Với gần 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm, Nghệ An có nguồn dược liệu phong phú vào bậc nhất của cả nước. Không chỉ tạo nguồn nguyên liệu quý, việc phát triển cây dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân vùng miền tây Xứ Nghệ.
Tạo sinh kế bền vững
Với địa hình đa dạng và phức tạp, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Nghệ An có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000 ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho người dân, nhất là tại các huyện miền Tây của tỉnh.
Cây dược liệu được trồng trên nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Phùng Thành Vinh cho biết: Thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với cây ngô và gấp 2 - 6 lần so với cây keo. Tuy nhiên, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu…
Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiêp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh Nghệ An triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu. Và thực tế, bước đầu một số dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng còn khó khăn; ngoài tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất dược liệu, thì tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại có giá trị.
Nâng cao thu nhập người dân vùng dự án
Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án. Hiện tại, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Đương Quy một trong số các loài cây dược liệu phát triển rất tốt tại xã Mường Lống và được kỳ vọng mang lại nguồn thu nhập ổn định để thoát nghèo cho người dân nơi đây.
Những đặc trưng về độ cao, khí hậu, đất đai của 2 xã Na Ngoi và Mường Lống là thế mạnh trong phát triển cây dược liệu mà không phải nơi nào cũng có được. Và không chỉ đáp ứng nguyên liệu chế biến, vùng trồng dược liệu còn là một tiềm năng rất tốt trong phát triển du lịch canh nông, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Theo ông Trịnh Hiền Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu TH, trong các hoạt động sản xuất, doanh nghiệp luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ những người nông dân vốn chỉ biết làm nương, làm rẫy, người lao động được tuyển làm công nhân, được đào tạo các kỹ thuật canh tác hiện đại, kỹ năng sản xuất trong nhà xưởng, nâng cao năng lực và dễ dàng thích nghi với các yêu cầu sản xuất hiện đại, được đảm bảo về BHXH, BHYT.
Ươm và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong. Ảnh: Báo Nghệ An
Đặc biệt, công ty cũng chủ trương tạo các mô hình sản xuất điểm để người dân tham quan học hỏi, từ đó, có thể tự sản xuất với sự đồng hành của doanh nghiệp trong cả vấn đề kỹ thuật và thu mua, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngay trên chính ruộng nương của mình. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với chặt cây làm rẫy như trước.
Tháo gỡ khó khăn, bất cập
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022 của HĐND tỉnh, huyện Kỳ Sơn được phân bổ 6,643 tỷ đồng, Tương Dương 6,642 tỷ đồng, Con Cuông 4,403 tỷ đồng, Quế Phong 6,642 tỷ đồng, Quỳ Châu 4,403 tỷ đồng.
Dự án quy định địa phương được thụ hưởng phải có đủ diện tích phân bổ trồng dược liệu từ 210 ha trở lên, không yêu cầu liền vùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương được phân bổ vốn, ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện còn lại không đủ điều kiện về diện tích để triển khai dự án, nên đến tháng 10/2023 vẫn chưa giải ngân được vốn.
Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An)
Ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện khác đã có ý kiến đề xuất cấp trên điều chỉnh nguồn vốn do địa phương không đáp ứng đủ số diện tích trồng dược liệu theo quy định.
“Kỳ Sơn là địa phương đủ điều kiện thực hiện thì việc bố trí nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng là rất hạn hẹp khó có thể thực hiện. Theo đó, để có cơ sở thực hiện Tiểu dự án 2, dự án 3, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, ngày 24/4/2023, huyện Kỳ Sơn đã đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn triển khai dự án đầu tư vùng trồng dược liệu quý; đề nghị tập trung đầu tư vùng trồng dược liệu tại huyện Kỳ Sơn, không dàn trải ở các địa phương khác”, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Đây là chuyển động tích cực, mang lại niềm hy vọng lớn cho người dân các huyện miền Tây trong sự phát triển kinh tế gắn với trồng, chế biến, bảo tồn cây dược liệu sẵn có ở địa phương.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Hiện nay, các thủ tục liên quan việc điều chuyển vốn và quy mô Tiểu dự án thuộc Dự án 3 đã hoàn thành. Huyện cũng đã hoàn thành kế hoạch triển khai vùng trồng dược liệu, chờ UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh vốn, sớm giải ngân dự án.
Giải pháp phát triển bền vững
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Nghệ An đã được ban hành và sẽ được tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cần hỗ trợ các huyện miền Tây cụ thể hoá bằng Chương trình phát triển dược liệu của huyện và tập hợp vào Chương trình/Đề án phát triển dược liệu của tỉnh. Đồng thời đưa vào định hướng ưu tiên, kế hoạch phát triển hàng năm của tỉnh, các ngành và các huyện, như một chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Từ đó làm căn cứ, cơ sở để thu hút doanh nghiệp đầu tư, cũng như định hướng cho dân phát triển.
Phân định rõ 3 vùng để có định hướng quản lý: Vùng bảo tồn phát triển tại chỗ (một số diện tích tại Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên); Vùng khai thác tự nhiên có kế hoạch; Vùng trồng mới (trồng chuyên canh và trồng xen canh dưới tán rừng).
