Với nhiều lợi thế về sản xuất nông - lâm sản, hiện nay các doanh nghiệp ở miền núi phía Bắc đang tích cực xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Liên kết: Doanh nghiệp, nông dân cùng hưởng lợi
Nhiều năm nay, Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sa Pa liên kết với khoảng 160 hộ ở thị xã Sa Pa để duy trì vùng trồng hơn 50 ha cây atiso. Công ty còn liên kết với gần 300 hộ ở các địa phương trong tỉnh trồng, bảo tồn, thu hái chè dây, giảo cổ lam.
Người dân Sa Pa thu nhập cao từ trồng cây atiso. Ảnh: Báo Lào Cai
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết: Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bởi công ty có vùng nguyên liệu, còn người dân tham gia có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm, người dân thị xã Sa Pa thu về khoảng 8 tỷ đồng từ bán lá atiso cho công ty, chưa kể tiền bán củ và hoa cho khách du lịch.
Tương tự, những năm gần đây, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ chè búp tươi giữa Công ty TNHH Một thành viên Mường Hoa với hàng trăm hộ ở 2 xã Cao Sơn, La Pan Tẩn (Mường Khương) đã góp phần gia tăng chất lượng và tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ông Sùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Cây chè trồng ở Cao Sơn hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển rất tốt, chất lượng đảm bảo. Có doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã đứng ra thu mua chè cho nông dân với giá dao động từ 12 - 20 nghìn đồng/kg chè búp tươi, nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè. Năm 2022, huyện giao trồng mới hơn 60 ha chè, nhưng người dân đăng ký trồng gần 130 ha. Hiện xã có 294 ha chè, trong đó gần 100 ha đang cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 500 tấn chè búp tươi/năm.
Theo anh Thào Sinh, thôn Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn, gia đình anh trồng chè từ năm 2011 với khoảng 0,5 ha và tiếp tục mở rộng diện tích trồng trên nương ngô cằn cỗi, đất đồi hoang hóa lên hơn 2 ha. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh thu khoảng 100 triệu đồng từ cây chè. Nhờ đó, gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Toàn tỉnh hiện có 32 mô hình liên kết (27 mô hình trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình nuôi thủy sản), quy mô đạt 17.552 ha với 16.664 hộ tham gia. Tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 1.043 tỷ đồng.
Theo ông Vi Văn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân đã tạo chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Một số mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm tiềm năng địa phương, tiêu biểu như chè ở Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng; chuối ở Mường Khương, Bát Xát; dứa ở Mường Khương, Bảo Thắng; dược liệu ở Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa; cá nước lạnh ở Sa Pa; quế, sả ở Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên…
Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Với nhiều lợi thế về sản xuất nông - lâm sản, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái không chỉ quan tâm, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn chú trọng hoạt động xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.
Từ năm 2018, Công ty dịch vụ kỹ thuật nông lâm thuỷ sản TNĐ ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án trồng cây cỏ ngọt Stevia tại 14 xã, phường dưới hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, bởi đồng đất ở cánh đồng Mường Lò có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp; đồng thời phát triển thêm tại các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu qua đối tác.
Bà Phạm Thị Đông hướng dẫn nông dân Mường Lò trồng cây cỏ ngọt theo hướng hữu cơ.
Bà Phạm Thị Đông, Giám đốc Công ty cho biết: Để đáp ứng được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình trồng hữu cơ. Công ty đã tổ chức cho các hộ tham quan vườn giống, tâp huấn quy trình trồng cây, đồng thời hỗ trợ 50% cây giống, 50% phân bón.
“Hiện nay Công ty xuất khẩu cỏ ngọt Stevia sang Hà Lan. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, trong hợp đồng biên bản ghi nhớ hợp tác thì mỗi tháng công ty sẽ gửi mẫu sang Hà Lan để đối tác test lại mẫu đó, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu thì công ty mới cho xuất hàng” - bà Phạm Thị Đông nói.
Công ty Cổ phần Yên Thành ở huyện Trấn Yên là 1 trong 2 đơn vị tham gia chế biến măng tre bát độ để xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Thiết bị và công nghệ chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản và Đài Loan nên mỗi năm công ty xuất khẩu được gần 20 tấn măng khô, măng muối.
Trước nhu cầu của thị trường nước ngoài đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm măng muối chất lượng cao, mới đây, công ty tiếp tục liên doanh với một công ty Nhật Bản đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất 100% măng muối tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết, nhờ liên doanh, liên kết, Công ty cổ phần Yên Thành đã sản xuất trên 2.000 tấn măng tre các loại và sản phẩm măng tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 triệu USD.
Huyện Văn Yên có diện tích quế đạt khoảng 52.000 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 6.000 tấn quế vỏ khô, trên 60.000 tấn cành lá, 300 tấn tinh dầu, trên 50.000 m3 gỗ quế, trên 150 triệu cây quế giống và nhiều sản phẩm khác từ quế mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho người canh tác.
Hiện nay, quế Văn Yên đã có trên 6.000 ha được cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm Quế đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông ViJay Karunakaran, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Olam Việt Nam nhận xét: “Chất lượng Quế của huyện Văn Yên rất tốt. Công ty chúng tôi đã đưa quế và các sản phẩm từ quế của huyện Văn Yên đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tiềm năng để phát triển cây quế của huyện Văn Yên nói riêng cũng như của tỉnh Yên Bái nói chung rất lớn, hi vọng với các hoạt động xúc tiến thương mại khác, huyện Văn Yên sẽ phát huy được hết hiệu quả từ loại cây giá trị này”.
Những sản phẩm nông lâm sản của Yên Bái hiện nay không còn là "nàng công chúa ngủ trong rừng" mà đã được nhiều bạn hàng trong nước, quốc tế, nhiều đối tác xuất khẩu biết đến, từ đây năng cao giá trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Yên Bái ước đạt 249 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ, bằng hơn 107% so với kịch bản tăng trưởng, đạt 88,9% kế hoạch năm.
Xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu
Được phát hiện vào năm 2013, trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu, đến nay tỉnh đã tổ chức liên kết được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo tồn, hình thành được vùng sâm tại các huyện.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu giống cây Sâm Lai Châu.
Lai Châu đặt ra mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có ít nhất 7 cơ sở sản xuất giống sâm được cấp mã số; 100% cây giống cung cấp ra thị trường, có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng đạt chuẩn theo quy định; toàn tỉnh có 3.000ha trồng sâm, 100% sản phẩm sâm Lai Châu có đầu ra ổn định.
Với mục tiêu đó, tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh Sâm Lai Châu vươn ra thị trường Việt Nam và quốc tế; gửi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để các doanh nghiệp phát triển Sâm Lai Châu và dược liệu thành công tại Lai Châu.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu, ông Kim Suk Bum, Giám đốc Công ty Bridia tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, Sâm Lai Châu có chứa các ginsenoside loại ocotillol như majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu cho rằng Sâm Việt Nam có chứa nhiều ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lai Châu cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về đầu tư, hỗ trợ phát triển cây dược liệu nói chung, cây Sâm Lai Châu nói riêng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.