Nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân vùng cao xứ Nghệ. Đây là mô hình mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương miền tây Nghệ An...
Hiệu quả từ những mô hình thực tiễn
Với lợi thế sẵn có là diện tích mặt nước lòng hồ hơn 1.300 ha, lưu lượng nước luôn được đảm bảo, những năm qua người dân sống xung quanh lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong) đã tận dụng để phát triển nuôi cá lồng và khai thác đánh bắt thủy sản. đến nay, huyện Quế Phong có khoảng 100 hộ dân tham gia, với hơn 600 lồng cá các loại. Trong đó, số lồng được hỗ trợ của tỉnh là 473 lồng; số lồng người dân tự bỏ kinh phí đầu tư và phát triển nhân rộng mô hình là 157 lồng, tập trung chủ yếu ở bản Mường Hinh (13 hộ nuôi với 171 lồng), bản Pù Duộc (17 hộ nuôi với 169 lồng), bản Na Chảo - Piềng Văn (8 hộ nuôi với 129 lồng) … các loại cá được người dân hiện tại đưa vào nuôi là cá trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng... Với giá bán ổn định, từ 50.000 đồng/kg trở lên, lại có thể nuôi được nhiều, nhờ vậy mà việc nuôi cá lồng thực sự đã trở thành sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.
Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao
Anh Lang Văn Sáng ở bản Pù Duộc (xã Đồng Văn) cho biết: Ngày trước, gia đình anh cũng đã nuôi vài lồng cá trên sông Chu, tuy nhiên kiểu nuôi cá lồng nhỏ lẻ đó chỉ đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho gia đình. Do không nắm vững kỹ thuật, nên nhiều khi cá bị bệnh chết sạch, vừa không có thu hoạch, lại mất vốn. Sau khi lòng hồ tích nước, gia đình anh đã quyết định đầu tư làm lồng bằng sắt, nhựa tổng hợp để nuôi cá.
Đến nay, gia đình anh đã có 20 lồng, được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp và khoa học, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, với 20 lồng cá trắm và cá leo, mỗi năm gia đình anh Sáng thu hoạch được hàng chục tấn cá. Sau khi thu hoạch, cá được các nhà hàng ở TP.Vinh, TX.Thái Hòa… lên tận nơi thu mua.
Anh Trần Văn Thuận, bản Piềng Văn (xã Đồng Văn) có 60 lồng cá các loại cho biết, với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu được hơn 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có lãi khoảng gần 200 triệu đồng. Từ chỗ đói ăn, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.
Anh Thuận chia sẻ: Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả vẫn không cao, nhiều lúc cá bị bệnh mà không biết cách chữa nên chết cả loạt, thiệt hại rất lớn. Sau này các cơ quan, ban, ngành đã hướng dẫn cụ thể nên cá ít bị bệnh hơn, mà có bệnh cũng biết cách chữa ngay.
Cá lồng chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ, cá mương băm nhỏ
Tại lòng hồ Hủa Na, người dân nuôi cá chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ và cá mương nhỏ xay ra. Giống cá được bà con nhập từ các thương lái ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Mỗi lồng thả từ 200 - 300 con, thông thường 1 năm sau khi thả sẽ cho thu hoạch. Nhưng tùy nhu cầu của khách mua mà họ có thể chọn tỉa bán dần trong lồng.
Không riêng gì ở huyện Quế Phong, tại huyện Tương Dương, việc nuôi cá lồng cũng được người dân địa phương triển khai nhiều, chủ yếu là ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, lòng hồ thủy điện Khe Bố. Tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, tính hết năm 2020, đã có 338 lồng cá các loại được người dân các xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông và một số hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ Ngọc Lâm (Thanh Chương) quay lại lòng hồ tham gia nuôi.
Khó khăn về giống và kỹ thuật
Xác định nghề nuôi cá lồng là một lợi thế cho nên những năm qua, các huyện Quế Phong, Tương Dương đã tập trung chỉ đạo các hộ trong xã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Đồng thời, địa phương cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ nhằm nhân rộng nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Theo đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nuôi cá lồng giai đoạn 2021-2025, ngoài chính sách hỗ trợ thuộc chương trình Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các huyện Quế Phong, Tương Dương cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con nông dân, đồng thời xây dựng quy hoạch theo định hướng của huyện. Từ một số kết quả khả quan đã đạt được, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện.
