Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 10 năm 2023 | 10:53

Mùa vàng ở Sơn La

Những ngày này, nhiều diện tích lúa vụ mùa ở Sơn La đã chín vàng, nông dân đang phấn khởi ra đồng thu hoạch lúa.

Dẻo thơm gạo nếp Mắc Đươi

Với đặc trưng dẻo, thơm, vị đậm đà, gạo nếp Mắc Đươi, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu được đồng bào dân tộc Thái trong xã sử dụng để đãi khách mỗi khi đến chơi nhà, làm quà biếu hay nấu xôi làm bánh vào các dịp lễ, Tết.

Những ngày cuối tháng 10, về xã Mường Lựm đúng dịp bà con đang thu hoạch lúa. Trên những thửa ruộng, hai bên bờ suối Huổi Luông, không khí lao động hăng say, tiếng cười nói của bà con rôm rả, tiếng máy tuốt nổ giòn; mùi lúa chín tỏa hương thơm ngát.

Nông dân sử dụng máy gặt cầm tay để cắt lúa.

Mường Lựm được thiên nhiên ưu đãi bởi địa hình bằng phẳng, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm. Vụ mùa năm nay, xã cấy 71 ha lúa, trong đó, lúa nếp đặc sản Mắc Đươi được gieo cấy ở các bản Luông, Mường Lựm và bản Nà Lắng, với hơn 20 ha, sản lượng gần 100 tấn thóc/năm. 

Gạo nếp Mắc Đươi hạt có hình bầu dục tròn, mẩy, màu trắng đục, dẻo, hương vị rất thơm ngon, khác hẳn với các loại nếp khác. Ngoài phục vụ bữa ăn hằng ngày, gạo nếp Mắc Đươi còn để làm các loại xôi, bánh dâng cúng tổ tiên, nhất là trong các dịp lễ, tết. Trong dịp lễ hội đầu xuân, loại nếp được bà con dân bản ví như “hạt ngọc quý” này kết hợp với các loại lá cây rừng sẵn có… tạo nên món xôi ngũ sắc đẹp mắt, thơm ngon mang đặc trưng riêng của núi rừng.

Gia đình anh Hà Văn Thao, bản Luông, có 4.000 m2 đất trồng nếp Mắc Đươi. Chia sẻ kinh nghiệm trồng giống lúa này, anh Thao nói: Lúa nếp Mắc Đươi mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ, bắt đầu gieo mạ vào đầu tháng 5, cấy vào tháng 6, 7, tuổi mạ thường kéo dài hơn một tháng so với những giống lúa khác, bởi nếu cấy khi mạ còn non lúa sẽ không chắc hạt, nhiều hạt lép. Lúa Mắc Đươi ưa phân chuồng và phân xanh, nên bón ít phân đạm để lúa tránh bị lốp hoặc đổ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Hiện nay, nếp đặc sản này được bán với giá 20 nghìn đồng/kg thóc và 40 nghìn đồng/kg gạo.

Anh Hoàng Minh Cường, bản Mường Lựm, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 1.000 m2 trồng giống lúa Mắc Đươi. Hiện nay, gia đình đang thu hoạch lúa, dự kiến đạt 8 tạ thóc. Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ nhân dân trong xã kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo tồn được nguồn gen quý hiếm của giống lúa đặc sản này.

Ông Hoàng Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Mường Lựm, cho biết: Gạo nếp Mắc Đươi là giống lúa bản địa, mang đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao. Xã đã vận động nhân dân quan tâm bảo vệ giống lúa đảm bảo độ thuần. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc; rà soát diện tích lúa để hình thành vùng trồng tập trung. Xã mong muốn được các cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình mẫu; tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá và nghiệm thu kết quả mô hình nhân rộng giống lúa, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trời chiều, Mường Lựm se lạnh, mây mù sà xuống làm cho không gian trở nên huyền ảo. Dưới nếp nhà sàn, phảng phất hương nếp thơm. Hy vọng, công tác bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Mắc Đươi sẽ được quan tâm, góp phần bảo vệ nguồn gen, nhân rộng và phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.

