Hiện, Sơn La có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với gần 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm. Năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê toàn tỉnh đạt trên 82,3 triệu USD. Những năm qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Nâng cao chất lượng, giá trị
Sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với gần 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm. Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 1 sản phẩm cà phê đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2021; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác cây cà phê; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ phục vụ sản xuất cà phê; đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ trồng lại, trồng tái canh cà phê. Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.700 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương. Sơn La đã công nhận 2 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao quy mô 876 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất 671,4 ha cà phê với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
Diện tích cà phê của Sơn La đạt gần 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm.
Bên cạnh sản xuất, tỉnh cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến cà phê. Đến hết năm 2022, có 7 cơ sở sơ chế cà phê nhân quy mô công nghiệp, công suất chế biến trung bình 100 - 200 tấn quả tươi/ngày, tổng sản lượng các cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đạt tỷ lệ khoảng 50% sản lượng cà phê tươi toàn tỉnh. Bên cạnh đó toàn tỉnh có 5 cơ sở chế biến sâu, sản lượng khoảng 150 tấn/năm. Hàng năm có khoảng 95% sản lượng cà phê sau chế biến bán ra thị trường là cà phê nhân, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Bắc Mỹ, các nước Trung Đông, ASEAN. Năm 2022 giá trị xuất khẩu cà phê toàn tỉnh đạt trên 82,3 triệu USD.
Cùng với phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Sơn La đã và đang có những định hướng, mục tiêu vả giải pháp chiến lược để nâng tầm thương hiệu, nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê. Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025 phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh trên 17.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 2,0-2,5 tấn cà phê nhân/ha; trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận; đến năm 2025 các cơ sở chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng chế biến cà phê và bảo vệ môi trường; chế biến sâu nâng cao giá trị sản xuất cà phê.
Quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La
Thông tin từ UBND tỉnh Sơn La cho biết, từ ngày 10/10 đến ngày 13/10/2023, tại TP. Sơn La sẽ diễn ra Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày thành lập tỉnh Sơn La (10/10/1895 - 10/10/2023); 15 năm thành lập thành phố Sơn La (26/10/1998 - 26/10/2023).
Năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của Sơn La đạt trên 82,3 triệu USD.
Thông qua chuỗi sự kiện nhằm quảng bá cà phê Sơn La, phát triển cà phê chất lượng cao góp phần nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hoá cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đây là cơ hội giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hoá cà phê, về con người các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Sơn La thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến Sơn La; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung cầu, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, hiện đã tổ chức thiết kế xong maket sân khấu; kịch bản chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc, bế mạc; khảo sát mặt bằng thi công gian hàng và xây dựng sơ đồ gian hàng; chuẩn bị triển khai các phương án về phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ việc truyền hình trực tiếp và livestream Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, livestream Hội thi Nhà nông đua tài và “Đêm Gala cà phê” cũng như ghi hình, đưa tin các hoạt động; xây dựng clip giới thiệu về Lễ hội Cà phê; xây dựng tin, bài, phóng sự giới thiệu, quảng bá tiềm năng cà phê của Sơn La…
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023, yêu cầu cơ quan tham mưu khẩu trương hoàn thiện, phân công nhiệm vụ của Ban Tổ chức và Quyết định thành lập các tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023. Rà soát kỹ nhiệm vụ của từng tiểu ban đảm bảo chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công lễ hội. Thông qua lễ hội giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Sơn La thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến Sơn La.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.