Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Khác với các năm trước, thay vì đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2024, Chính phủ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau đó là “‘giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”.
6 trọng tâm, 12 nhiệm vụ
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Trong ảnh: Tuyển chọn xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An). Ảnh: Thanh Bình
Chính phủ cũng xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt “tín dụng đen”.
Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hoàn thuế theo đúng quy định; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2024, đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Một giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…
Chính phủ nêu rõ: Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới
Cụ thể, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Năm 2024, Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy phát triển liên kết vùng, Hội đồng vùng hoạt động có hiệu quả, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị...
Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2-4%
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Bộ đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4% (Nghị quyết giao ở mức 3,05 - 3,2%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD (các sản phẩm trồng trọt chính đạt 25,2 tỷ USD, thủy sản 9,5 tỷ USD, lâm nghiệp 15,2 tỷ USD, các mặt hàng khác trên 5 tỷ USD…); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 58%.
Ngành cũng phấn đấu số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là 11.500 sản phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Ngành định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Đồng thời, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Phát triển các vùng, mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tiếp tục thực nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC lần thứ 4; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất.
Chuyển mạnh sang chế biến sâu, chế biến tinh; thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác “Ngoại giao nông nghiệp” phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cân bằng dinh dưỡng và tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.
Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử.
Bộ cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển đổi số tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh…
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2024: Tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5% Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%. (Nguồn: Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024). |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.