Dẻo thơm cốm Chiềng Khoang

Tháng 10 về, trên những cánh đồng ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, lúa bắt đầu ngả vàng. Bông lúa trĩu hạt, căng mẩy, uốn cong, dựa vào nhau đung đưa theo làn gió thu man mát. Đây cũng là thời điểm bà con bắt tay vào làm vụ cốm mới.

Cánh đồng lúa nếp tan xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai đầu vụ.

Những ngày này, đến đầu xã Chiềng Khoang đã thoang thoảng mùi cốm thơm dịu, lan tỏa. Không khó để bắt gặp hình ảnh những sạp hàng ven đường bày bán những gói cốm xanh non. Bản Hán, nơi có cánh đồng nếp tan lớn nhất xã Chiềng Khoang, đầu vụ lúa, hầu hết các gia đình đều làm cốm. Từ sáng sớm, bản đã đông vui, nhộn nhịp, bà con ra đồng, cắt những bông lúa đang còn xanh đem về giã cốm.

Nhanh tay đảo chảo cốm ngay trên sân nhà, chị Hà Lường Thị Hà, bản Hán, vui vẻ nói: Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa nếp tan được mùa, hạt căng mẩy nên làm cốm cũng chất lượng hơn hẳn. Mỗi năm, gia đình tôi làm được từ 3-4 tạ cốm bán cho những khách hàng trong huyện và cả người ngoài tỉnh.Gia đình đang tập trung nhân lực để làm cốm, mong kịp vụ để thu được nhiều hơn so với năm trước.

Cốm Chiềng Khoang được làm từ lúa nếp tan có độ dẻo, thơm và ngon. Cốm giữ được màu xanh tự nhiên, hạt cốm tròn đều, thơm đậm, mềm, dẻo, vị ngọt dịu, dễ ăn và hấp dẫn với bất cứ ai. Quy trình làm cốm được bà con nơi đây truyền lại cho nhau qua nhiều thế hệ theo cách truyền thống và thủ công. Bông lúa nếp non mới cắt về được vò, tuốt lấy hạt, đem rang trên lửa vừa để hạt cốm chín đều, chắc hạt, sau đó mang đi giã hoặc sát bằng máy rồi sàng sảy thật kỹ và đóng gói luôn để bán cho khách hàng. 

Làm cốm vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian, công sức. Có kinh nghiệm làm cốm nhiều năm, bà Lò Thị Mậu, bản Hán, chia sẻ: Cả nhà dậy từ 3 giờ sáng để ra đồng cắt lúa, đem về tuốt và rang ngay. Lúa gặt sáng sớm sẽ cho hạt cốm dẻo, thơm và đặc biệt là có độ ngọt đậm hơn. Người làm cốm phải chịu khó, vất vả nhưng bù lại, mùa cốm lại có thêm thu nhập cho gia đình.

Mùa cốm chỉ kéo dài trong tháng 10 dương lịch. Giống lúa để làm cốm được bà con để lại qua từng năm từ giống lúa nếp tan địa phương, cấy từ tháng 5, tháng 6. Tháng 10, lúa bắt đầu chuyển màu vàng chanh, hạt rõ độ chắc mẩy nhưng vẫn còn ngậm sữa là thời điểm tốt nhất để làm cốm. Nhà nào cũng tranh thủ chọn những đám lúa căng mẩy nhất để làm cốm như một thói quen được lưu giữ qua nhiều đời. Dần dần, cốm được nhiều người ưa chuộng, tìm mua, bà con làm với lượng nhiều hơn, trở thành một sản phẩm đặc sản của địa phương. Hiện nay, các hộ làm cốm chỉ tập trung ở bản Hán, tùy theo nhu cầu mà mỗi nhà có thể sản xuất từ vài chục kg đến đến 3-4 tạ cốm mỗi năm. Giá bán trung bình từ 70.000-100.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập thêm cho những gia đình làm cốm.

