Những năm qua, tăng trưởng ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang liên tục tăng trưởng cao, khá toàn diện. Dù vậy trong bối cảnh thị trường khó khăn, để vượt qua được thách thức, tiếp tục khẳng định vị trí, thì rất nhiều việc phải tháo gỡ.
Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, xung quanh vấn đề tháo gỡ nút thắt để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Ba năm liên tiếp duy trì tăng trưởng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt được những thành quả gì thưa ông?
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Bắc Giang luôn quan tâm đến vai trò của nông nghiệp. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 vừa qua, ngành Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực và hết sức quan trọng. Từ việc nhận định tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, tỉnh rất quan tâm đến xây dựng, phát triển nông nghiệp làm sao xứng tầm.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang.
Đại hội Đảng lần thứ XIX của tỉnh đề ra quyết tâm chính trị rất cao đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, 84,8% số xã đạt chuẩn NTM; 6/10, huyện, thành phố hoàn thành/về đích NTM. Trong nửa nhiệm kỳ, kết quả đạt được khá khả quan. Các huyện, thành phố đã về đích NTM. Các xã cơ bản đạt chuẩn NTM chiếm 84,86/84,88%…
Căn cứ vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh, ngành đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch làm sao thực hiện tốt các nghị quyết. Chính vì vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng cao. Cụ thể: năm 2020, tăng trưởng đạt 6,7%, năm 2021 đạt 4,28%, năm 2022 tăng 2%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,8%.
Ông nhận định như thế nào về khó khăn mà ngành Nông nghiệp tỉnh phải đối mặt trong thời gian tới và giải pháp ứng phó?
Tình hình suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu. Chiến sự Nga - Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sẽ có những tác động nhất định. Vấn đề về biến đổi khí hậu hiện hữu rất rõ, bất thường, khó lường...
Khó khăn lớn hiện nay là chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Hiện, Bắc Giang có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi, nhưng có tới 2/3 lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, còn lại là lao động nông nghiệp, nhưng ở độ tuổi cao. Đặc biệt, hiện nay lao động yêu cầu về trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện, sản phẩm bán thô rất khó, cần phải chế biến, cần phải có năng suất, cần phải ứng dụng khoa học công nghệ, cần phải chuyển đổi số.
Tuy nhiên, lợi thế của Bắc Giang là nằm ở vị trí rất cạnh tranh, rất thuận lợi, sức cạnh tranh của các nông sản nội địa đến các vùng trung tâm rất gần; có không gian sản xuất công nghiệp đa dạng và gần các khu công nghiệp, các thành phố, rất thuận lợi cho việc xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Cùng với đó, Bắc Giang chú trọng và thực hiện khá tốt xúc tiến thương mại. Tỉnh xây dựng chính sách để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Vừa rồi chúng tôi xây dựng 3 chính sách để hỗ trợ, có chính sách sửa đổi, có chính sách mới, có chính sách riêng của tỉnh.
Nhiều nút thắt được tháo gỡ
Theo ông, đâu những giải pháp để ngành Nông nghiệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại?
Trong bối cảnh khó khăn thì nhiều, cơ hội thì ít, đặt ra vấn đề cho tỉnh, đặc biệt ngành Nông nghiệp, phải có những giải pháp phù hợp.
Cái quan tâm đầu tiên là phải phát huy được lợi thế của tỉnh, đan xen với lợi thế của các địa phương. Phải dựa trên quy hoạch để nắm được mỗi địa phương có một bộ sản phẩm. Trong sản phẩm chung nhưng phải có sản phẩm riêng, để tạo ra sức mạnh cho nông nghiệp tỉnh. Ví dụ: chúng tôi đã quy hoạch cho các vùng sản xuất tập trung, số hóa trên hệ thống bản đồ, vùng cho cây lúa, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng rau, vùng chăn nuôi….
