Ngày 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng, đề xuất phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm 2023, toàn tỉnh có 688 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 126 hợp tác xã so với năm 2019; trong đó, 420 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (tăng 146 hợp tác xã so với năm 2019), chiếm 61,3% số hợp tác xã toàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 215 hợp tác xã có các dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên (tăng 19 hợp tác xã so với năm 2019); đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; có trên 45 hợp tác xã nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản.
Một trong những sản phẩm của HTX Sen Quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn). Ảnh: Lưu Khuyên
Để tiếp tục đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2030, Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp đề xuất 9 nhóm giải pháp. Cụ thể, giải pháp về thông tin tuyên truyền; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cơ chế chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng, logistics; tổ chức sản xuất; sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và nguồn lực thực hiện; giải pháp về nâng cao, phát huy vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, để hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao hơn nữa, thì yếu tố quan trọng hàng đầu là con người, nguồn lực về tài chính, đất đai, cơ chế chính sách... Thời gian tới, các hợp tác xã cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc để góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.