Cốm sau khi giã hoặc sát bỏ vỏ được sàng sảy kỹ lưỡng

Ông Quàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang, nói: Toàn xã có hơn 200 ha lúa nếp tan, được cấy vào vụ mùa. Với giống nếp tan này, bà con vừa có thể tranh thủ lúc lúa còn non để làm cốm, khi thu hoạch, gạo nếp tan cũng có giá trị cao, được khách hàng ở các địa phương khác yêu thích. Gạo nếp tan Chiềng Khoang đang được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Hạt cốm xanh thơm dẻo được tạo ra từ đôi bàn tay chịu thương, chịu khó của những người nông dân cần mẫn, là món quà quê dân dã, quen thuộc mỗi độ thu về của đồng bào Thái ở xã Chiềng Khoang. 

Nông dân Yên Châu thu hoạch lúa mùa

Những ngày này, nhiều diện tích lúa vụ mùa trên địa bàn huyện Yên Châu đã chín vàng, nông dân các xã Sặp Vạt, Viêng Lán, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng… phấn khởi ra đồng thu hoạch lúa.

Tại cánh đồng bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tranh thủ trời nắng ấm, bà con khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa. Từng tốp bà con thoăn thoắt gặt những bông lúa trĩu hạt,  tiếng cười nói râm ran khắp cánh đồng. Bà con ai cũng vui vì thành quả thu được sau những tháng ngày lao động vất vả.

Nông dân bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu khẩn trương thu hoạch lúa mùa

Các thành viên gia đình bà Quàng Thị Phóng, bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, đều ra đồng từ sáng sớm. Vừa nhanh tay gặt lúa, bà Phóng vừa nói:  Vụ mùa năm nay, gia đình gieo cấy 1.000 m², chủ yếu là giống lúa BC15 và lúa nếp PC6. Dự kiến thu về khoảng hơn 8 tạ thóc, giá bán 100 nghìn đồng/kg.

Thửa ruộng bên cạnh, toàn bộ 700 m² lúa mùa của gia đình anh Quàng Văn Phóm, bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, đã thu hoạch xong và đang tiến hành giải phóng đất, phục vụ sản xuất vụ đông. Gia đình anh lựa chọn giống ngô tẻ địa phương cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh để sản xuất vụ đông, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình.

Vụ mùa năm nay, xã Viêng Lán gieo cấy 54 ha lúa. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Viêng Lán, cho biết: Lúa tập trung chủ yếu ở các bản Nà Và, Mường Vạt, Huổi Hẹ, Huổi Qua, Kho Vàng. Năng suất lúa vụ mùa dự kiến đạt 55 - 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 300 tấn.

Ông Lại Hữu Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Toàn huyện gieo cấy hơn 1.150 ha, chủ yếu là các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân sản xuất đúng khung thời vụ, khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng chịu sâu bệnh và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân tập trung thu gom, ủ phân chuồng, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh bón cho lúa, hạn chế sử dụng thuốc hóa học vào canh tác; thường xuyên điều tra, kịp thời phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn nhân dân phòng trừ hiệu quả. Chỉ đạo các xã làm tốt công tác thủy lợi, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Bước vào vụ thu hoạch, cơ quan chuyên môn chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, đôn đốc nông dân huy động nhân lực, các loại phương tiện máy móc, tập trung ra đồng thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ mùa đã chín từ 85% trở lên để hạn chế thiệt hại do mưa úng.

Đến thời điểm này, toàn huyện Yên Châu thu hoạch khoảng 35% tổng diện tích lúa. Năng suất lúa vụ mùa dự ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 6.000 tấn. Bà con đang phấn đấu thu hoạch xong cuối tháng 10/2023 để giải phóng đất, bước vào sản xuất cây trồng vụ đông đảm bảo kịp khung thời vụ.

Trên gương mặt người nông dân đã hiện rõ niềm vui. Một khó khó khăn nhưng được mùa lúa.

Nguồn: baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top