Tuy nhiên, mỗi địa phương lại dựa vào tiểu khí hậu của mình, tạo ra một sản phẩm riêng đặc trưng, từ đấy hình thành các sản phẩm. Ví dụ: huyện Tân Yên lợi thế về ổi, măng tre, trúc, vải thiều sớm; Yên Thế lại tập trung vào rừng và gà đồi; Lục Nam tập trung vào rừng, na trái vụ, đặc biệt tổ chức sản xuất cây vụ đông… Từ chuyển dịch cơ cấu, tạo ra vùng hàng hóa tập trung, không giẫm chân nhau để phát triển. Đấy là dựa trên quy hoạch, định hướng nhưng lại khuyến khích các địa phương phát triển.
Thứ hai về năng suất lao động, dựa trên hai vấn đề trụ cột là đẩy mạnh chuyển giao, khuyến khích ứng dụng khoa học và chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ tập trung vào cơ giới hóa đồng bộ, tự động hóa mà trước hết làm sao nâng cao năng suất lao động.
Bây giờ phương tiện có, điện thoại thông minh có, thông tin có, bản thân chúng ta phải vận động, khuyến khích phong trào tuổi trẻ khởi nghiệp, già cũng khởi nghiệp, phải thay đổi để làm sao tiếp cận được chứ không thể dừng. Từ đó, khuyến khích lao động nông nghiệp không kể tuổi tác cộng với chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực, từ giống, quy trình cho tới vấn đề áp dụng vào thực hiện.
Một vấn đề nữa là tính chuyên nghiệp để tổ chức sản xuất. Cái này rất quan trọng. Thứ nhất, phải thay đổi làm sao để tăng sức mạnh cho hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình, nâng cao chất lượng nhưng quy tụ được sản xuất hàng hóa. Bây giờ tổ chức sản xuất không phải nói nhiều, nhưng sâu xa của nó là giải quyết vấn đề nhỏ lẻ, chính là tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị.
Hiện, 70% chăn nuôi gà ở Bắc Giang là quy mô trang trại, 30% chăn nuôi hộ gia đình, tự túc. Trong khi không gian nông nghiệp ngày càng thu hẹp, năng suất nhiều sản phẩm đã đến đỉnh, vậy tại sao vẫn tăng trưởng? Vừa rồi chăn nuôi tăng trưởng là dựa vào nuôi gà. Tính chuyên nghiệp là duy trì quy mô, tổ chức sản xuất, hình thành liên kết chuỗi gắn với thị trường.
Hết năm 2022, Bắc Giang có 205 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong ảnh: ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh (người thứ 2 bên trái) thăm quan một số sản phẩm tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022”.
Tiếp theo là vấn đề về chế biến, về sản phẩm OCOP. Để phát triển nông nghiệp bền vững thì vấn đề chế biến nông sản là hết sức quan trọng. Bắc Giang đã phân cấp cho các địa phương, xây dựng phong trào làm sao phát triển mạnh nhưng phải chất lượng và thúc đẩy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm, phải chuyển hướng về thông tin, về bán hàng.
Về xây dựng NTM, tỉnh quyết tâm rất cao, sẽ có ít nhất có thêm 1 - 2 huyện về đích. Thế nhưng tập trung chính cho việc này là giải pháp làm sao phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường nông thôn, môi trường sống an lành.
Nhờ tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi mà đàn gà ở Bắc Giang duy trì được quy mô, tổ chức sản xuất, hình thành liên kết chuỗi gắn với thị trường.
Bây giờ không đi vào số lượng mà đi vào chất lượng, là các xã NTM nâng cao, các thôn nâng cao, thôn kiểu mẫu. Muốn làm được việc này phải quay về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, chuyển đổi nhận thức về sản xuất. Thứ nhất, phải tái cơ cấu lại sản xuất. Thứ hai, nâng cao năng suất nhưng không đánh đổi môi trường. Ở mỗi địa phương phải tạo ra một bộ sản phẩm không giẫm lên chân nhau, tạo ra sức mạnh của nền nông nghiệp ít rủi ro.
