Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 7 năm 2023 | 18:11

Ngành Nông nghiệp tự tin tiến gần đến đích với nhiều bứt phá

Trước bối cảnh chung của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Tiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng ổn định.

Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD. Mục tiêu này là khả quan, toàn ngành đang rất nỗ lực và tự tin để “về đích” đúng hẹn. Tuy nhiên, để đạt được, cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay (ngày 3/7), tại Hà Nội.

Bệ đỡ vững chắc và nhiều điểm sáng

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, triển khai kế hoạch năm 2023, ngành nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó, thời tiết thuận lợi nên có điều kiện phát triển trồng trọt; dịch bệnh được kiềm chế ở cây trồng và vật nuôi. Về khó khăn, được xác định từ cuối năm 2022 về cả thị trường trong nước và xuất khẩu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập của bà con nông dân.

“Trước bối cảnh trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà con nông dân, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt được kết quả tương đối cao trên các lĩnh vực.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận, ngành nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,5 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.

Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỉ USD, cao su 1 tỉ USD, gạo 2,3 tỉ USD, rau quả 2,7 tỉ USD, hạt điều 1,6 tỉ USD, tôm 1,5 tỉ USD, sản phẩm gỗ 4 tỉ USD.

Gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất. Xuất khẩu gạo tăng mạnh 22% khối lượng và 34% giá trị xuất khẩu, còn rau quả tăng tới 64%.

Xuất khẩu rau quả bứt phá hướng đến 10 tỷ

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỉ USD, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT)- cho biết rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới.

Mốc xuất khẩu rau quả đạt 10 tỉ USD trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Cường, ngành trồng trọt đang có xu hướng giảm diện tích để "nhường" cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, điều này có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả. Tuy nhiên mốc 10 tỉ USD trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.

Với giá trị xuất khẩu 2,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao như hiện nay. Nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỉ USD.

"Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được" - ông Tiến nói.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2023 là nhờ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc, đạt 1,2 tỉ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm 2022, tỉ trọng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc chiếm 63,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Trung Quốc tăng mua, trong khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây là yếu tố chính khiến xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam bứt phá trong 5 tháng đầu năm 2023.

Với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc theo hướng Thực hành sản xuất tốt (GAP).

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Malaysia…

Phải xây dựng ngành thủy sản bền vững

Tại cuộc họp, thông tin về kết quả của đợt kiểm tra trực tiếp tình hình IUU tại các địa phương, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: “Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến thời điểm hiện tại cơ bản đã đạt 100%, có những tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu và truy suất nguồn gốc”.

Tuy nhiên, về tập thể, đại diện Cục Kiểm ngư chia sẻ hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, vẫn còn xảy ra trường hợp tàu cá của ngư dân địa phương bị bắt giữ trên vùng biển nước ngoài; tình trạng vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp so với yêu cầu.

"Chúng ta phải xây dựng ngành thủy sản bền vững, lâu dài, cho cả con cháu chúng ta sau này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

“Ngoài ra, dù việc lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng mất kết nối, cố tình trốn tránh sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến nhưng chưa xác minh và xử lý triệt để vấn đề này", ông Cường nói.

Đồng thời, ông Cường cũng nhấn mạnh hiện trạng chưa xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá neo đậu tại các cảng cá tư nhân, cảng cóc. Dẫn đến tình trạng thống kê và giám sát sản lượng qua cảng ở các địa phương còn chưa đạt như yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau hơn 5 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, kết quả chống khai thác IUU đã chuyển biến đáng kể; tuy nhiên còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trên thực tế tại địa phương.

Thứ trưởng cho hay, đến nay, tổng số tàu cá toàn quốc là 86.820 chiếc (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

"Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã đặt sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề IUU, không chỉ với Châu Âu mà hiện nay Việt Nam đã phải giải trình với Mỹ và Nhật Bản về vấn đề này. Trong tương lai, đây là xu hướng, “không chỉ IUU trên biển mà còn IUU trên rừng", Thứ trưởng chia sẻ.

Trước những tồn tại trên, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, thời gian tới các đơn vị liên quan cần tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định, các khu vực tập trung nhiều tàu cá và tại các đảo, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang... nơi tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đủ điều kiện lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

“Chúng ta phải xây dựng ngành thủy sản bền vững, lâu dài, cho cả con cháu chúng ta sau này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới

Ông Nguyễn Văn Việt, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn sẽ còn rất nhiều trong khi mục tiêu tương đối cao. Trong đó, tốc độ GDP toàn ngành phấn đấu đạt từ 3-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, nâng cao chất lượng rừng,…

Trước bối cảnh chung của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Tiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đã quay trở lại dẫn đầu khi chiếm 21,4% (tăng 7,7%), Mỹ đứng thứ hai, chiếm 20,2% (giảm 32,9%) và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu khi chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đánh giá, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản cần tận dụng tốt các FTA.

Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng; các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu; các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, có tăng trưởng khả quan như ASEAN...

Xác định những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều từ suy giảm thị trường, tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào và thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định nhiều giải pháp trọng tâm.

Từ cơ cấu thị trường, cơ cấu ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách hợp lý và linh hoạt. Còn riêng sản xuất nông nghiệp vẫn giữ một vai trò bệ đỡ. “Đã không phát triển sản xuất, không tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì đừng nghĩ đến việc xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top