Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 9 năm 2023 | 14:59

Nghệ An quyết tâm định vị trên “bản đồ” thị trường xuất khẩu lúa gạo

Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất trong 31 tỉnh, thành phía Bắc. Tuy nhiên, Nghệ An chưa thực sự có những bước đột phá, tạo được giá trị hàng hóa lớn, tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng. Mặc dù, nguồn cung lúa gạo tại địa phương dư thừa nhưng phải nhập gạo nơi khác về xuất khẩu.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất trên 170.000 ha lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia, của tỉnh. Cùng với Thanh Hóa và Hà Nội, hiện Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất trong 31 tỉnh, thành phía Bắc.

Từ việc áp dụng các tiến bộ KHKT, sản xuất lúa gạo ngày càng đạt những kết quả đáng mừng. Năm 2015, diện tích lúa của tỉnh là 186.551 ha, năm 2022 còn 173.149 ha, giảm 14.402 ha, tuy nhiên, sản lượng đạt 995.571 tấn, tăng so với năm 2015 là 16.709 tấn, chứng tỏ năng suất lúa đã tăng lên rõ rệt.

Mỗi năm, Nghệ An có sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn

Yên Thành được coi là “vựa lúa” của tỉnh, hàng năm, riêng diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân của huyện Yên Thành đạt khoảng hơn 12.700 ha; năng suất thường xuyên đạt mức 72- 73 tạ/ha. Huyện đã đưa vào các giống lúa tiến bộ, diện tích lúa lai hơn 5.000 ha, còn lại là diện tích các giống lúa chất lượng cao gần 7.500 ha, chủ yếu là giống Thái xuyên, TBR225… Với sản lượng xấp xỉ 180.000 tấn/năm, lượng lúa gạo của người dân một phần phục vụ cho lương thực, phần lớn bán lẻ ra thị trường trong nước thông qua các tư thương thu mua.

Diễn Châu cũng là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh về diện tích, năng suất và sản lượng lúa. Nhiều năm nay, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh gia tăng giá trị theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao trong sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm như: CS6, ADI 28, QP5, VNR 20, Cozy, TBR225, Long Hương 8117, Phú Ưu 978... Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân.

Mặc dù ngày càng hướng đến sản xuất lúa gạo chất lượng, nhưng có thể thấy, sản phẩm lúa gạo của Nghệ An được tiêu thụ ở những kênh phân phối giá trị cao như các siêu thị, hệ thống phân phối lớn còn rất ít, đặc biệt, gạo xuất khẩu hầu như chưa có, giá trị sản xuất lúa gạo chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng. Nông dân sản xuất với mục đích là tự cung, tự cấp lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi là chính.

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Diện tích canh tác lúa toàn huyện trên 9.000 ha; trong đó có 7.650 ha lúa lai, chiếm 85% tổng diện tích lúa cả vụ, 1.350 ha gieo cấy các giống lúa thuần, đều là những giống lúa cơm gạo ngon, như: BC15, VNR20, Thiên ưu 8, TBR 225, Bắc thơm 7 và BT09. Năng suất lúa bình quân đạt 74,5 tạ/ha, sản lượng 67.050 tấn/vụ. Năng suất cao, sản lượng lớn, song chỉ một số lượng nhỏ (300ha/9000ha) được doanh nghiệp bao tiêu, còn lại lượng lúa gạo dư thừa hàng năm bà con chủ yếu bán cho tư thương, bán lẻ cho các hộ có nhu cầu hoặc phục vụ chăn nuôi.

Là doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa (Vĩnh Thành, Yên Thành) hiện có 175ha canh tác lúa và 5.000ha liên kết với các hộ dân sản xuất lúa ở Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Theo đó, sản lượng mỗi năm lên đến 15.000 tấn. Nhiều bộ giống lúa chất lượng cao được công ty đưa vào sản xuất, được người tiêu dùng trong nước đón nhận như: AC5, Thảo dược Vĩnh Hoà 1, VH6… Tuy nhiên, đến nay, thị trường tiêu thụ lúa gạo của công ty vẫn chỉ gói gọn trong nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và xuất sang Lào một lượng nhỏ.

Năng suất cao, sản lượng lớn, song chỉ một số lượng nhỏ được doanh nghiệp bao tiêu, còn lại lượng lúa gạo bà con chủ yếu bán cho thương lái, bán lẻ cho các hộ có nhu cầu hoặc phục vụ chăn nuôi

Bà Phan Thị Hào, Phó Giám đốc Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa cho biết: “Do kiểm soát tốt từ khâu chọn giống, giám sát quy trình chăm sóc và công ty đầu tư hệ thống lò sấy với công suất 100 tấn/ngày nên chất lượng gạo của công ty rất đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, đến nay, lúa gạo của công ty vẫn chỉ tiêu thụ trong nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc”.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vilaconic, chuyên xuất khẩu gạo ở Nghi Phú (TP.Vinh) cho biết: “Mỗi năm công ty chúng tôi xuất sang thị trường 43 nước với sản lượng khoảng 70.000 tấn gạo. Tất cả số gạo này đều nhập từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long về, gia công, đóng gói và xuất khẩu”.

