Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã chủ động cụ thể hóa việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Nhiều kết quả tích cực
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Nghệ An triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Song, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đạt được kết quả quan trọng, khá tích cực trên một số ngành, lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra các mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Hưng Nguyên.
Theo Cục Thống kê Nghệ An, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 5,79%, cao hơn bình quân cả nước (4,14%). Trong đó, ngành Nông nghiệp Nghệ An vượt qua nhiều thách thức, nỗ lực phục hồi, tăng trưởng theo hướng xanh, ổn định và bền vững. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 22.729,664 tỷ đồng, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 3,77%; lâm nghiệp tăng 6,85% và thủy sản tăng 5,24%. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 6 tháng đầu năm ước đạt 800.918,39 tấn/ kế hoạch 1.421.800 tấn, đạt 64,5%; thủy hải sản ước đạt 143.726,6 tấn/ kế hoạch 255.000 tấn, đạt 56,36%, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 20.879 ha. Trồng mới rừng tập trung trên 10.810 ha, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,36%.
Tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Trên địa bàn Nghệ An đã hình thành một số vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy trình VietGAP, VietGAHP, có giá trị kinh tế cao như: Cam xã Đoài, bí xanh, cà chua, rau xanh, lợn thịt, gà chuyên trứng...
Song hành với chuyển dịch cơ cấu, ngành Nông nghiệp Nghệ An cũng tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi. Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện; đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 96,86%; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 17,15%), đạt 72,6% kế hoạch; 06 xã đạt NTM kiểu mẫu; Bình quân cả tỉnh đạt 16,98 tiêu chí/xã; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, đó là TP Vinh, thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương, huyện Diễn Châu. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng. Đến cuối năm 2022, tỉnh có 403 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 3 sao trở lên...
Kết quả đạt được là đòn bẩy quan trọng để nông nghiệp Nghệ An thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ lực, thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi ruộng đất và nâng cao các chuỗi giá trị sản xuất, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Xây dựng liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển đang là hướng đi trọng tâm của tỉnh Nghệ An và bước đầu đạt được kết quả đáng mừng. Tiêu biểu như: Liên kết sản xuất thức ăn xanh cho chăn nuôi bò sữa ở Thái Hoà, Nghĩa Đàn của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk; liên kết sản xuất mía nguyên liệu cho chế biến đường của 3 nhà máy đường; liên kết sản xuất nguyên liệu nhà máy chế biến tinh bột sắn; liên kết sản xuất sản xuất chè, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam Vinh…
Hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, ngành nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá cao, luôn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp (GRDP) cả năm 2022 toàn ngành ước đạt 20.380,33 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ước đạt 4,78%/kế hoạch 4,5-5,0%, cao nhất vùng Bắc Trung Bộ.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn.
Trên thực tế, Nghệ An có nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương và nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền khác nhau. Tỉnh không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Nhiều hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp đã trở nên khá phổ biến. Các công ty, doanh nghiệp lớn tiếp tục chọn Nghệ An để xây dựng và hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, vừa góp phần xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân.
Đến nay, Nghệ An đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè 8.646ha, cao su 9.368ha, mía 20.206ha, lạc 12.902ha, cam 4.735ha, dược liệu 1.460ha; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bao gồm: vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn ở Vinh, Cửa Lò (rau an toàn, trứng gà); vùng sản xuất nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm, xuất khẩu: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai (lạc, vừng, gạo); vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, TX Thái Hòa; và vùng thúc đẩy sản xuất nông sản đặc dụng: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (gừng, tỏi, cây ăn quả, chè, bò, lợn đen, gà đen).
Ngành chăn nuôi chuyển mạnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về giống, thức ăn, quản lý môi trường được chuyển giao vào sản xuất; sản lượng thịt các loại, sữa tươi tăng nhanh; hình thành một số mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị như: chuỗi giá trị sữa TH và Vinamilk; chăn nuôi lợn của Masan và CP; chăn nuôi lợn, gà của Công ty cổ phần Jafa; xây dựng được 10 xã vùng GAP, 34 HTX liên kết sản xuất trong chăn nuôi...
Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp không ít khó khăn, hiệu quả chưa cao. Trong số các HTX đang hoạt động trên địa bàn còn khá nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả, đa số HTX và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất…; số lượng chuỗi giá trị được hình thành còn ít, quy mô nhỏ. Tình trạng được mùa, mất giá vẫn là cái khó chung của ngành Nông nghiệp cả nước và của Nghệ An, đầu ra cho nông sản không ổn định. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn nhiều bất cập...
Vì vậy, thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong thời gian tới, Nghệ An tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hoá, nông nghiệp hữu cơ, củng cố phát triển các chuỗi liên kết hiện có và xây dựng mới các chuỗi liên kết đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương.
Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; các chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được triển khai, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Bên cạnh kết quả tích cực, ngành Nông nghiệp Nghệ An vẫn còn những hạn chế do tác động của các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh; giá nhiên liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao. Thêm vào đó, việc thực thi các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm,… dẫn đến sản lượng và quy mô còn hạn chế; chất lượng nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều, giá trị cạnh tranh thấp.
Giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp đạt bình quân 4 - 4,5 %/ năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 5 - 5,5%/năm. Phấn đấu trên 50% HTX hoạt động có hiệu quả, trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; phấn đấu đến năm 2025, có 82% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM, đạt chuẩn NTM (trong đó, có 1 huyện đạt huyện NTM kiểu mẫu)…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.
Một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới: - Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường theo hướng hiệu quả, bền vững. - Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách hướng đến ứng dụng công nghệ cao. - Phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp. - Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững. - Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. - Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. - Phát triển thị trường, bảo đảm đầu ra cho nông sản. |
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn quốc; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu, trước hết, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ để tạo chuyển biến rõ nét trong tăng trưởng chung của toàn ngành.
Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án mới, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Những kết quả khả quan sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là cơ sở, tiền đề để ngành Nông nghiệp Nghệ An vượt lên khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, vững bước trên chặng đường tiếp theo, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.