Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023 | 10:13

Nghệ An hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững

Sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác hàng năm hàng triệu m3… là những lợi thế để Nghệ An phát triển kinh tế rừng một cách bền vững. Người dân nơi đây cũng đã thoát nghèo nhờ rừng.

Chuyển biến từ trồng rừng thâm canh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, những năm gần đây tốc độ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh. Bình quân mỗi năm, tỉnh trồng được khoảng từ 18.000 – 19.000 ha rừng tập trung, trên 4 triệu cây phân tán.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nghề rừng đã có bước chuyển biến về tổ chức, cơ cấu sản xuất và nhận thức; nhiệm vụ xã hội hóa nghề rừng có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động trồng rừng có chiều sâu, khắc phục được tình trạng sản xuất quảng canh, năng suất, hiệu quả rừng trồng thấp. Hộ gia đình, cá nhân đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, trực tiếp tham gia sản xuất lâm nghiệp, trong đó có trồng, chăm sóc rừng.

Những năm qua, người dân huyện Con Cuông đã có chuyển biến tích cực trong kỹ thuật canh tác rừng sản xuất, chuyển dần từ trồng rừng quảng canh phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên sang đầu tư thâm canh. Các công đoạn chọn lọc, gieo ươm giống được chuẩn bị kỹ. Sau khi trồng chú trọng khâu chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, nhờ đó rừng phát triển nhanh, sinh khối lớn.

Nhờ phát triển kinh tế rừng mà đồng bào ở huyện Con Cuông đã thoát nghèo

Thời gian dài trước đây, gia đình ông Vi Văn Minh ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông) trồng rừng theo kiểu trồng “chay”, chỉ đào hố trồng cây xuống đất rồi chờ thu hoạch, không bón phân, ít chăm sóc, tỷ lệ cây sống thấp, sinh trưởng không đồng đều, chu kỳ khai thác kéo dài và năng suất rừng không cao. Nay nhờ đi học hỏi một số mô hình, ông Vi Văn Minh đã đúc rút được kinh nghiệm rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất trong trồng rừng đạt hiệu quả là giống tốt và chăm sóc đúng quy trình, trồng đúng mật độ, đến định kỳ làm cỏ, bón phân cho cây.

Đầu tư trồng rừng thâm canh, chi phí trong 5 năm khoảng 10 - 12 triệu đồng/ha, nhưng lợi nhuận cao, 1ha rừng cho giá trị từ 80-90 triệu đồng, trong khi rừng quảng canh chỉ đạt 25-30 triệu đồng/ha.

Địa bàn xã Bình Chuẩn có trên 300ha rừng keo nguyên liệu, lâu nay có khá nhiều hộ dân còn trồng rừng quảng canh, chưa chăm sóc như bón phân... thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động cho người dân trồng rừng đi đôi với công tác chăm sóc, bảo vệ, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là phương pháp thâm canh trong sản xuất rừng, mỗi năm địa phương phấn đấu trồng mới từ 60 - 70ha rừng trồng.

Chăm sóc rừng keo gỗ lớn bắt đầu được thực hiện ở Con Cuông.

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông, cho biết: Năm 2023, tỉnh giao huyện cho Con Cuông trồng 1.600ha rừng, đến nay huyện đã trồng được trên 80% diện tích, kết thúc trồng rừng vụ thu dự tính huyện sẽ trồng được trên 2.100ha (vượt 500ha so với chỉ tiêu).

Để hoàn thành được mục tiêu đó, huyện Con Cuông xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng xã; rà soát các vườn ươm trên địa bàn chuẩn bị nguồn cây giống chất lượng cung ứng cho người trồng rừng, tuyên truyền vận động người dân phải bón phân cho cây keo ngay từ thời điểm đào hố trồng để nâng cao năng suất. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rừng nên nhiều cánh rừng đạt năng suất cao từ 80-100 tấn keo/ha/chu kỳ, trong khi trồng quảng canh chỉ đạt 25-30 tấn keo/ha/chu kỳ.

Còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Thấy rõ hiệu quả từ trồng rừng thâm canh, những năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Nghệ An đã tuyên truyền, vận động người dân theo phương pháp này. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trong năm 2023, kế hoạch trồng rừng 18.500ha, đến thời điểm này toàn tỉnh đã trồng đạt trên 90%, dự kiến hết vụ trồng rừng sẽ trồng được 20.000ha, (vượt 1.500ha). Toàn tỉnh đã tạo được hơn 35 triệu cây giống keo các loại.

