Trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém ngày càng trở nên cấp thiết thì vấn đề nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng được quan tâm.
Để có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, BHTGVN hiện đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
BHTGVN ngày càng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Ảnh: TBKT
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành sửa đổi Luật BHTG
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, BHTGVN luôn đồng hành với sự phát triển của hệ thống các TCTD. Nhờ có sự góp sức của tổ chức BHTG, ngành ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.
Trong những năm qua, hệ thống các TCTD tăng trưởng nhanh chóng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Với tư cách là cơ quan trực tiếp triển khai chính sách BHTG, BHTGVN có mối liên hệ mật thiết đối với hệ thống các TCTD, luôn đồng hành và theo sát từng bước phát triển, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức này. Gần đây, đi kèm với quá trình tái cơ cấu các TCTD, ngành Ngân hàng đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan. Theo đó, BHTGVN cũng được Chính phủ, NHNN tin tưởng, trao thêm nhiều chức năng nhiệm vụ để tham gia sâu hơn vào công tác tái cơ cấu cơ cấu lại TCTD yếu kém nói riêng và hệ thống các TCTD tại Việt Nam nói chung.
Ngày 15/7/2023, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật BHTG. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022.
Liên quan đến việc thực hiện Đề án nói trên, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/2/2022 của NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg có nêu rõ nội dung: “Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém”.
Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý đối với Luật BHTG, đặc biệt trong các quy định liên quan đến hoạt động tái cơ cấu đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu, nhận được sự chỉ đạo song hành, xuyên suốt của Chính phủ và NHNN.
Nâng cao vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu các TCTD
Trên thực tế, thời gian qua, BHTGVN đã triển khai chính sách BHTG một cách toàn diện thông qua các nghiệp vụ được giao tại Luật BHTG như: cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả… Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua vào năm 2017, BHTGVN tiếp tục được giao thêm chức năng, nhiệm vụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Theo báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023, BHTGVN đã phối hợp với Chi nhánh NHNN tại các địa phương tiến hành theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động, biến động tài sản, số dư tiền gửi và xác định số tiền dự kiến chi trả bảo hiểm của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vấn đề để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống có thể phát sinh.
Tính đến 30/6/2023, BHTGVN đã thực hiện thu phí BHTG đạt 52% chỉ tiêu cả năm, trong đó đã miễn nộp phí BHTG cho 34 tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt. Qua đó, tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt 95,76 nghìn tỷ đồng. Với nguồn Quỹ dự phòng nghiệp vụ này, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Bên cạnh đó, BHTGVN cũng đề xuất nhân sự tham gia công tác quản trị, điều hành QTDND đang được kiểm soát đặc biệt. Các hoạt động tham gia xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND, cho vay đặc biệt đối với QTDND được kiểm soát đặc biệt cũng được BHTGVN quan tâm triển khai.
Có thể thấy, Luật Các TCTD sửa đổi 2017 đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, giúp BHTGVN tham gia một cách mạnh mẽ hơn, sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.