Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2023 | 12:28

Ngành tôm loay hoay “chinh phục” 10 tỉ USD, tại sao?

Nhiều năm qua, giá trị xuất khẩu tôm cứ “loay hoay” ở mức 3 - 4 tỉ USD, trong khi mục tiêu hướng đến 10 tỉ USD vào năm 2025. Nếu tổ chức lại sản xuất của ngành tôm một cách bài bản và đồng bộ, tận dụng diện tích xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu để mở rộng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đáp ứng cho việc sản xuất tôm công nghệ cao thì “chinh phục” 10 tỉ USD sẽ dễ dàng hơn, còn không, đó là con số trong mơ.

Chưa đầu tư bài bản

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam miền Trung, cho biết: Trong 26 năm gắn bó với ngành tôm, tôi trăn trở về câu chuyện sản xuất và xuất khẩu tôm. Đơn vị nào làm ra sản phẩm cũng nói sản phẩm của mình tốt, vậy tại sao ngành vẫn rối ren, 10 năm rồi cứ hoay hoay trong con số xuất khẩu 3 - 4 tỉ USD!

Nếu tính trượt giá trong 10 năm thì những người làm trong ngành tôm không hiệu quả và đang ôm nợ, sống bằng tiền ngân hàng chứ không phải tiền từ giá trị làm ra hay giá trị gia tăng.

“Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025, tôi chính là tác giả, xuất phát từ việc tôi là Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận. Tôi thấy rằng dư địa của ngành tôm quá lớn với Việt Nam bởi ta có bờ biển dài, có diện tích xâm nhập mặn lớn, có nguồn lực lao động dồi dào.

Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 4,3 tỷ USD.

Trong khi đó, ngành tôm thế giới tăng trưởng cơ học 7 - 10%/năm và tiêu thụ ổn định... Nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất  ngành tôm một cách bài bản và đồng bộ, tận dụng diện tích xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu để mở rộng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đáp ứng cho việc sản xuất tôm công nghệ cao thì chinh phục con số 10 tỉ USD sẽ dễ dàng”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Anh, lúa gạo xuất khẩu khoảng 3 - 4 tỉ USD/năm, nhưng được đầu tư kênh mương thủy lợi, quy hoạch bài bản. Trong khi đó, ngành tôm cũng xuất khẩu 3 - 4 tỉ USD nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách xứng tầm.

“Nói thẳng là chúng ta chưa đầu tư cho ngành này một cách bài bản. Cần đầu tư cái gì? Thứ nhất, đầu tư có trọng điểm. Thứ hai, đầu tư quy hoạch. Thứ ba, hạ tầng và cuối cùng là phải đầu tư cơ chế. Còn về khoa học công nghệ, chủ thể tham gia vào đó họ tự tìm, có thể mua trong 24 giờ”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Tăng sức cạnh tranh

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng đang được Chính phủ quan tâm, diện tích nuôi nhiều; lợi thế từ các hiệp định FTA. Đặc biệt là lợi thế tôm sinh thái, năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam cũng được doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá cao.

Tuy nhiên, ngành tôm đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Qua số liệu thống kê cho thấy, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 đến nay, dự báo còn giảm tiếp khi sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 có thể đạt 6 - 7 triệu tấn.

Do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với xung đột Nga-Ukraine làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tại các doanh nghiệp nhập khẩu còn rất lớn.

Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, đến thời điểm này, có rất ít doanh nghiệp có được đơn hàng mới.

Theo Vasep, xuất khẩu tôm trong tháng 3/2023 đạt 265 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế ba tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm 2 con số trong tháng 3. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm quanh mức 20%, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm khoảng 40%.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt 451 triệu USD (chiếm 75,2%), giảm 38% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 83 triệu USD, giảm 34%, trong khi xuất khẩu tôm loại khác đạt 65 triệu USD, giảm 34%.

Năm 2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000ha với sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,3 tỷ USD.

Điều khá nghịch lý là, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm nhưng giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, “dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến rất khó khăn”, Tổng thư ký VASEP cho hay.

Để tăng sức cạnh tranh cho con tôm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cả tôm sinh thái. Cùng với thực thi Luật Thủy sản trong nuôi tôm, sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề án liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Vasep, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu, từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi... Do vậy, doanh nghiệp cần tối ưu chi phí, tập trung nâng chất, nâng giá trị con tôm, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường, chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.

Cần mạnh dạn thay đổi

Theo ông Hoàng Anh, nhiều nước xác định sản phẩm có trọng điểm để đầu tư, còn Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm và cái nào cũng trọng điểm. Chỉ khi xác định trọng điểm thì mới đầu tư đồng bộ cho sản phẩm đó.

“Ví dụ đặt mục tiêu mỗi năm kiếm được 10 tỉ USD chẳng hạn, thì tính được ngay sản lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn thế nào, rồi phải đầu tư. Còn không thì vẫn cứ mơ đi, tôi đi rất nhiều, tôi thấy rất tủi thân, chúng ta sẽ không làm được, chỉ nhìn và thèm thôi nếu không mạnh dạn thay đổi”, ông Hoàng Anh nêu ý kiến.

Ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch  VASEP, cũng cho hay, từ thực tế nuôi tôm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm hướng đến 5 tỉ USD, nhưng tôi không hiểu sao tại một hội nghị lớn ở miền Tây, lãnh đạo cao cấp đưa ra mục tiêu 10 tỉ USD. Con số này không đạt tới được, vì không có căn cứ thực tế, cũng như căn cứ khoa học.

Thực tế nhiều người, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm ít thành công, thất bát vì hai nguyên do. Con giống và kiểm soát môi trường chưa tốt. Nước càng ngày càng ô nhiễm.

Giải pháp là thủy lợi nuôi tôm phải cải thiện nhưng không có tiền; con giống mới tốt hơn cũng không có kinh phí... Khoa học nghiên cứu con giống không đột phá. Đó là chưa kể việc quản lý điều hành theo nhiệm kỳ và kinh phí có hạn.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top