Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 8 năm 2023 | 13:48

Nghệ An 'nhập cuộc' dòng chảy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được các cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng và người dân, nhất là bà con nông dân tỉnh Nghệ An quan tâm, tích cực đồng hành dù ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.

Những bước đi đầu tiên

Tại Nghệ An, mặc dù khởi động chậm hơn một chút nhưng ngành nông nghiệp đã có những bước đi đầu tiên trong ứng dụng chuyển đổi số.Trên nền tảng các sản phẩm được xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, nhãn hiệu hay xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn Ocop, một số sản phẩm nông nghiệp như cam, chanh, ổi và một số sản phẩm khác được cấp mã vạch, dán mã QR. Từ tháng 11 năm 2021, tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Viettel ứng dụng phần mềm mang tên Vỏ sò giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh tổ chức sự kiện Live tream giới thiệu cam ở Yên Thành. Bên cạnh đó, một số nhà vườn, đại lý còn tổ chức live tream giới thiệu và bán hàng qua mạng.

Song song với khâu tổ chức bán hàng trực tuyến, ngành nông nghiệp đã từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số. Hiện nay, mặc dù khối HTX và kinh tế hộ việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế nhưng đã có những Tập đoàn, doanh nghiệp, chủ trang trại lớn trên lĩnh vực nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất như ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa vào theo dõi nhiệt độ, sâu bệnh trong mô hình nhà lưới để phun, tưới cho cây. Chỉ cần một thiết bị cảm biến trong nhà kính báo các chỉ số trong nhà vườn, chủ nhà vườn từ xa có dùng điện thoại thông minh bật hệ thống tưới hoặc phun dung dịch, hóa chất phòng trừ, chăm sóc cây, quả…

Trang trại Đồi Chồi Bud Hill Farm của anh Nguyễn Công Hải được áp dụng công nghệ IoT với hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại.

Trang trại Đồi Chồi Bud Hill Farm của anh Nguyễn Công Hải tại xóm 12, xã Thịnh Sơn ( Đô Lương, Nghệ An) được đánh giá là trang trại nông nghiệp sạch, an toàn hữu cơ, áp dụng công nghệ cao hiện đại bậc nhất tỉnh Nghệ An và huyện Đô Lương. Mô hình của anh đã tạo việc làm cho 20 lao động, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Thành công của anh Hải là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất .

Theo anh Hải, với 10 ha trang trại áp dụng công nghệ IoT với hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại, nên việc chăm sóc cây trồng cần rất ít lao động. Cụ thể, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người sử dụng có thể quản lý chi tiết được lượng nước tưới, thời gian tưới, độ ẩm, nhiệt độ trong trang trại… Dù ở bất kỳ đâu, người quản lý trang trại cũng có thể quản lý được công nhân làm việc, cũng như tình trạng dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển của cây.

Nhật ký sản xuất được nhập và hiển thị hàng ngày bằng một ứng dụng quản lý giám sát để truy suất nguồn gốc và lưu dữ liệu trên toàn hệ thống giám sát. Sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và ký kết theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển trên trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

“Các sản phẩm từ trang trại của chúng tôi được áp dụng dán mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sau đó, đưa lên sàn thương mại điện tử qua cổng thông tin. Khách hàng chỉ cần quét và truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết được thông tin nhà vườn, quy trình canh tác và ngày thu hoạch sản phẩm. Do vậy, việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc tại các sản thương mại điện tử giúp việc tiêu thụ các sản phẩm không bị thương lái ép giá, qua đó nâng cao chất lương, giá thành sản phẩm”, anh Hải chia sẻ.

Mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tiên áp dụng phương pháp phun phân hữu cơ organic bằng máy bay không người lái (Drone), bước đầu mang lại hiệu quả.

Việc sử dụng Drone để phun phân hữu cơ organic được xem như một bước tiến mới của ngành nông nghiệp ở huyện Yên Thành. Trong bối cảnh lực lượng lao động địa phương tham gia vào sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ nông nghiệp mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, hỗ trợ nông dân cắt giảm được thời gian, sức lao động, hạn chế được việc tiếp xúc với bùn sâu, hóa chất độc hại, giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.  

Việc ứng dụng thiết bị Drone vào hoạt động sản xuất nông nghiệp được xem là bước đi mới của huyện lúa Yên Thành.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong vòng 1 giờ, mỗi thiết bị Drone có thể phun được 2,5 - 3ha. Trong khi đó, nếu phun bằng phương pháp thủ công, một người chỉ có thể phun được hơn 1 sào/1 giờ đồng hồ (1 sào Trung bộ = 500m2 - pv). Về chi phí, tiền công chi trả cho một lao động phun thủ công thông thường là 900.000 đồng/ha còn chi phí để vận hành thiết bị Drone chỉ khoảng 560.000 – 600.000 đồng/ha.

Ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thành nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy, máy bay không người lái là một thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp chính xác và hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian và lao động. Không chỉ giúp bà con cắt giảm chi phí sản xuất, việc phun phân hữu cơ organic bằng còn góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Đây là hướng đi đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho bà con huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Còn nhiều khó khăn

Trên cơ sở chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT về đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Nghệ An đã có những bước đi đầu tiên là hình thành bộ khung ban chỉ đạo. Trước đó, năm 2020, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư các vùng nông nghiệp sạch và mô hình sản xuất công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… là bước đi đầu tiên của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn là lĩnh vực còn mới chưa được khai phá hết tiềm năng.

Việc số hóa phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất, thu hoạch đến nhập kho, phân phối. Từ thực tế có thể cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng đang ở mức độ sơ khai. Tại Nghệ An, trong hơn 1.300 nhãn hiệu hàng hóa được tỉnh Nghệ An kiểm tra và cấp nhãn hiệu, thì mới chỉ có vài chục sản phẩm nông nghiệp tỉnh có mã vạch hay dán QR. Đầu tư cho trang thiết bị cũng còn hạn chế, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ đủ lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà và người dân khó tiếp cận. Trên địa bàn hiện mới chỉ một số mô hình nhà lưới, nhà màng do doanh nghiệp, chủ trang trại lớn trên địa bàn Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Đô Lương ứng dụng công nghệ tự động vào giám sát, điều chỉnh phun tưới cho cây; các mô hình doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình tự tổ chức livetream bán hàng còn rất ít và chưa thu hút được lượt người vào xem và tương tác.

Mặt khác, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An còn nhỏ và phân tán. Việc khai thác đất trong sản xuất nông nghiệp còn chưa thực sự hiệu quả do trình độ cơ giới hóa còn thấp và chưa sử dụng nhiều công nghệ hỗ trợ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hợp đồng chuyển nhượng đất cùng lúc với nhiều hộ dân.

Đối với ngành khai thác thủy hải sản, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, các Tổ liên ngành tại cảng cá vẫn cập nhật, ghi sổ theo dõi tàu thuyền ra vào cảng bằng phương pháp thủ công, hạ tầng bến bãi neo đậu khá chật hẹp, nhân lực mỏng; hạ tầng theo dõi VMS còn nhiều bất cập; một số tàu cá lắp đặt VMS nhưng không kích hoạt... Với mục đích triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023. Tỉnh Nghệ An cần sớm quan tâm nâng cấp hạ tầng thiết bị để các dữ liệu này được cập nhật vào hệ thống chung.

Trao đổi với đại diện Phòng quản lý khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Lĩnh vực nông nghiệp tỉnh ta còn khá nhiều bất cập, từ con người cho đến các nền tảng hạ tầng công nghệ. Quá trình triển khai sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và phải làm tuần tự, bài bản. Tuy vậy, đây là lĩnh vực mới, mở ra triển vọng rất lớn cho nông nghiệp nên không thể không làm.

Cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Mặc dù Nghệ An đã có những bước đi đầu tiên để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số cần một lộ trình đồng bộ và bài bản, trong đó nông nghiệp chỉ là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Chính vì thế, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Nghệ An cần sớm ban hành lộ trình thực hiện, tiếp tục tham mưu, xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR code.

Cam Vinh được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc từ năm 2017 nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời; đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông tuyên truyền về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận tiếp cận chính sách và đưa công nghệ số vào sản xuất, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Theo đó, cùng với giao trách nhiệm cho từng đơn vị, lĩnh vực trực thuộc, tỉnh cần thí điểm nghiên cứu cơ chế thuê lại đất của nông dân hoặc tổ chức dồn điền đổi thửa 1 lần nữa để tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp, hộ nông dân có năng lực đầu tư hạ tầng, làm nông nghiệp thông minh.

Mặt khác, tỉnh cũng cần hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, trình diễn; thường xuyên động viên, đồng hành với nông dân trong kết nối, tổ chức các diễn đàn, gian hàng bán hàng trực tuyến; có cơ chế để các sản phẩm sạch, uy tín được vào các trang mạng bán hàng trực tuyến quốc gia, quốc tế miễn phí (do tỉnh tài trợ) để khuyến khích nông dân làm và tiêu dùng các sản phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn./.

 

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top