Giá thịt xuống thấp người chăn nuôi thua lỗ nên không muốn tái đàn, không cải tạo khu vực nuôi gây lên áp lực môi trường làm ngao chết hàng loạt. Đây là những nguyên nhân làm cho người chăn nuôi gặp khó, không muốn tái đàn và đầu tư sau dịp Tết Nguyên đán.
Người dân e ngại tái đàn lợn sau Tết do giá thịt xuống thấp
Giá lợn hơi đang ở mức thấp trong khi giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi thua lỗ. Do đó, sau khi xuất bán lợn thịt, đến nay đã hết tháng Giêng song nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa vào đàn lứa khác. Vậy nên, lợn giống cũng khó tiêu thụ dù giá giảm mạnh...
Nhiều trang trại lợn nái gặp khó khăn khi lợn giống khó tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
Trang trại của anh Lê Thanh Hùng ở xóm Liên Khai, xã Thanh Liên (Thanh Chương, Nghệ An) vẫn để trống chuồng, chưa tái đàn. Anh Hùng cho biết: “Nếu như mọi năm, bán lứa này là xử lý chuồng trại, nuôi gối lứa khác liền chứ không bao giờ để trống chuồng. Nhưng nay, giá lợn xuống thấp quá, còn 42.000 đồng/kg, thức ăn chăn nuôi tăng cao, thuốc thú y cũng tăng, càng nuôi càng lỗ nên đành “treo chuồng” một thời gian, xem tình hình thế nào rồi mới nuôi tiếp”.
Giá lợn thịt xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại vẫn đang e ngại chưa dám vào đàn lứa khác. Người dân chưa tái đàn nên lợn giống vì thế cũng ế ẩm, khó tiêu thụ.
Cũng ở xóm Liên Khai, xã Thanh Liên, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ đã giảm từ 3 con lợn nái xuống còn 1 con. Ra Tết, lợn nái đẻ 10 lợn con, nếu như mọi năm thì trước khi lợn đẻ, người dân đã dặn, đặt cọc trước, chỉ chờ đủ ngày đủ tháng là bắt về nuôi. Vậy mà, thời điểm này, chị mới chỉ bán được 4 con, còn 6 con không ai hỏi mua đành để nuôi lợn thịt.
Chị Huệ cho biết: “Các năm trước, 3 con lợn nái đẻ 30 con thì dân trong làng giành mua, đặt cọc trước khi lợn đẻ. Vậy mà năm nay, vẫn còn ế 6 con lợn giống dù giá chỉ còn 700.000 đồng/con 10kg”.
Kinh doanh lợn giống và cung ứng tinh lợn với quy mô lớn nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Nhật ở xóm Hợp Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) lại thấy ế ẩm như năm nay. Từ quy mô 100 con lợn nái vào năm 2021, nay, anh đã chủ động giảm xuống còn một nửa. Trung bình mỗi năm, cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 con lợn giống, riêng thời điểm này, trại của anh đang còn 300 con lợn giống đến kỳ xuất bán.
Tuy nhiên, do nhu cầu tái đàn của người dân giảm nên việc tiêu thụ lợn giống rất khó khăn. “Chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 triệu đồng, với mức giá lợn giống như hiện nay thì lỗ, với lại tiêu thụ rất chậm. Do đó, tôi đang tính toán chuyển sang nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, vào đàn lợn thịt trong thời điểm này cũng rất khó khăn”, anh Nhật chia sẻ.
Trước đây đã có thời điểm ngành chăn nuôi gặp khó khăn do dịch bệnh, giá lợn thịt xuống thấp, nên người chăn nuôi không thể tái đàn. Việc bù đắp nguồn cung thịt trong nước đã phải tính toán bằng việc nhập khẩu thịt lợn từ các nước láng giềng, dẫn đến thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Do đó ngành chăn nuôi đã khuyến cáo, người dân nên tính toán phù hợp để khi thị trường lợn hơi “ấm lên”, người dân quay lại tái đàn thì vẫn đảm bảo cung ứng đủ con giống; tránh tình trạng khan hiếm con giống và sốt giá như đã từng xảy ra vào năm 2020
Mật độ nuôi cao, môi trường bị ảnh hưởng, nguyên nhân ngao chết hàng loạt
Người dân ở vùng nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã đầu tư nguồn vốn, công sức khá lớn, mong chờ đến ngày thu hoạch thì xuất hiện tình trạng ngao, hàu chết trắng bãi.