Để đảm bảo tiến độ trồng rừng năm 2023, UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, các chủ rừng, đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký diện tích để thiết kế và tiến hành xử lý thực bì; khuyến khích các địa phương mở rộng phát triển rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững). Công tác chuẩn bị cây giống cũng được chú trọng, trong đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị khoảng 35 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nghề rừng đã có bước chuyển biến, khắc phục được tình trạng sản xuất quảng canh, năng suất, hiệu quả rừng trồng thấp. Hiện nay có khoảng trên 80% diện tích rừng bà con đều áp dụng các biện pháp thâm canh, các biện pháp kỹ thuật được tiến hành đồng bộ, từ phát, đốt, dọn thực bì tiêu diệt mầm bệnh; chú trọng sử dụng giống cây chất lượng, mật độ trồng thích hợp.

Một số nơi nông dân còn đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất lâm nghiệp như cày đất, đào hố, vận chuyển cây giống, phân bón, nhiều hộ còn lắp máy bơm tưới nước cho cây mới trồng, nhờ đó, cây sinh trưởng và phát triển nhanh.

Tuy nhiên, công tác trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn những hạn chế, như có khá nhiều người dân không biết mình trồng dòng keo nào, có phù hợp không. Điều này rất rủi ro vì rừng trồng có chu kỳ dài, đến thời gian khai thác mới biết giống tốt hay không. Một số hộ dân còn trồng rừng quảng canh, không bón phân, vì vậy sản lượng thấp và đặc biệt là rất khó tạo ra tỷ lệ gỗ lớn cao. Chưa kể là người dân có thói quen trồng rừng dày đặc, từ 2.500 – 3.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 5.000 cây/ha, gây nên tình trạng gỗ nhỏ, chất lượng gỗ chưa cao, giá trị kinh tế thấp và đặc biệt là nhanh làm thoái hóa đất, dễ sâu bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn ươm cây giống ở huyện Tân Kỳ.

Trong khi đó, hiện nay việc quản lý đất lâm nghiệp còn có những tồn tại, như một số diện tích còn chồng chéo giữa quyết định giao đất và thực tế sử dụng đất; có những trường hợp hộ gia đình, cá nhân không xác định được vị trí, phạm vi đất lâm nghiệp đã được giao. Nhiều trường hợp không chú trọng đầu tư chăm sóc phát triển rừng để nâng cao hiệu quả sản xuất…

Về nguồn gốc đất, trên diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thực tế người dân đã canh tác, sản xuất và sinh sống trên đó từ lâu. Có nhiều hộ dân đã canh tác qua nhiều thế hệ, nhiều hộ đã có tách thửa, chia đất cho con cái, nên việc xác định nguồn gốc đất, đối chiếu số liệu cần nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thiếu cán bộ thực hiện công tác trích đo. Đối với cấp xã, chỉ có 1 cán bộ địa chính – xây dựng phải kiêm rất nhiều “mảng”, công việc thường xuyên quá tải nên không thể đảm đương được khối lượng lớn nội dung liên quan đến trích đo, hoàn tất hồ sơ đất đai, nhất là xác định nguồn gốc, ranh giới đất nông, lâm trường. Vì thế, chính quyền các xã mong muốn cấp trên tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác cấp quyền sử dụng đất nói chung, đất liên quan đến nông, lâm trường nói riêng.

 Hướng đến phát triển kinh tế rừng bền vững

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được lợi ích to lớn trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là trồng rừng thâm canh, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và quản lý rừng bền vững gắn với công nghiệp chế biến lâm sản; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Người dân Nghệ An đã khấm khá nhờ phát triển kinh tế rừng

Đẩy mạnh công tác giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả vùng phát triển nguyên liệu của các dự án trồng rừng hiện có, định hướng phát triển bền vững vùng trồng rừng thâm canh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật. Kiên quyết chấm dứt các dự án có vùng nguyên liệu hoạt động không hiệu quả, các dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất lâm nghiệp, cản trở các nhà đầu tư có tiềm năng khác vào đầu tư phát triển trồng rừng nguyên liệu thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Để trồng rừng nguyên liệu đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng hiện nay Nghệ An chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư thâm canh rừng là giải pháp tối ưu. Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn gắn với thực hiện quản lý rừng bền vững và cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu từ chọn, tạo giống, kiểm soát, bảo đảm chất lượng giống cho trồng rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ hỗ trợ kinh phí 6-7 tỷ đồng cho các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng các mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ươm hàng chục vạn cây Quế Quỳ để cho người dân trồng.

Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản; nghiên cứu các mô hình trồng rừng thâm canh kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng phục vụ cho lĩnh vực trồng rừng và chế biến lâm sản. Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách gắn với mục tiêu phát triển rừng trồng thâm canh chất lượng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp. Khuyến khích người trồng rừng thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để giảm bớt rủi ro.

Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp chế biến lâm sản. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực chế biến lâm sản.

Ngoài ra, Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc để sớm đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu giống keo nuôi cấy mô chất lượng cao phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top