Trên cơ sở Luật Lâm nghiệp sửa đổi, cần cụ thể hóa cơ chế quản lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và Nhân dân vừa bảo vệ, phát triển được rừng, vừa khai thác và canh tác dược liệu một cách bền vững.
Quy hoạch 2 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến dược liệu và dược phẩm tại hai địa bàn: Con Cuông và Thái Hoà để thu hút doanh nghiệp đầu tư phục vụ cho hai vùng Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An. Đưa danh mục đầu tư phát triển dược liệu ở miền Tây, chế biến dược vào nhóm ưu đãi cao nhất trong chính sách của Tỉnh để thu hút đầu tư.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hỗ trợ các tập đoàn TH, Thiên Minh Đức và các doanh nghiệp khác đẩy nhanh các dự án đã và đang xúc tiến để làm đầu tàu kéo chuỗi liên kết dọc. Xúc tiến nhanh để hình thành các hợp tác xã (khai thác, trồng, sơ chế dược liệu) để làm vai trò kết nối chuỗi liên kết ngang để kết nối với các doanh nghiệp. Trước mắt thí điểm hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm từ cây Quế Quỳ và các loại cây lấy tinh dầu.
Nghệ An đã có Quy hoạch phát triển dược liệu, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, do vậy, cần sớm xây dựng và ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu và dược phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cần chú ý lồng ghép các nguồn lực của Trung ương (Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Sâm Việt Nam…), nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và kể cả nguồn lực kêu gọi từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo để tập trung phát triển, tránh sự phân tán, manh mún. Trong đó ưu tiên hỗ trợ giống, đào tạo tập huấn, truyền thông, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thiết bị đầu cuối.
Hỗ trợ đầu tư để hình thành các Trung tâm sản xuất giống dược liệu ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nam và Trung du, trước hết là tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong) và Trạm khảo nghiệm nông nghiệp công nghệ cao Thái Hòa, gắn với các khu bảo tồn dược liệu.
Tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu và chế biến dược liệu, đặc biệt là ở các huyện miền Tây. Bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lĩnh vực này ở miền Tây sẽ thúc đẩy, tương tác trong quá trình thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư, cũng như hỗ trợ Nhân dân triển khai khai thác, trồng dược liệu tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời đây cũng là một kênh thu hút nguồn lực đầu tư và phát huy tri thức bản địa.
Tiếp tục dành nguồn lực cũng như tăng cường hợp tác với các Viện Trường trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng cũng như chế biến dược liệu. Đặc biệt cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài đang hợp tác, kết nghĩa với Nghệ An từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…. Đồng thời, Kết nối du lịch với phát triển dược liệu để làm phong phú thêm sinh kế và thu nhập của Nhân dân bản địa.
Phát huy tối đa nguồn tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở vùng miền Tây trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác, nhận biết, chế biến, sử dụng các loại dược liệu và các bài thuốc dân gian gia truyền. Đặc biệt là hỗ trợ để thương mại hóa các bài thuốc gia truyền. Vấn đề này rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ Ban Dân tộc- Ngành Y tế cũng như Hội Đông y của tỉnh để hỗ trợ phát huy nguồn lực tại chỗ của Nhân dân.
Nhiều sản phẩm được chế biến từ dược liệu của Nghệ An rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tổ chức đào tạo tập huấn kỹ thuật khai thác, trồng bảo quản, sơ chế dược liệu cho nông dân. Đây là đối tượng mới, tiêu chuẩn cao, do vậy cần tập huấn bài bản, kiên trì, liên tục. Trước hết cần đưa kỹ thuật trồng, khai thác, bảo quản, sơ chế dược liệu theo hướng GACP vào Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho cán bộ kỹ thuật cấp huyện xã, các hợp tác xã và các trang trại. Sau đó là đưa vào chương trình khuyến nông triển khai song song với xây dựng mô hình.
Phát triển dược liệu là một lợi thế cạnh tranh rất cao, là một tiềm năng rất lớn của miền Tây Nghệ An. Điều này vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân thoát nghèo và hướng tới làm giàu, vừa khuyến khích Nhân dân bảo vệ rừng, đồng thời có thể phát huy được nguồn lực rất lớn tại chỗ là tri thức bản địa của Nhân dân các dân tộc, vừa tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây Nghệ An. Điều kiện cần để miền Tây Nghệ An có thể trở thành Trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung Bộ đã có, điều kiện đủ đó chính là quyết tâm chính trị, chính là sự vào cuộc triển khai tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc miền Tây Nghệ An để biến khát vọng vươn lên làm giàu từ kinh tế rừng, từ chiến lược phát triển dược liệu thành hiện thực.
Vì vậy, cùng với việc “gỡ” vướng và bổ sung thêm vốn cho dự án trồng dược liệu thuộc Tiểu dự án 2, dự án 3 là một trong những chuyển động cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của các cấp, ngành đối với hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng từ dược liệu của các huyện miền Tây. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hy vọng rằng, các huyện miền Tây Nam nói riêng, vùng miền Tây Nghệ nói chung sẽ biến cái bất lợi truyền thống thành cơ hội phát triển mới, giúp người dân không những sống được nhờ rừng, mà còn có thể giàu lên từ rừng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.