Hơn 1 tuần nay, gia đình ông Phạm Ngọc Dũng (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) như “ngồi trên lửa” bởi gần 5 ha ngao nuôi bị chết. Lứa ngao này, ông Dũng thả nuôi từ tháng 4 năm ngoái, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 6 tới. Ngao chưa đến độ thu hoạch, lại bị chết nên ông Dũng tìm thương lái khắp nơi để bán số ngao còn sống trên bãi nuôi nhưng không ai mua.
Anh Nguyễn Văn Liên (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) huy động nhân lực trong gia đình ra vệ sinh môi trường bãi nuôi.
Ông Phạm Ngọc Dũng cho biết: “Lứa ngao này tôi thả hơn 23 tấn giống. Giống được mua ở Cửa Lò (Nghệ An) với giá 30 triệu đồng/tấn, một số giống tôi mua lại của người dân địa phương thu gom ngoài tự nhiên. Dự kiến, tháng 6 tới sẽ thu hoạch để phục vụ mùa du lịch biển. Vậy mà, mấy ngày qua, ngao chết trắng bãi, tôi phải thuê người dân đến thu gom để vệ sinh môi trường nuôi”.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Liên (cùng thôn 2) đang huy động nhân lực trong gia đình ra bãi để vệ sinh môi trường, dọn sạch những con đã chết và thu hoạch những con còn sống nhằm “vớt vát” thiệt hại.
“Thời điểm này là chính vụ thu hoạch vậy mà bây giờ chủ yếu đi thu dọn xác ngao. 5 tấn giống thả nuôi tròn 1 năm mà gia đình chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn ngao thương phẩm. Theo kinh nghiệm nuôi ngao nhiều năm, tôi đoán do mình đã thả nuôi gối vụ chồng lên nhau, mật độ nuôi dày nên dẫn đến ngao bị chết” - anh Nguyễn Văn Liên chia sẻ.
Tại vùng nuôi hơn 20 ha của 7 hộ tại Cửa Nhượng (hay còn gọi là vùng nuôi ngao xứ Cồn Cố Vịnh) thuộc thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng ngao chết với tỷ lệ khoảng 20%. Tình trạng ngao chết hàng loạt diễn ra hơn 1 tuần nay.
Hàu nuôi lồng bè của anh Lê Minh Thông (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Sau khi phát hiện tình trạng ngao nuôi, hàu nuôi của vùng nuôi trồng thủy sản tại 2 xã Cẩm Lĩnh, và Cẩm Lộc xảy ra hiện tượng bị chết, chính quyền địa phương đã báo cáo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra thực địa, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đánh giá: Tại các bãi nuôi ngao Cẩm Lĩnh, mật độ thả nuôi có những điểm quá cao (500 con/m2 cỡ 650 con/kg). Thời gian nuôi tại các bãi liên tục, không có thời gian nghỉ bãi, thả nhiều đợt giống gối vụ chồng lên nhau. Việc không thực hiện vệ sinh, cải tạo bãi nuôi đã gây áp lực lên môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi.
Để người nuôi trồng thủy sản không bị thiệt hại do kinh nghiệp và kỹ thuật chăn nuôi, thiết nghĩ các ngành chức năng cần kiểm tra và hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản, thực hiện nghiêm túc các quy trình, kỹ thuật nuôi thủy, hải sản. Đảm bảo không thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời bảo đảm được môi trường nuôi thả thủy, hải sản.
Thực hiện vệ sinh, khử trùng phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2023, từ ngày 1/3 - 31/3/2023.
Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho đàn gà nuôi tại hộ nông dân. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh thực tế còn diễn biến phức tạp, chủ vật nuôi và một số địa phương chưa báo cáo chính xác, đầy đủ, nhất là đối với dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Các địa phương có kế hoạch cụ thể để tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y.
Đồng thời các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, lây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh…
Thời điểm sau Tết Nguyên đán với tiết trời nồm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát triển. Do đó việc vệ sinh, khử trùng và làm các công tác tiêm chủng để phòng ngừa các loại dịch bệnh là hết sức cần thiết. Các lực lượng chức năng cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và các vật tư để thực hiện việc khử khuẩn, sát trùng. Người chăn nuôi ngoài việc thực hiện các khuyến cáo của ngành chức năng về vệ sinh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng, khử khuẩn còn phải thực hiện các yêu cầu do nhành thú y đưa ra. Có như vậy mới đảm bảo được an toàn cho gia súc, gia cầm không bị lây nhiễm dịch bệnh, làm thiệt hại tài sản và kinh tế người chăn nuôi.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.