Các loại mực hoạt động mạnh ở tuyến lộng và xa bờ đang đem lại sản lượng đánh bắt lớn cho ngư dân Quảng Nam. Đáng ghi nhận là cách khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi.
Trúng lớn mùa mực
Ngư dân Bùi Văn Lưu (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu lưới chụp QNa-91315 dài 14,2m vừa cập bờ bán hải sản sau một ngày đánh bắt mực cách bờ biển Tam Tiến 15 hải lý.
Chuyến biển chỉ từ đêm đến sáng thu được 400kg mực cơm và gần 100kg mực lá, mực nang. Tại chợ cá Tam Tiến, mực cơm ông Lưu bán 150 nghìn đồng/kg, mực lá 300 nghìn đồng/kg, mực nang 250 nghìn đồng/kg.
Khả quan mua khai thác mực của ngư dân Quảng Nam.
“Chuyến biển ngắn ngày nên chi phí gần 5 triệu đồng. Mực đang rộ ở tuyến lộng, chúng tôi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi” - ông Lưu nói.
Thời điểm này, nhiều tàu chụp mực đánh bắt mực ở ngư trường Hoàng Sa của ngư dân xã Tam Quang, Tam Giang (Núi Thành) liên tục cập bờ sau chuyến biển từ 20 ngày trở lên.
Ngư dân Trần Tấn Sinh (thôn Đông An, xã Tam Giang) - chủ tàu QNa-91769 cho biết, chuyến biển với 10 thuyền viên thu được 8 tấn mực xà khô. Thương lái thu mua với giá 150 nghìn đồng/kg, thu về 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí cho chuyến biển 400 triệu đồng, mỗi thuyền có thu nhập 40 triệu đồng còn chủ tàu lãi được 400 triệu đồng.
“Rất hiếm khi mực xà được mùa lại được giá. Anh em sẽ tranh thủ về thăm nhà, nghỉ ngơi rồi lại khẩn trương đi biển” - ông Sinh nói.
Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, mùa khai thác mực mỗi năm bắt đầu từ giữa tháng 3 đến hết tháng 8.
Trên địa bàn có hàng chục tàu đánh bắt mực cơm, mực lá, mực ống, mực nang ở khắp các vùng biển tuyến lộng của Quảng Nam và các khu vực Thuận An (Thừa Thiên Huế), Cửa Việt (Quảng Trị), Cửa Sót (Hà Tĩnh) và biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).
Theo ghi nhận, từ đầu mùa đến nay, ngư dân thu được sản lượng lớn và bán với giá cao. “Những năm trước, ngư dân khai thác các loại mực chủ yếu bằng lồng bẫy ven bờ nay cải hoán tàu lớn, đầu tư ngư lưới cụ hiện đại, nhất là đầu tư 4 tăng gông chụp mực hiệu quả. Hy vọng ngư dân có một mùa khai thác mực hiệu quả” - ông Siêm nói.
Bảo vệ nguồn lợi hải sản
Ngư dân theo nghề khai thác mực của xã Tam Tiến cho biết, mùa sinh sôi của các loại mực ống, mực nang, mực lá, mực cơm là khoảng cuối tháng 12 năm trước đến giữa tháng 1 năm sau. Sau khi các loại mực phát triển chừng 2 tháng thì ngư dân vươn khơi đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Văn Nhật (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) nói: “Lưới chụp của chúng tôi có mắt lưới ở miệng là 0,8cm, mắt lưới ở đáy là 0,6cm. Các loại mực cỡ nhỏ sẽ không mắc lưới nên không tận diệt nguồn lợi. Chúng tôi thống nhất vừa khai thác vừa bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Đây là cách để gìn giữ sinh kế lâu bền, phát triển nghề khai thác hải sản bền vững”.
Ông Võ Hồng Rôn - Tổ phó Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn bà Đậu (xã Tam Tiến) cho biết, nhiều năm làm nghề lưới chụp nên ông luôn trăn trở làm sao để vừa khai thác vừa duy trì nguồn lợi hải sản.
Các loại mực chọn rạn bà Đậu làm bãi đẻ nên qua theo dõi, tuần tra, kiểm soát đã biết được quy luật sinh sôi của các loại mực, từ đó tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt mực theo kiểu tận diệt bằng mắt lưới nhỏ hay các ngư cụ nguy hại khác.
Suốt thời gian dài, ngư dân các vùng bãi ngang ven biển câu các loại mực bằng cách dùng đèn pha áp suất lớn rọi xuống mặt biển để dụ mực cắn câu. Cách thức đánh bắt này tận diệt mực và các nguồn lợi hải sản khác, bởi ánh đèn quá nóng làm chết mực con, cá non.
Đáng mừng là hiện nay, các phương tiện khai thác mực cải tiến bằng cách thả câu chỉ chọn bắt những con mực lớn. Cách đầu tư mới này giúp ngư dân giảm chi phí chuyến biển bởi không dùng đèn cao áp tốn rất nhiều năng lượng, lại cho năng suất cao, lợi nhuận lớn hơn. Lợi ích nữa là đánh bắt thân thiện, khai thác có chọn lọc, tạo thuận lợi để mực non phát triển.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.