Ngày 5/7, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%...
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều, rau quả và trái cây là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo (tăng 22,2% khối lượng, tăng 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị xuất khẩu); riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu vẫn đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây kim ngạch lần đầu tiên tăng kỷ lục tới 64,2% so với cùng kỳ, giá trị đạt khoảng 2,75 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 6 tháng đầu năm đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%. Đặc biệt diện tích gieo cấy lúa mặc dù giảm khoảng 1% thế nhưng sản lượng lúa gạo vẫn tăng là do năng suất lúa tăng bình quân 1,7 tạ/ha. Việc lúa gạo tăng sản lượng đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước đồng thời phục vụ tốt cho xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để một số sản phẩm xuất khẩu đạt kết quả cao trong 6 tháng đầu năm, nguyên nhân là do chỉ đạo, tổ chức sản xuất bám sát theo lịch thời vụ, gắn mới mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh đến khả năng điều chỉnh các vụ sản xuất lúa trong thời gian tới để vừa đảm bảo được năng suất vừa đối phó được với xâm nhập mặn, nhất là vào giai đoạn cuối năm.
Liên quan vấn đề thị trường xuất khẩu, mặc dù rau quả và gạo có nhiều khởi sắc nhưng các ngành chủ lực là gỗ và thủy sản đang bị chững lại, đặc biệt là tôm. Do đó, Bộ đã kết nối với các tham tán của Việt Nam tại Hoa Kỳ, châu Âu để liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu, mở cửa thị trường cho con tôm. Mở rộng quy mô xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản…
Toàn cảnh hội nghị
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 nhưng cũng là cột mốc non nửa nhiệm kỳ 5 năm, có ý nghĩa thúc đẩy hoàn thành kế hoạch 5 năm, tiếp tục thực hiện tốt nhất các nghị quyết, chiến lược đã ban hành.
“Các nghị quyết và Chiến lược thể hiện đã rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành; với cách tiếp cận “Chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền”; đưa ra các quan điểm mới, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu lớn nhất là thu nhập, đời sống của người nông dân”, Bộ trưởng nói.
Tập trung giải pháp cho 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, các phát biểu thảo luận phải đi sâu vào giải pháp: “Hôm nay chúng ta không nói về kết quả hay khó khăn nữa vì khó khăn là điều luôn đồng hành với chúng ta, trong công việc và trong cuộc sống”.
Cũng theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, để thực hiện được các mục tiêu từ nay đến cuối năm, toàn ngành cần tiếp cận theo hướng tìm giải pháp chứ không biện minh, nói “khó nhưng có thể” chứ không nói “có thể nhưng khó”.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng đã đưa ra một số gợi ý đối với các cơ quan chuyên môn để thảo luận. Ví dụ như các giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và có tính lan tỏa. Cụ thể, với lĩnh vực trồng trọt là yêu cầu xác định giải pháp xây dựng thương hiệu một số nông sản chính, có tính cạnh tranh cao, còn chăn nuôi là giải pháp để làm chủ công nghệ giống, thức ăn, chế biến… đối với các ngành hàng quan trọng như lợn, gia cầm, bò sữa…
Trong khi đó, lâm nghiệp nhận được sự gợi ý về tư duy tích hợp đa giá trị nhìn từ hệ sinh thái rừng, đề xuất giải pháp trong thời gian tới, với thủy sản là phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm
Về phát triển thị trường, Bộ trưởng cho rằng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần tập trung vào một số giải pháp chiến lược như với thị trường trong nước cần các giải pháp logistic gắn với đổi mới hệ thống phân phối nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích về câu chuyện tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
"Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia. Các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là chiếc cầu để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Với xuất khẩu, cần giải pháp ổn định thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Trong đó tập trung vào chiến lược mở rộng, đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản đa giá trị.
Về khuyến nông, Bộ trưởng cho rằng, phát triển hệ thống khuyến nông đến cấp xã, khuyến nông cộng đồng, khuyến nông điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.
Về sản xuất, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát tình hình thời tiết để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động công tác ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu mặt hàng thịt lợn, tránh đột biến về giá cả.
Lĩnh vực thủy sản phải thực hiện Kế hoạch hành động nói không với IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC. Còn lâm nghiệp cần đề xuất các giải pháp đáp ứng, bảo đảm các yêu cầu mới về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, gắn với việc tuân thủ cam kết chống phá rừng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiện toàn bộ máy các đơn vị thuộc Bộ đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.