Vấn đề về xúc tiến thương mại, ở Bắc Giang, ngành Nông nghiệp không phải làm một mình mà có sự hậu thuẫn, phối hợp rất cao của các ngành, đặc biệt ngành Công Thương. Bắc Giang là hình mẫu trong chỉ đạo, tập trung phối hợp với các ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Giờ đây, phương pháp tiếp cận thị trường thay đổi, bán trên môi trường số rất phát triển, do vậy, việc tiếp cận thông tin là khác nhau, quảng bá phải khác nhau. Ngành Nông nghiệp cũng phải thay đổi cách tiếp cận, phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương để làm sao thay đổi cách tiếp cận.
Tiếp cận sang lĩnh vực du lịch, truyền thông cho du lịch, để làm sao người ta (du khách-PV) đến đây ăn, đến chơi, mua hoa quả đem lại lợi nhuận cho nhà vườn. Đem lại lợi nhuận cao vì người ta đến được mắt thấy, tai nghe, tay sờ và được hái quả vải, trong khi người dân thuê hái vải phải trả tiền, thì du khách hái vải ở đây phải trả tiền. Phải thay đổi chuyển hướng truyền thông, chú trọng nền tảng số.
Hành động của chính quyền quyết định sự thành bại
Trong nửa nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp Bắc Giang dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lạm phát thế giới tăng cao... nhưng tăng trưởng của ngành vẫn duy trì tốt. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Cái chính phải xác định được mình có thuận lợi gì, khó khăn gì. Như tôi nói ở trên, những thuận lợi, khó khăn đan xen, trong bối cảnh khó khăn mà xa các điểm tiêu thụ nội địa là một cửa chết.
Thứ hai là dự báo, dự báo về thời tiết, sâu bệnh, dự báo thị trường để chúng ta đánh giá, chúng ta có cách ứng xử. Chúng ta tuyên truyền cho người dân hình thành tư duy về kinh tế nông nghiệp, đặt mình vào từng “kịch bản”. Khuyến khích người dân tạo nên một chuỗi, trong bối cảnh nào cũng phải giữ khách hàng. Đấy là cái quan trọng.
Hành động kịp thời của chính quyền đã giúp nông sản tiêu thụ tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Trong ảnh: Vải thiều Lục Ngạn được chứng nhận bảo đảm an toàn không Covid-19, thuận lợi trong việc lưu thông, tiêu thụ.
Chính quyền, ngành chức năng phải có ứng xử phù hợp trong từng bối cảnh. Trong dịch Covid -19, chúng tôi ứng xử trên từng chuyến xe. Ví dụ: một xe hộp xốp chở vào vùng dịch, chở vào được nhưng hạ xuống thì không ra được, thế thì phải có can thiệp của chính quyền, chúng tôi bám theo từng xe, khi người ta thắt chỗ nào thì tháo gỡ chỗ đó. Trong tình huống khi mà có những cái bất thường, phải bám theo từng tình huống, sau đó phải phối hợp tháo gỡ. Từ tháo gỡ, xây dựng một cơ chế tạo thuận lợi nhất để giải quyết.
Trên thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng cơ chế đưa nông sản đi tiêu thụ, dịch như thế mà nông sản vẫn lưu thông, vẫn tiêu thụ được, thậm chí quả dứa còn bán với giá cao hơn thời điểm không có dịch.
Cuộc sống sẽ còn những vấn đề, về chiến tranh, về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, những vấn đề này không ngờ được, khi xảy ra phải bám sát, mấu chốt nhất để xử lý tình huống và trong cách xử lý tình huống sẽ tổng hợp lại để chỉ đạo, tháo gỡ chung. Vấn đề đấy là vận dụng cả lợi thế, tuyên truyền, nhận định cho những vấn đề xu hướng, cam kết cho phát triển chuỗi sản xuất.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.