Sau 1 năm thả nuôi, người dân đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cá lồng
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (Quế Phong) chia sẻ: Hiện, tại xã Đồng Văn có 4/6 bản nằm xung quanh lòng hồ, chính vì thế người dân trong xã đã chủ động trong việc nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Đây cũng được xem là mũi nhọn phát triển của địa phương. Chỉ tính riêng xã Đồng Văn đã có hơn 30 hộ tham gia nuôi cá.
Theo ông Quý, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà các hộ dân nuôi cá đã đỡ được phần lớn chi phí ban đầu. “Nhận thấy được hiệu quả to lớn của việc nuôi cá lồng nên hầu như khi nào có chương trình hỗ trợ, người dân đều đăng ký ngay” - ông Quý cho biết thêm.
Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn đó chính là việc ở các huyện Tương Dương, Quế Phong không có trại ươm giống cá quy mô lớn, chính vì thế người dân còn phải phụ thuộc con giống từ các thương lái ở dưới xuôi. Vì thế mà khi vận chuyển xa, một số loài cá không thích nghi được với điều kiện khí hậu thời tiết vùng núi, do vậy chất lượng con giống không cao, cá chậm phát triển ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất của hộ dân tham gia nuôi cá lồng.
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương mới manh nha mô hình ươm con giống nhưng hiệu quả không cao. Việc bị động trong cung cấp các giống cá khiến cho quy mô nuôi cá lồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất, vì thế mà một diện tích lòng hồ rộng lớn còn bỏ trống.
Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong thì cho biết thêm: Người dân nuôi cá lồng vẫn còn mang nặng tập tục sản xuất của địa phương, cá nuôi gối vụ qua nhiều năm, nhiều lứa nên hiệu quả nuôi trồng thủy sản chưa cao. Hơn nữa do trình độ dân trí không đồng đều, thiếu kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bên cạnh đó mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Định hướng phát triển bền vững
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả cao, ngoài vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân sống quanh lồng hồ, còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong), thủy điện Bản Vẽ ( Tương Dương). Để phát huy hiệu quả tối đa cho mô hình kinh tế này, thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương và ngành khai thác nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An. Từ đó, tạo hướng đi theo vững chắc hơn và phát huy tối đa hiệu quả kinh tế của mô hình này, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở miên tây Nghệ An.
Mỗi con cá khi thu hoạch nặng từ 3-5kg, với giá thấp nhất 50.000 đồng/kg như hiện nay, thì con cá đã trở thành con thoát nghèo của người dân khu vực xung quanh các lòng hồ thủy điện
Nhằm phát triển bền vững mô hình nuôi cá lồng hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ người dân các huyện Quế Phong, Tương Dương xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững: đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất tiêu thụ, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, trước hết ưu tiên phát triển các loài thủy sản có lợi thế, giá trị kinh tế cao như cá trắm cỏ, cá lăng, cá lao, cá diêu hồng,...
Để hiện thực hiện mục tiêu trên, các cơ quan quản lý: Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nuôi cá lồng; tăng cường quản lý con giống và chất lượng con giống, kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, đặc biệt cần tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi; đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các vùng nước tự nhiên theo quy hoạch để bố trí nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; tập trung phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng có điều kiện. Trọng tâm là phát triển nuôi cá lồng tại các hồ thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ
Tiếp tục nghiên cứu các mô hình lồng mới, xây dựng trung tâm con giống tại chỗ và tạo ra con giống có chất lượng, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh để chuyển giao cho nông dân; Ứng dụng vắc xin trong phòng trị bệnh cá nuôi lồng. Đồng thời, phải chuẩn bị kỹ lưỡng các yêu cầu về kỹ thuật mở lớp tập huấn, tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng cho bà con nông dân.
Nuôi cá lồng bè là một trong những mô hình cây, con chủ lực nhằm phát triển kinh tế miền tây Nghệ An. Tuy nhiên, để miền Tây Nghệ An đạt được mục tiêu trở thành một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cần được quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, dựa trên lợi thế nông nghiệp sẵn có để trở thành thế mạnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong toàn Vùng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: kinh tế rừng, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chanh leo, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản,... trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Có cơ chế, chính sách tập trung đầu tư để phát triển khu vực trọng điểm cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.