Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024 | 15:51

Nhiều địa phương chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đang hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp, mang lại kết quả bước đầu. Từ đó, tạo ra hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường. Mô hình dựa trên nguyên tắc tuần hoàn các nguồn tài nguyên trong hệ thống nông nghiệp từ; đất, nước, phân bón, đến cây trồng vật nuôi. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Các loại phế, phụ phẩm chính trong nông nghiệp gồm: phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sau khi xử lý thì đây là nguyên liệu hữu hiệu cho quy trình sản xuất khác, bằng cách này, mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp tăng năng suất, chất lượng và an toàn trong các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Phát triển NNTH là xu hướng của các nước phát triển, bối cảnh hiện nay đang mở ra cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nhằm phát triển NNTH gắn với sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Mười cho biết, tổng khối lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta gần 157 triệu tấn. Trong đó, gần 89 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến các loại nông sản của lĩnh vực trồng trọt; hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; có 5,5 triệu tấn từ ngành nông nghiệp…

Thực tế, nông dân của chúng ta vẫn đang lãng phí rất nhiều nguồn nguyên liệu góp phần mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp; giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Trong đó, phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng NNTH là rất quan trọng. Tại Việt Nam, kinh tế VAC đã phát triển nhưng chưa áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chưa phát huy được giá trị tuyệt đối của mô hình NNTH, ông Mười cho biết.

NNTH mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi, người dân có thể sử dụng nguồn năng lượng này làm chất đốt. Hay sử dụng sinh khối là phế phẩm trong lâm nghiệp, cây trồng làm viên nén chất đốt; viên nén này còn được xuất khẩu, tăng doanh thu khá đáng kể.

Nguồn chất thải trong chăn nuôi, xác bã thực vật hoặc phế, phụ phẩm trong chế biến nông sản là nguồn nguyên liệu rất tuyệt vời để làm phân bón hữu cơ. Với nông dân, phân bón thường chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư, thay vì bỏ rất nhiều tiền mua phân bón thì chúng ta tái sử dụng lại những phế phẩm làm phân bón sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người nông dân. Đồng thời, việc tận dụng phế phẩm sẽ ngăn chặn chất thải ra môi trường.

Cụ thể, khi chăn nuôi bò, chúng ta có thể sử dụng phân bò nuôi trùn quế, sau đó dùng làm phân bón cho cây trồng. Không những mang lại hiệu quả trong chăn nuôi và trồng trọt mà còn đảm bảo được việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trong NNTH, yêu cầu sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để duy trì phát triển bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò rất quan trọng nên phải có những giải pháp để tiết kiệm nước, nhất là ở những vùng khô hạn. Chính vì vậy, tuần hoàn nước là giải pháp để tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước chúng ta đang có. Với mô hình VAC, vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây... Đặc biệt, hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần ứng dụng giải pháp tuần hoàn nước để hạn chế xâm nhập mặn, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người

KTTH là hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Trong nông nghiệp, KTTH được xem là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá của Công ty TNHH nông sản Đồng Tháp Aqua (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 77%, Đồng Tháp là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Theo đó, lượng phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khá lớn, ước tính trên 5 triệu tấn/năm phụ phẩm nông nghiệp và 19 triệu tấn bùn thải ao nuôi cá tra. Trong đó, phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo ước trên 4 triệu tấn, rau màu 389 nghìn tấn, cây ăn trái 277 nghìn tấn, chế biến cá tra là 151 nghìn tấn.

Hiện tại, phụ phẩm từ trồng trọt được xử lý bằng cách đốt tại ruộng (45,9%), làm thức ăn gia súc (29,0%), ủ phân (5%); phụ phẩm từ chế biến thủy sản được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích (dầu cá, bột cá, phân hữu cơ...) đạt khoảng 90%. Chỉ tính riêng trên cây lúa, lượng phế phụ phẩm đốt bỏ, không tái sử dụng ước khoảng 2,2 triệu tấn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Do đó, việc áp dụng mô hình KTTH trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay là cần thiết nhằm giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều lĩnh vực sản xuất thực hiện theo quy trình tuần hoàn như: Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ấu tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò; mô hình tái chế vỏ trấu của Công ty TNHH MTV Mai Anh Đồng Tháp; mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh; mô hình thu chất thải phụ phẩm cá tra làm phân bón của Công ty CP Vĩnh Hoàn; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông; mô hình Aquaponic của Công ty TNHH nông sản Đồng Tháp Aqua, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn phát triển một số mô hình mới, cách làm hay mang hiệu quả kinh tế cao gắn sản xuất an toàn, liên kết chuỗi; phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị; phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập và đời sống người dân trên địa bàn.

Xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí chất lượng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, việc đẩy mạnh KTTH trong nông nghiệp của tỉnh đặt ra một số thách thức.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực tế đó, để phát triển bền vững các mô hình KTTH trong nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời lồng ghép nội dung KTTH vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình sản xuất hữu cơ, chương trình OCOP. Tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, trong đó, tận dụng tối đa chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác nhằm giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển KTTH; khuyến khích sử dụng các công nghệ sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Triển khai thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của các địa phương.

Đồng thời xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững. Trong đó, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo tuần hoàn, theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại... Mặt khác, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về KTTH cho cán bộ ngành nông nghiệp, người sản xuất phục vụ phát triển mô hình KHTH trong nông nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi tự chảy, hiện đại, đảm bảo sự liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác và đảm bảo phục vụ đa ngành, đa mục tiêu, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ bảo quản, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có. Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, phát triển công nghiệp tái chế, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường...

Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn được xem là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường. Với những giá trị mang lại, mô hình này hiện đang được nhân rộng tại các địa phương, tạo ra nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là khái niệm khá mới mẻ với một số người dân, nhưng thực tế, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, thông qua áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, công nghệ sinh học... Các chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ được tái chế, trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình mới. Tùy vào điều kiện sản xuất, người dân có thể lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi với quy mô, phù hợp với chuỗi khép kín, từ đó giảm được chi phí đầu vào, giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao nhận thức về tái sử dụng phế phụ phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nuôi vịt, cá và trồng cây ăn quả tại xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).

Là một trong những hộ dân được địa phương tạo điều kiện đi thăm các mô hình nông nghiệp tuần hoàn không rác thải, ông Hoàng Văn Tương ở thôn Minh Đức, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã dồn đổi diện tích đất của gia đình thành nhiều khu để chăn nuôi vịt, nuôi cá và trồng cây ăn quả, ngô. Với mong muốn giảm chi phí sản xuất, ông Tương để vịt thải phân làm thức ăn cho cá; khi chúng bơi lội sẽ làm tăng lượng oxy hòa tan trong nước giúp cho cá có đủ lượng oxy cần thiết trong quá trình hô hấp, thức ăn dư thừa, vương vãi của vịt đưa xuống ao cũng có thể làm thức ăn cho cá. Vì vậy, ông đã xây dựng chuồng nuôi vịt gần ao, sử dụng chất độn chuồng bằng trấu khô, rơm rạ để không bị hôi mốc, có sân tạo thành độ dốc cần thiết để vịt lên xuống dễ dàng. Bên cạnh đó, ông Tương thường dùng cá để ủ, cho ra thành phẩm dịch đạm cá hữu cơ an toàn, cung cấp nhiều dưỡng chất và các acid amin thiết yếu cho cây trồng. Đối với diện tích trồng ngô, những bắp hỏng, hạt lép được ông tận dụng xay, trộn để làm thức ăn cho vịt. Sau nhiều năm xây dựng trang trại theo mô hình tuần hoàn khép kín, ông Tương cho biết: “Mô hình này đã giúp tôi giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn; đồng thời hạn chế rác thải và các mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô tập trung, cải tạo hệ thống chuồng trại khép kín với tiêu chuẩn đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè; xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải sử dụng làm khí đốt. Anh Trịnh Hữu Quang, xã Yên Phú (Yên Định), cho biết: “Với diện tích 2ha, ngoài việc đầu tư xây dựng trang trại với những máy móc hiện đại, tôi còn chú trọng xây dựng hệ thống lọc như các bể lọc phân, bể biogas, bể lắng... Nguồn chất thải chăn nuôi được xử lý bằng hầm biogas tận dụng làm chất đốt nấu ăn, sưởi ấm cho lợn vào mùa đông và quạt mát vào mùa hè. Bên cạnh đó, phân chuồng đã được xử lý tiếp tục được dùng làm phân bón cho vườn cây ăn quả, các loại rau xanh phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất NNTH được thực hiện, như: mô hình trồng lúa - nấm ăn - sản xuất phân hữu cơ; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò; mô hình kinh tế tổng hợp bò - trùn quế - cỏ, ngô; cây ăn quả - gia súc, gia cầm - cá; mô hình lúa - cá... Hầu hết các mô hình đều chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như: sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học, như Balasa Nol, EM, BioEM, nuôi ruồi lính đen, giun quế để xử lý các chất thải thành thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng cho cây trồng... Từ những mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, có thể khẳng định, NNTH mang lại nhiều lợi ích kép cho người dân, là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giúp người sản xuất giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Boadongthap, baothanhhoa...)
Ý kiến bạn đọc
Top