Lý giải nguyên nhân

Với góc nhìn của một thương nhân có kinh nghiệm về xuất khẩu khẩu gạo, bà Nguyễn Thị Duyên lý giải: Sở dĩ Nghệ An chưa có gạo xuất khẩu là do, hiện, sản xuất lúa ở tỉnh ta vẫn chỉ có 1 vụ mùa chính là lúa đông xuân, còn vụ hè thu chủ yếu là giống ngắn ngày, chất lượng gạo không cao và sản lượng ít, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Cơ cấu giống lúa ở Nghệ An vẫn đang là các giống lúa lai, lúa ngắn ngày, năng suất, sản lượng cao nhưng chất lượng, phẩm cấp gạo chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thêm vào đó, chi phí Logistics ở Nghệ An khá cao, đẩy giá thành gạo thương phẩm lên cao hơn mặt bằng chung. Đó chính là “rào cản” khiến Nghệ An vẫn chưa nằm trong vùng quy hoạch lúa gạo xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh đó sản xuất còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, công tác bảo quản sau thu hoạch vẫn còn khó khăn, chủ yếu bằng thủ công, phơi nắng và bằng các dụng cụ sẵn có tại hộ gia đình; tỷ lệ lúa gạo được sấy tại các hệ thống sấy còn rất thấp, chỉ mới một số ít HTX xây dựng được hệ thống sấy lúa sau thu hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 nhà máy chế biến gạo của doanh nghiệp.

Mặc dù ngày càng hướng đến sản xuất lúa gạo chất lượng, nhưng sản phẩm lúa gạo của Nghệ An được xuất khẩu hầu như chưa có.

Diện tích sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ. Chúng ta đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa/hộ gia đình, cá nhân rất nhỏ. Phần lớn diện tích lúa của tỉnh vẫn đang được sản xuất theo các phương thức sản xuất thông thường, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ rất ít. Việc liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng diện tích lúa hàng năm; do đó, người dân thường gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán cho thương lái thu mua.

Tuy chủ trương ưu tiên chuyển dần từ sản xuất các giống lúa năng suất sang những giống lúa vừa năng suất vừa chất lượng, diện tích lúa chất lượng ngày càng tăng; tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức cũ, diện tích lúa được áp dụng sản xuất theo các quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ chưa đáng kể, dẫn đến chưa nâng cao được chất lượng lúa gạo.

Thế nhưng, để tăng các diện tích này còn vấp phải nhiều “rào cản”; trước hết, do lao động trong nông nghiệp ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác, sản xuất lúa chủ yếu là người lớn tuổi, khả năng tiếp thu KHCN hay áp dụng các tiêu chuẩn an toàn rất khó khăn. Đồng thời, khi sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn thì năng suất sẽ thấp hơn so với việc đi theo hướng sản lượng cao, do đó, người dân cũng khó tiếp nhận để sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Vì vậy, sản phẩm của chúng ta đưa vào hệ thống các siêu thị rất ít và giá lúa gạo thường không cao.

Giải pháp nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo

Trong 2 năm nay gần đây, nhiều hợp tác xã ở Nghệ An đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao; một số tập đoàn lớn cũng đã tổ chức, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu gạo Nghệ An ở một số địa phương. Chính mô hình liên kết này đã khơi mở hướng đi về việc đưa các bộ giống chất lượng cao vào gieo trồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tuân thủ các nguyên tắc về canh tác cải tiến nhằm đảm bảo chất lượng lúa gạo.

Với tiềm năng về đất đai, về kỹ thuật canh tác, năng suất lúa hàng năm đạt cao và sản lượng lúa dư thừa khá lớn, do đó, Nghệ An hoàn toàn có khả năng để hình thành các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu.

Những cánh đồng của Nghệ An, các giống lúa chất lượng cao còn khá ít.

Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn về gạo xuất khẩu thì ngành chức năng phải đồng hành, hỗ trợ, làm “bà đỡ” cho nông dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống sang áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; đưa các bộ giống lúa chất lượng, thơm ngon để tạo ra hạt lúa đảm bảo chất lượng, từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu hạt gạo trên đồng đất Nghệ An. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường.

Ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho các diện tích lúa chất lượng cao. Đồng thời, tăng diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất, chú trọng đầu tư khâu bảo quản lúa được thu hoạch nhằm duy trì chất lượng lúa gạo ở mức cao nhất.

Để làm được điều đó, Nghệ An cần tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả hoặc trồng cây thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, chỉ sản xuất lúa gạo ở những diện tích đáp ứng các điều kiện cần thiết.

Đồng thời, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương và huy động nội lực địa phương, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, bao gồm hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hệ thống các công trình điện nông thôn.

Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp tổ chức các hình thức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất HTX, tổ hợp tác… Xây dựng “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” theo hướng lúa chất lượng cao, tăng cường liên kết các tác nhân trong sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh sản xuất lúa theo quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn, thâm canh cao: Tăng tỷ lệ diện tích sản xuất lúa theo quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giống lúa, quản lý chặt chẽ các tổ hợp tác sản xuất - cung ứng giống lúa chát lượng cao. Đầu tư cơ giới hóa, công nghệ, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục cải thiện nhiều hơn bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng lúa gạo hiện nay và trong tương lai.

Những cánh đồng của Nghệ An, các giống lúa chất lượng cao còn khá ít.

Tăng cường hình thành chuỗi liên kết 4 nhà của ngành hàng. Về lâu dài, nông dân sẽ tham gia sản xuất theo “Cánh đồng lớn”, “Đại điền” theo hướng hữu cơ và nông dân được tổ chức vào các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, song hành với nâng cao chất lượng lúa gạo, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển vị thế gạo Nghệ An trên thị trường.

Tuy nhiên, để ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh thực sự chuyên nghiệp, giá trị cao như mong muốn, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp của ngành Nông nghiệp và các địa phương, thì trước hết, chính người nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất từ sản xuất thông thường sang sản xuất hàng hóa; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top