Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2022 | 16:53

Ngành chăn nuôi tăng trưởng trong thời kỳ bão giá

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng hơn 6% so với năm 2021. Trước bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng liên tục, giá bán vật nuôi biến động, nhiều loại dịch bệnh xảy ra, thì những kết quả này thể hiện sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong thời kỳ bão giá.

Tuy vậy, ngành chăn nuôi vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi bước sang năm 2023.

Trong năm 2022, giá thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi đã tăng hơn 30% so với năm 2020, hàng triệu hộ nông dân chăn nuôi đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá thức ăn tăng nhưng giá nhiều loại sản phẩm lại giảm. Cụ thể giá thịt lợn hơi hiện nay khoảng 50.000 -54.000 đồng/kg, giá trâu bò giảm hơn 30% xuống còn 70.000 đồng/kg hơi, giá gà công nghiệp có thời điểm giảm xuống 26.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch hội chăn nuôi Việt Nam, trước những khó khăn như vậy ngành chăn nuôi vẫn có mức tăng trưởng 6% thể hiện được hoạt động sản xuất chăn nuôi của nước ta đang có sự phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Ngành chăn nuôi tăng trưởng trong thời kỳ bão giá.

“Năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi nước ta ở mức độ lớn. Khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu trong nước là hoàn toàn đáp ứng được. Điểm tích cực thể hiện là sức sản xuất của chúng ta đang phát triển tốt” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Đến nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9%; sản lượng thịt hơi khoảng trên 7 triệu tấn, tăng 4,8%… Những con số này cho thấy rõ quy mô sản xuất của ngành chăn nuôi nước ta là rất lớn. Tuy vậy, người chăn nuôi đang thực sự gặp khó trong năm qua.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, người nông dân đã phải bán vật nuôi tại nhiều thời điểm thấp hơn giá thị trường, chịu lỗ do chi phí đầu vào đang quá cao. Đây là thực trạng của ngành chăn nuôi trong năm qua và cần có giải pháp để khắc phục trong năm 2023.

“Nếu tăng trưởng 6% theo số lượng thì chúng ta thấy là giá vật tư đầu vào trong chăn nuôi tăng mà giá bán thấp. Do vậy nó không đem lại giá trị, quan điểm của tôi tăng trưởng 6% của ngành chăn nuôi dù là vui nhưng chưa thật thiết thực lắm đối với giá trị thu nhập khu vực chăn nuôi hộ” - ông Hoàng Trọng Thủy nói.

Vậy đâu là giải pháp để ngành chăn nuôi vượt khó. Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Giải pháp thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, mở rộng quy mô liên kết sản xuất, chủ động được nguồn nguyên liệu, phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp sẽ giúp ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ngành cần có thêm các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Số liệu thống kê từ Vụ kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đã có 3,72 tỷ USD đang và sẽ đầu tư vào ngành chăn nuôi. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển trong năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn cho ngành chăn nuôi khi giá đầu vào và đầu ra có nhiều biến động do tác động từ thị trường thế giới. Vì vậy ngành cần có những giải pháp đột phá trong xúc tiến thương mại, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Một trong những yếu tố quan trọng để khắc phục khó khăn là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần, thị trường ở các nước. Chúng ta tin tưởng là những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu trong thời gian tới có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường đó chính là động lực và giải pháp quan trọng để lôi kéo tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2022, sản phẩm tổ yến đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sản phẩm gà chế biến được xuất khẩu sang Nhật, đã đánh dấu sự hội nhập của ngành chăn nuôi với thị trường thế giới. Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi cần giảm chăn nuôi nông hộ, gia tăng chăn nuôi quy mô trang trại, doanh nghiệp gắn với liên kết. Các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngành chủ động nguồn nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho người chăn nuôi bán được sản phẩm với mức giá phù hợp.

Theo vov.vn

 

Ý kiến bạn đọc
Top