Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 10 năm 2023 | 12:28

Nguy cơ mất vị thế xuất khẩu hồ tiêu

Trước tình trạng diện tích trồng hồ tiêu liên tục sụt giảm, người trồng hồ tiêu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có giá trị cao hơn, đã dẫn đến nguy cơ nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong vòng 3 năm tới đây. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, Việt Nam sẽ mất vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.

Vùng trọng điểm trồng hồ tiêu sụt giảm diện tích

Việt Nam có sáu địa phương trồng tiêu trọng điểm, chiếm 90% diện tích hồ tiêu cả nước, trong đó Đông Nam Bộ có Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước. Tây Nguyên có ba tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai.

Theo ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây nguyên, diện tích trồng hồ tiêu trước đây từ 150.000 ha đến nay sụt giảm còn khoảng hơn 100.000 ha, đồng thời năng xuất cũng có xu hướng giảm. Nguyên nhân do giá hồ tiêu trong nhiều năm qua sụt giảm nghiêm trọng, bà con nông dân không mặn mà với việc trông cây hồ tiêu, vì thế người nông dân chặt cây hồ tiêu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao hơn.

Diện tích trồng tiêu giảm trong vài năm trở lại đây

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến cuối năm 2022, diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 10,7 ngàn ha, giảm gần 50% diện tích so với thời hoàng kim của cây trồng này. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, năng suất của cây trồng này cũng ngày càng kém.

Trong hơn 5 năm qua, giá thu mua hồ tiêu bấp bênh, dịch bệnh hoành hành khiến diện tích hồ tiêu tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước giảm khoảng 5.600ha hồ tiêu. Niên vụ 2023 năng suất hầu hết các vườn trồng tiêu đều giảm so với năm 2022, hiện nay tỉnh Bình Phước có khoảng 14.000ha hồ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Vượng, ở xã N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông đã từng có 16.000 trụ tiêu vào năm 2015, nhưng đến nay ông còn chưa đến 2000 trụ tiêu, nguyên nhân do tiêu bị bệnh chết hàng loạt.

Theo ông Vượng lý do ông không trồng lại tiêu là do giá trị thấp và khi trồng lại cây tiêu bị bệnh nên rất khó khăn. Trong khi trồng cây mắc ca giá trị cao, hiện nay đang có giá 80.000đ/kg nên ông quyết định chuyển trang trồng loại cây này.

Giá hồ tiêu liên ở mức thấp

Trong 3 năm trở về đây giá hồ tiêu luôn ở mức thấp, nhưng năm nay giá có nhích lên khoảng trên 70.000đ/kg, tuy nhiên, giá này không đủ cho chi phí đầu vào, công sức lao động,  người nông dân sau khi bán và trừ đi mọi chi phí cũng không có lãi, vì thế người trồng tiêu không mặn mà trồng cây tiêu nữa.

Ông Trần Trọng Nhân ở xã N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho biết, giá hồ tiêu thay đổi liên tục nhưng là giá thấp, không cao. Nếu có cao như năm nay thì khi thu hoạch bán đi, người trồng tiêu chúng tôi thu lại không đáng là bao, nếu không nói là lỗ.

Giá tiêu thấp là nguyên nhân người trồng tiêu không mặn mà giữ diện tích

Hiện, giá tiêu ở thị trường trong nước tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tiếp tục đứng giá ở mức từ 68.000 đồng/kg – 71.000 đồng/kg.

Trong đó, giá tiêu khu vực Tây Nguyên vẫn được dao động từ 68.000 đồng/kg – 69.000 đồng/kg. Cụ thể như, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 68.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắklắk hôm nay và giá tiêu Đắk Nông được thu mua 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ giá tiêu hôm nay tiếp tục dao động từ 70.000 đồng/kg - 71.000 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua. Cụ thể, giá tiêu Bình Phước đang được thu mua ở mức 70.000 đồng/kg. Còn giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục được thu mua với giá 71.000 đồng/kg.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhận định, khi diện tích cây tiêu giảm sẽ mở chu kỳ tăng giá mới, có thể vào năm 2030 hay 2032, giá tiêu có thể lên tới 150.000 đồng/kg. Diện tích cây tiêu càng giảm thì sản lượng càng ít giá bán sẽ càng tăng, giống như giai đoạn 2005 – 2006, nhu cầu thị trường nhập khẩu tăng mạnh, diện tích trồng tiêu nhỏ, sản lượng thấp đẩy giá tiêu tăng cao trên 200.000 đồng/kg, còn bây giờ cung vượt cầu giá tiêu đang đi xuống.

Nguy cơ mất vị thế dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cho thấy, trong tháng 9 ước đạt 19 nghìn tấn, giảm 5,6% so với tháng 8, nhưng tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt 70 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng 8, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đã bán phần lớn sản lượng trong năm nay nhưng nhờ nhập khẩu và tồn kho từ những năm trước vẫn còn nên nguồn cung hạt tiêu vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu. Trong khi đó, người mua tiếp tục theo dõi sát triển vọng vụ mùa năm 2024 và không muốn vào các vị thế kỳ hạn ở mức giá cao.

Trên thế giới ngoại trừ Việt Nam có khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng so với năm ngoái, các nước khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều ghi nhận sụt giảm.

Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, chiếm hơn 19% diện tích và 48% khối lượng xuất khẩu hồ tiêu. Nhưng nếu tình trạng chặt bỏ cây hồ tiêu để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao hơn vẫn diễn ra, sẽ dẫn đến giảm sản lượng và nguy cơ mất vị thế là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu là điều khó tránh khỏi.

Nếu chúng ta mất vị trí này thì vị trí đứng đầu sẽ thuộc về tay Brazil. Song, Brazil đang bị vướng Quy định Chống mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR), trong đó, họ cấm nhập khẩu một số nông sản liên quan tới mất rừng nhập khẩu vào EU như hồ tiêu. Mặt khác, tiêu của Brazil không thơm, không cay nên không được người tiêu dùng châu Âu, Mỹ chấp nhận vì không hợp khẩu vị, vì vậy, tiêu Brazil không đáng ngại.

Nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, nếu như không có quy hoạch rõ ràng vùng trồng tiêu, không có sự hỗ trợ cho người trồng tiêu, đặc biệt không có sự liên kết trong sản xuất, vẫn cứ để tình trạng “trồng – phá” diễn ra, thì việc bảo đảm sản lượng tiêu sẽ không được bền vững.  

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top