sự chủ động hơn. Đồng hành suốt mười mấy năm trong hành trình khởi nghiệp của nhiều startup, ông Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp khởi nghiệp phải mạnh mẽ hơn nữa, luôn luôn cải tiến, làm tốt hơn nữa những cái đã có, nắm được nhu cầu thị trường, không ngừng mở rộng “vòng tròn mối quan hệ” vì 85% thành công là nhờ yếu tố này.
Hôm nay, chúng ta tạo ra sản phẩm, ngày mai chúng ta phải đặt ra câu hỏi: “Rồi sao nữa? Có như vậy mới kích hoạt sự sáng tạo của chúng ta, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và kết thúc chia sẻ của mình với lời gửi gắm đến các startup Đồng bằng sông Cửu Long: “Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?”
Khởi động Dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm Sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo là hình thức kinh doanh thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong vòng kinh tế tuần hoàn ngành lúa gạo. Dự án được đầu tư và vận hành bởi Công ty Cổ phần Chỉ số Nông nghiệp (Agri index). Sàn giao dịch thương mại điện tử được tư vấn mô hình hoạt động bởi Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nghiệp tham gia bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp. Sau 6 tháng nghiên cứu tiền khả thi, Dự án đã quy tụ được 125 đơn vị phía Nam và 08 đơn vị phía Bắc tham gia thử nghiệm các tính năng giao dịch trên sàn với khối lượng chào bán thử nghiệm do các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng và khả năng xử lý 100 giao dịch thành công/ngày. Điểm khác biệt của Dự án là 100% các đơn vị tham gia dự án đều được chuyên viên của Agri index hỗ trợ xây Hồ sơ năng lực và đảm bảo tính xác thực của nhu cầu mua và bán sản phẩm; tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Bigdata) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người mua, người bán giao dịch hiệu quả; cung cấp các dịch vụ như giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thanh toán linh động… Dự án dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 3/2023, được kỳ vọng là cầu nối cho 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng, tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50% và 100% các giao dịch đều đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai, đúng pháp luật. Sau khi được Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cấp phép, sàn giao dịch thương mại điện tử gạo và phụ phẩm ngành gạo hoạt động với tên miền SANPHUPHAM.VN và App Mobile AGRIINDEX chạy trên nền tảng Android và IOS. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, việc khởi động Dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần gắn kết các mắt xích quan hệ với nhau, tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, mang lại các lợi ích thiết thực, nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân phải cùng nhau liên kết để làm ăn chung, phát huy sức mạnh của từng chủ thể để tạo ra chuỗi vòng tuần hoàn, mang lại sự phát triển bền vững. Muốn làm được điều đó phải tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi ngành hàng lúa gạo thông qua sức mạnh chuyển đổi số, thông qua tư duy tạo ra những sản phẩm mới từ những phụ phẩm và tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.