Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2023 | 8:0

Người dân an tâm với chính sách bảo hiểm tiền gửi

Trong bối cảnh kinh tế thị trường đầy biến động, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn không ngừng tăng trong thời gian dài, cho thấy niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng và chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) khi quyền và lợi ích người gửi tiền luôn được đảm bảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: BTQ

Tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn cho người gửi tiền

Thời gian qua, bối cảnh thị trường có nhiều biến động, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không còn sức hấp dẫn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm lại được người dân đặt nhiều niềm tin, tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng liên tục đạt mức kỷ lục mới qua từng tháng. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018. Dự báo của một số chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tiếp theo.

Sỡ dĩ có xu hướng này bởi người dân coi việc tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn. Tiền gửi tại các TCTD được bảo vệ bởi cơ chế giám sát ngân hàng. Khi huy động tiền gửi từ cộng đồng, TCTD có trách nhiệm bảo vệ tiền gửi được huy động theo cách thức bảo vệ tài sản có của chủ sở hữu. Hơn nữa, trong suốt quá trình huy động tiền gửi, kinh doanh, đầu tư của TCTD, cơ chế giám sát ngân hàng chặt chẽ được thực thi từ chính nội bộ TCTD, bên cạnh đó là cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng (cơ quan thanh tra và giám sát ngân hàng) và cơ quan BHTG.

Luật Các TCTD và các luật khác có liên quan đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người gửi tiền ở mức độ cao nhất. Cụ thể, Điều 146 Luật Các TCTD quy định: Khi TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được NHNN, BHTG và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. 

Ngoài ra, Điều 99 Luật Phá sản quy định, chỉ khi nào NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản TCTD. Nếu TCTD có bị phá sản, thì theo quy định tại Điều 101 Luật Phá sản, khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ Nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác.

Bảo vệ người gửi tiền thông qua chính sách BHTG

Để thực hiện được những cam kết nêu trên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được Chính phủ thành lập với mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, phối hợp kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, khi người dân gửi tiền vào các TCTD sẽ được bảo vệ bởi chính sách BHTG. Đây là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, BHTGVN có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tính đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm. Sau gần 24 năm hoạt động, BHTGVN đã chi trả cho 39 quỹ tín dụng nhân dân với 1.793 người gửi tiền, tổng số tiền chi trả là gần 27 tỷ đồng.

Ngoài vai trò chi trả, BHTGVN còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: Theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm; Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng; Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; Tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD;…

Thông qua đó, BHTGVN góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top