Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với diện tích chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh. Để nâng cao giá trị, thương hiệu Đồng Tháp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng tầm vị thế xoài.
Thương thiệu xoài Đồng Tháp
Đồng Tháp là một trong những vựa xoài lớn nhất vùng ĐBSCL với tổng diện tích 14 ngàn ha, trong đó, xoài cát Hòa Lộc chiếm 19%, xoài cát chu chiếm 41,3%, xoài tượng da xanh chiếm 35,7, xoài khác chiếm 4%. Sản lượng hàng năm đạt 185 ngàn tấn. Không chỉ phát triển về diện tích, sản lượng, chất lượng xoài Đồng Tháp ngày càng được nâng cao thông qua việc chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn, hướng hữu cơ.
Diện tích trồng xoài của Đồng Tháp nhiều nhất khu vực ĐBSCL.
Nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm (năm 2019), từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống phân phối hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử..., xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Khi thực hiện mô hình "Cây xoài nhà tôi", nông dân trồng xoài phải chọn cây xoài đảm bảo các tiêu chí như cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cây to khỏe, gần đường lớn, người canh tác chuẩn, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cây xoài cao. Khách hàng mọi miền đất nước có thể đặt mua xoài của "Cây xoài nhà tôi" với giá từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm tùy theo chủng loại. Khách có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại… thông qua mạng internet. Khi xoài thu hoạch, chủ vườn sẽ gửi sản phẩm đến tận nhà cho khách. Qua mô hình này, khách hàng khắp nơi đã đặt mua xoài của tỉnh Đồng Tháp, góp phần giúp danh tiếng xoài Cao Lãnh vươn xa hơn.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ. Toàn tỉnh hiện có 296 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng với 8.228ha xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Đồng Tháp đề ra mục tiêu hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài của tỉnh hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh luôn chú trọng phát triển ngành hàng xoài thành mũi nhọn theo hướng chuyên canh quy mô lớn, theo tiêu chuẩn, đặt hàng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; lồng ghép với quảng bá du lịch…
Tại hội nghị Hội nghị Kết nối, tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng dù có nhiều lợi thế, song việc sản xuất và tiêu thụ xoài vẫn còn một số khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích canh tác xoài; chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ xoài.
Trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu dưới dạng tươi, chất lượng đồng đều còn ít, chưa qua sơ chế, chế biến, bảo quản nên khó cạnh tranh trên thị trường; hệ thống logistics chưa phát triển, các cơ sở, công ty còn bị động phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng dịch vụ này, giá thành thuê mướn vận chuyển khá cao.
Nâng cao giá trị xoài
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của trái xoài, người dân tỉnh Đồng Tháp đã khai thác thế mạnh của trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, kem xoài, gỏi xoài... trong đó có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao, tạo nên nét ẩm thực đa dạng, phong phú từ trái xoài.
Năm 2022, để góp phần quảng bá xoài Cao Lãnh, giá trị trái xoài mang lại cho cộng đồng, lễ hội xoài Cao Lãnh được UBND huyện.Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh phối hợp tổ chức quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động thú vị, như trưng bày, giới thiệu thương hiệu "Xoài Cao Lãnh", giới thiệu sản phẩm "Cây xoài nhà tôi" và các cây xoài giống, sản phẩm từ xoài; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP từ xoài và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh; thi các món ngon từ xoài; tham quan trải nghiệm các vườn xoài; tôn vinh nông dân - nghệ nhân ngành hàng xoài… Qua lễ hội, người dân địa phương và du khách thêm yêu thích trái xoài Đồng Tháp.
Du khách tham quan mô hình Vườn xoài nhà tôi.
Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp quyết định tổ chức lễ hội xoài Đồng Tháp đúng vào dịp lễ 30/4 khi mùa xoài đang vào thời điểm chính vụ và nâng tầm lễ hội lên quy mô cấp tỉnh. Lễ hội xoài Ðồng Tháp còn có nhiều hoạt động như: hội thi trái xoài ngon, thi tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài; tổ chức không gian triển lãm thực tế ảo "vương quốc xoài Ðồng Tháp"; không gian triển lãm chuỗi ngành hàng xoài; tổ chức kết nối giao thương sản phẩm xoài; hội thảo "Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài". Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, du lịch như: thi vẽ tranh thiếu nhi trên lá sen với chủ đề mùa xoài quê em; hội thi ảnh đẹp từ xoài; tổ chức tham quan các điểm vườn xoài; lễ hội đường phố và hội thi ẩm thực từ xoài...
Tại lễ hội, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, bà con trồng xoài cũng như trồng nhiều loại nông sản khác, không ít lần phải chịu cảnh lao đao do "trúng mùa, rớt giá", phụ thuộc vào quy luật cung cầu và những biến động của thị trường xuất khẩu. Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của bà con, đặc biệt là để phát huy giá trị của loại trái cây có hương vị thơm ngon độc đáo này, Đồng Tháp đã chọn xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Diện tích trồng xoài ở Đồng Tháp không ngừng mở rộng, hiện đã lên đến trên 14.000 ha, với sản lượng gần 140.000 tấn, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Newzealand và thị trường Châu Âu, ông Nghĩa nói.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, cả nước có hơn 115.000 ha xoài, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm nhiều nhất với 49.900 ha, sản lượng 610.000 tấn/năm. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài nhiều nhất ở khu vực này và đứng thứ 2 cả nước, sau Sơn La.
Xoài là một trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, kinh tế chuỗi ngành hàng xoài của tỉnh không ngừng phát triển về thương hiệu và chất lượng uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Người dân Đồng Tháp có trên 90% trồng xoài theo hình thức rải vụ quanh năm và có bao trái 100% để tránh sâu bệnh, hình thức trái xoài bóng đẹp, được khách hàng ưa thích và bán được giá hơn. Cách làm này còn giúp giảm chi phí từ 5-7 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng bón phân hóa học rất đáng kể, tính ra giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với trồng xoài theo truyền thống.
Anh Trần Văn Hiền, thành viên HĐQT Minh Tâm Hội quán (chuyên canh tác xoài tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, bên cạnh việc áp dụng nhuần nhuyễn trồng xoài theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP, các thành viên trong Hội quán quyết tâm nâng thêm bước cao hơn là trồng xoài hữu cơ theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Theo đó, tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ và thuốc phun xịt, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe, vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân 10-20%, giúp cây tăng trưởng tốt, vị xoài ngon phù hợp với thi hiếu người tiêu dùng… được xác định là bước đi lâu dài của người trồng xoài hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại lễ khai mạc.
Có mặt trong buổi Lễ hội xoài Đồng Tháp, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, lễ hội đánh dấu kết quả của chặng đường đã qua; đồng thời mở ra cơ hội mới, triển vọng mới. Mới ngày nào, Đồng Tháp háo hức chuẩn bị cho chuyến hàng xoài xuất khẩu đầu tiên. Đến hôm nay, quê hương đất sen hồng vui tươi đón mừng Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023 – "Nâng tầm Vị thế".
Từ trái chín trên mảnh vườn xanh mát bên dòng sông Tiền hiền hòa, đến sản phẩm được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng và trở thành thương phẩm hiện diện tại các quầy hàng siêu thị Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand…, trái xoài Đồng Tháp trải qua hành trình chuyển từ tư duy sản xuất qua tư duy kinh tế nông nghiệp, kiên trì tạo dựng, gìn giữ chất lượng, thương hiệu", ông Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.